Kỹ thuật nắn chỉnh và xuyên đinh.

Một phần của tài liệu Đánh giá kết quả điều trị gãy trên lồi cầu xương cánh tay trẻ em bằng nắn kín, xuyên đinh Kirschner qua da dưới màn tăng sáng (Trang 33)

- Tất cả các bệnh nhân đều được thăm khám kỹ về mặt lâm sàng và cận lâm

2.4.6. Kỹ thuật nắn chỉnh và xuyên đinh.

Gồm có 4 bước sau:

Bước 1: Nắn chỉnh ổ gãy có hỗ trợ của màn tăng sáng.

Nắn chỉnh ổ gãy theo kỹ thuật chúng tôi đã trình bày ở phần trước. Trước tiên chúng tôi tiến hành kéo dọc trục chi gãy để chỉnh di lệch chồng, đồng thời trong quá trình kéo dọc trục chúng tôi chỉnh sửa di lệch xoay và di lệch sang bên. Khi đã chỉnh hết di lệch chồng, xoay và sang bên, ta chỉnh di lệch gập góc bằng cách gấp khuỷu kết hợp đẩy đầu ngoại vi ra trước. Tư thế cẳng tay phụ thuộc vào hướng di lệch của đầu gãy ngoại vi. Nếu di lệch sau ngoài thì cẳng tay gấp và sấp, nếu di lệch sau trong thì cẳng tay gấp và ngửa. Tất cả quá trình trên đều dưới sự kiểm soát của màn tăng sáng và được thực hiện với ít nhất hai người nắn.

Bước 2: Đánh giá kết quả nắn chỉnh.

Sau khi nắn chỉnh xong ổ gãy, ta phải đánh giá lại kết quả nắn dựa trên lâm sàng và trên màn tăng sáng.

Trên lâm sàng, khi khuỷu gập được gần như tối đa kết hợp với xác định trục xương cánh tay tương quan với mỏm trên lồi cầu và mỏm trên ròng rọc thì xem như quá trình nắn chỉnh đã hoàn chỉnh. Kiểm tra động mạch quay cùng bên xem có tổn thương không.

Trên màn tăng sáng ta kiểm tra kết quả nắn chỉnh ở hai tư thế chếch trong 450, chếch ngoài 450

và tư thế nghiêng.

Bước 3: Cố định ổ gãy bằng xuyên đinh Kirschner.

Sau khi nắn chỉnh ổ gãy hoàn chỉnh, chúng tôi tiến hành xuyên đinh Kirschner cố định ổ gãy.

* Nguyên tắc xuyên đinh:

- Đinh xuyên phải qua 2 vỏ xương.

- Đinh phải đủ cứng và có đường kính thích hợp (thường chúng tôi sử dụng từ 1.4- 2.0 mm).

- Góc xuyên tạo với trục dọc xương cánh tay một góc 300- 400 ở mặt phẳng trán.

- Điểm vào của 2 đinh ở mỏm trên lồi cầu trong và mỏm trên lồi cầu ngoài. - Hướng xuyên đinh phụ thuộc vào sự di lệch đầu tiên của đoạn gãy xa và tình trạng tại chỗ vùng khuỷu.

* Cách xuyên đinh Kirschner: Người phụ cố định ổ gãy trong tư thế gập

khuỷu. Phẫu thuật viên chính chọn đinh có đường kính thích hợp với tuổi và cân nặng của BN. Lắp đinh vào khoan tay. Dùng ngón tay cái xác định mỏm trên lồi cầu ngoài và mỏm trên lồi cầu trong. Đặt đinh vào mỏm trên lồi cầu ngoài hoặc mỏm trên lồi cầu trong và xuyên đinh qua ổ gãy lên đầu gãy trung tâm, xác định hướng xuyên đinh và vị trí đinh trên màn tăng sáng. Khi đinh xuyên qua 2 thành xương thì dừng lại. Kiểm tra lại ổ gãy tư thế thẳng và nghiêng trước khi xuyên đinh tiếp theo.

Nếu vùng khuỷu sưng nề nhiều không xác định được mỏm trên lồi cầu trong, nguy cơ tổn thương thần kinh thì ta tiến hành xuyên đinh phía ngoài đơn thuần.

Sau xuyên đinh, đánh giá độ vững chắc của ổ gãy và kết quả nắn chỉnh qua màn tăng sáng.

Bước 4: Kết thúc phẫu thuật.

Uốn và cắt chân đinh, để đầu đinh ngoài da với chiều dài 0,5 cm. Sát trùng lại vùng phẫu thuật, băng che phủ chân đinh bằng gạc Betadin, đặt nẹp bột cánh- bàn tay đã chuẩn bị sẵn để tăng cường trong 2 tuần với khuỷu gấp 900 và cẳng tay nửa sấp nửa ngửa.

Bước 1: Nắn chỉnh ổ gãy.

Bước 2: Kiểm tra kết quả nắn chỉnh.

Bước 3: Cố định ổ gãy.

Bước 4: Kết thúc phẫu thuật.

Ảnh 2.3: Các bước nắn kín và xuyên đinh qua da. (Ảnh chụp tại BV Nhi Thanh Hóa)

Một phần của tài liệu Đánh giá kết quả điều trị gãy trên lồi cầu xương cánh tay trẻ em bằng nắn kín, xuyên đinh Kirschner qua da dưới màn tăng sáng (Trang 33)