Bước đầu xác lập ảnh hưởng của Thiên Chúa giáo tại Ấn Độ (thế kỷ XVI)

Một phần của tài liệu Hoạt động thương mại và truyền giáo của Bồ Đào Nha ở Ấn Độ, Trung Quốc thế kỷ XVIXIX (Trang 82)

B. NỘI DUNG

2.1.1. Bước đầu xác lập ảnh hưởng của Thiên Chúa giáo tại Ấn Độ (thế kỷ XVI)

2.1.1.1. Hoạt động truyền giáo từ Cochin đến Goa

Sau khi xác lập quyền lực tại Cochin, trong 10 năm đầu của thế kỷ XVI, hoạt động truyền giáo của linh mục Bồ Đào Nha được tiến hành bằng phương thức hòa bình dựa trên sự cải đạo một cách tự nguyện của tín đồ. Được sự chấp thuận của raja (Hồi vương) Cochin, vào năm 1503, một tòa nhà phục vụ cho các giáo chức và một nhà thờ dành riêng cho thánh Bartolomeu được khánh thành dưới sự quản lý của linh mục Domingo de Sousa - một trong ba nhà truyền giáo dòng Đa Minh (Dominicains) đã có mặt trên chuyến tàu của da Gama. Với tư cách là nhà thờ đầu tiên của Giáo hội Rome tại Ấn Độ, nơi đây thường xuyên đón tiếp khoảng 600 người Bồ Đào Nha gồm: thủy thủ, binh lính, viên chức, thương nhân, quân đội đồn trú đến để xưng tội và nghỉ ngơi chuẩn bị cho những chuyến khởi hành tiếp theo. Thành tựu quan trọng trong giai đoạn này là việc arel (trưởng cảng) Cochin quyết định cải đạo cùng toàn bộ gia đình và thuộc cấp của ông với số lượng ước tính trên 1.000 người. Đây là một mô hình quen thuộc trong xã hội cổ truyền khi quyết định của người đứng đầu cộng đồng hoặc gia tộc được ban bố thì tất cả các thành viên của gia đình và những người bên dưới đều phải thực hiện.

Công cuộc truyền giáo bước sang giai đoạn mới sau khi Bồ Đào Nha chiếm đóng thành công Goa (1510). Để xác lập vị thế của tôn giáo mới này trong cộng đồng Ấn Độ giáo bản địa, Albuquerque tiến hành xây dựng nhà thờ Saint Catherine và có nhiều chính sách khác nhau hỗ trợ cho các tín đồ Thiên Chúa giáo. Việc xây dựng Goa theo mô hình vừa là trọng điểm thương mại, vừa là trung tâm tôn giáo chi phối mạnh mẽ đến việc lựa chọn cách thức truyền giáo. Chính sách khoan dung tôn giáo không thích hợp để Thiên Chúa giáo hóa Goa, vì vậy, vua Bồ Đào Nha đề xuất việc thiết lập chức vụ giám mục với “trách nhiệm phá hủy các đền thờ tọa lạc tại Goa và thay thế chúng bởi các nhà thờ của Chúa. Bất kỳ người nào mong ước được sống trên hòn đảo này thì phải là tín đồ Thiên Chúa giáo, nhưng nếu họ không muốn, hãy đưa họ rời khỏi hòn đảo này….Có thể, một vài người không thể trở thành Ky tô hữu tốt, nhưng con cái họ thì có thể và vì thế, Đức Chúa trời luôn được phục vụ…” [80; 131]. Đây là bước đi đầu tiên trong tiến trình dùng sức mạnh chính quyền để xác lập quyền lực của Thiên

Chúa giáo. Thế nhưng chức vụ giám mục thời kỳ này không được duy trì thường xuyên vì phụ thuộc vào số lượng Ky tô hữu Bồ Đào Nha đến Ấn Độ theo các thương thuyền khởi hành từ Lisbon. Từ năm 1530 - khi Goa trở thành thủ phủ của đế quốc Bồ Đào Nha tại phương Đông thì yêu cầu về việc sắp đặt lại cơ cấu tổ chức và thay đổi cách thức quản lý được đặt ra. Một lần nữa, theo đề nghị của vua Bồ Đào Nha, Giáo hoàng Clement VII (1478-1534) đồng ý và ban hành kèm theo sắc chỉ “Romani pontificis circumspectio” (31/1/1533), phát triển Funchal77 lên địa hạt Tổng giáo chủ. Giáo phận Goa78 chính thức được công nhận thông qua sắc chỉ “Aequum reputamus” vào ngày 3/11/1534. Đứng đầu giáo phận Goa là một giám mục với trọng trách: “Tạo điều kiện cho sự thích nghi của cư dân thành phố với nhà thờ St.Catherine để phục vụ cho sự phát triển của Giáo hội và giáo phận, duy trì và cải thiện các nghi lễ thờ phụng Chúa trong tất cả các nhà thờ, nhà nguyện, tu viện và những nơi khác, cung ứng cho họ lễ phục và các vật dụng cần thiết cho hoạt động nghi lễ, cung cấp nguồn tài chính đầy đủ và duy trì nguồn nhân lực cần thiết để thực hiện tốt nhất trách nhiệm này” [83; 179]. D. John d'Albuquerque - giáo sĩ dòng Phan Sinh (Franciscains) trở thành giám mục đầu tiên của giáo phận Goa.

2.1.1.2. Hoạt động truyền giáo của giáo đoàn Franciscains tại Cannanore và Mylapore

Với tư cách là giáo đoàn đầu tiên truyền giáo ở Ấn Độ, Franciscains phải gánh trên vai trách nhiệm hết sức nặng nề. Kể từ chuyến đi của linh mục Henry de Coimbra (năm 1500), số lượng giáo sĩ được bổ sung hàng năm theo nhịp điệu thương mại gió mùa. Đến năm 1517, 12 giáo sĩ dưới sự lãnh đạo của Antony de Louro hoặc Loureiro (người sáng lập giáo đoàn Franciscains tại Ấn Độ) đã sinh sống ổn định tại Cochin [83; 120].

Từ Cochin, việc truyền giáo mở rộng đến Cannanore và Mylapore nhưng thành tựu còn khá hạn chế. Tại Cannanore, theo báo cáo của cha sở Affonso Velho (năm 1514) thì: “ngoài hàng trăm người Bồ Đào Nha lập gia đình, ở đây có tổng cộng 334 người (85 người Hồi giáo, 8 người Nayars79 cùng với 22 trẻ em; 160 người đến từ đẳng cấp thấp 'tybas và macuas' cùng 33 trẻ em. Bên cạnh đó, còn có thêm 13 trẻ em mà cha chúng là người Bồ Nha Đào kết hôn với phụ nữ bản địa và 24 trẻ em không được thừa nhận.” [83; 125]. Ở Mylapore, do sự tập trung ở mật độ cao binh lính Bồ

77 Hiện nay là thành phố lớn nhất, thủ đô của khu tự trị Madeira thuộc Bồ Đào Nha. Vào nửa cuối thế kỷ XV, Bồ Đào Nha đến định cư tại Madeira và theo đó Thiên Chúa giáo cũng được truyền bá đến hòn đảo này. Vào năm 1508, Funchal nâng lên địa vị một thành phố và đến 1514, Giáo hội Rome đã bổ nhiệm Tổng giám mục quản lý giáo dân tại đây.

78 Biên giới của giáo phận Goa được giới hạn từ mũi Hảo Vọng đến Trung Quốc, Tổng giám mục tại Funchal sẽ có quyền lực tối cao trong toàn khu vực.

Đào Nha giải ngũ, việc truyền giáo tại đây tương đối thuận lợi nhưng chủ yếu chỉ tiến hành thông qua các công việc mục vụ. Số lượng tín đồ người Ấn Độ cải đạo gần như không được đề cập đến.

Để lý giải những thành tựu có phần hạn chế này, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng chướng ngại lớn nhất khi mở rộng không gian truyền giáo là vấn đề ngôn ngữ. Phần lớn giáo sĩ Bồ Đào Nha không thể nói được bất kỳ một ngôn ngữ địa phương nào. Bên cạnh đó, các linh mục Franciscains cũng khó khăn để hòa nhập vào cuộc sống đầy bon chen và thù địch của người Bồ Đào Nha tại Ấn Độ. Sự hỗ trợ mà họ nhận được từ phía Estado là khá ít ỏi kể cả việc tìm địa điểm để xây dựng trụ sở giáo đoàn80. Không chỉ vậy, khác biệt về điều kiện thời tiết cũng khiến tình hình sức khỏe của các linh mục không được đảm bảo. Một số giáo sĩ như các cha sở, được gửi đến Ấn Độ trong thời gian ba năm, và mặc dù cảm thấy khá thoải mái với cuộc sống tại Goa cũng luôn nhìn về phương Tây và mong chờ ngày trở lại quê hương. Theo như bản báo cáo của linh mục Goncalo de Lamego (1527) thì trong số 13 người đến Ấn Độ đầu tiên, hai trong số họ đã qua đời, 6 linh mục đã trở về Bồ Đào Nha do không thể sống lâu dài tại thương điếm này. Theo một bức thư đề ngày 8/11/1532, 40 năm kể từ khi Thiên Chúa giáo đặt nền tảng, 20 giáo sĩ đã chết tại Goa.

Khó khăn nữa là việc các linh mục Bồ Đào Nha không thể nào hiểu hết được sự phân chia đẳng cấp ngặt nghèo trong xã hội Ấn Độ cũng như sự tinh tế của Hindu giáo. Những nhận thức trước kia của họ rằng Hindu giáo chỉ là một tín ngưỡng mê tín dị đoan là hoàn toàn sai lầm. “Trong thực tế Hindu giáo có một quá trình phát triển lâu dài trong lịch sử, có nguồn gốc triết lý sâu sắc cùng với dấu ấn văn học đậm nét và truyền thống được bảo lưu qua từng thời kỳ” [43; 34]. Điều này dẫn đến tình trạng trong khi Nayars hoặc Brahmans là đối tượng truyền đạo của linh mục thì trong thực tế phần lớn Ky tô hữu giai đoạn này là những người ở đẳng cấp thấp (được gọi là Izhavas). Bên cạnh đó, các thương điếm ban đầu như Cochin, Tuticorin, Negapatam vẫn nằm dưới sự quản lý của các tiểu vương Hồi giáo hoặc Hindu giáo. Cho nên việc xâm nhập vào một cộng đồng dân cư có bản sắc rõ rệt về đời sống tôn giáo, tín ngưỡng dường như là nhiệm vụ “bất khả thi” của các giáo đoàn.

Vậy, phương thức mà các nhà truyền giáo chọn lựa để thực thi nhiệm vụ của mình là gì?

Thứ nhất, sử dụng lợi ích vật chất và các biểu tượng để thu hút sự chú ý của tín đồ. Những điều này được Tom e Pires (1512-1515) miêu tả trong cuốn sách Suma Oriental. Ví như, một người phụ nữ Hindu giáo, bước vào nhà thờ Thiên Chúa giáo

80 Sau nhiều cố gắng, cuối cùng, tổng trấn đã cho phép linh mục Antony de Louro thiết lập nhà nguyện bên trong thành Goa.

lần đầu tiên, mặc dù không thể hiểu bất kỳ một ngôn từ nào; nhưng bầu không khí, cùng với tranh và tượng, đám rước, mùi hương lan tỏa trong không khí, có lẽ không quá khác biệt với những gì cô ấy đã từng thấy trong một đền thờ Hindu giáo. Đối với những đẳng cấp cao, việc cải đạo sẽ khiến cho họ đánh mất nhiều thứ, nhưng đối với đẳng cấp thấp thì đó lại là động cơ thăng tiến trong xã hội. Việc tiến hành nghi lễ ban tên Bồ Đào Nha trong lễ rửa tội khiến tín đồ thuộc đẳng cấp thấp cảm thấy họ nhận được sự tôn trọng - điều này không bao giờ có nếu họ vẫn theo Hindu giáo.

Thứ hai, khuyến khích việc kết hôn giữa nam nhân Bồ Đào Nha với phụ nữ bản địa. Theo quy định của đạo Thiên Chúa, khi đã kết hôn thì vợ, nô lệ và con của những người Bồ Đào Nha cũng được cải đạo sang Thiên Chúa giáo. Mặc dù phương thức này không mang lại hiệu quả nhanh chóng nhưng cũng góp phần quan trọng gia tăng số lượng tín đồ bản địa trong thời kỳ truyền giáo đầu tiên.

Thứ ba, đào tạo tầng lớp giáo sĩ bản địa. Mặc dù ý kiến đề xuất này ngay lập tức đã gặp phải sự phản đối của bề trên dòng Franciscains tại Bồ Đào Nha thông qua sắc lệnh 1531 cấm tiếp nhận những tín đồ mới tại Ấn Độ, nhưng điều kiện thực tế đã buộc giáo đoàn Franciscains tự mình thực hiện việc đào tạo các giáo sĩ bản địa thông qua sự ủng hộ của Michael Vaz - tổng đại diện và Diogo Borba - linh mục triều đình tại Ấn Độ. Nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện ý tưởng này là việc thành lập trường Đại học81 St. Paul. Vào tháng 6/1542, linh mục Borba đã thu nhận 60 học sinh từ Goa và các vùng phụ cận. Các linh mục đã dạy cho những học sinh cách sống theo cộng đồng, đọc, viết và sau đó mới đến học tiếng La tinh.

Đây là bước đi thành công và cũng là nỗ lực đáng ghi nhận của dòng Franciscains trong thời kỳ đầu xâm nhập vào xã hội Ấn Độ.

2.1.1.3. Hoạt động của Dòng Tên tại duyên hải Ấn Độ và sự ra đời Tòa án dị giáo ở Goa

Công cuộc truyền giáo trong 30 năm cai trị đầu tiên của Bồ Đào Nha tại Ấn Độ được Estado đánh giá là thất bại bởi vì phần lớn dân cư trên các đảo vẫn theo Hindu giáo hoặc Hồi giáo. Giữa thế kỷ XVI, giai đoạn truyền giáo mới được bắt đầu khi Francis Paes, một viên chức ngân khố Hoàng gia đưa ra thuật ngữ “sự chặt chẽ của lòng thương xót” yêu cầu phải Thiên Chúa giáo hóa Goa bằng sức mạnh thế quyền [83; 131]. Kết quả là, công cuộc hủy diệt các công trình tôn giáo liên quan đến Hindu giáo diễn ra rầm rộ và đến năm 1545, tại Goa không còn một đền thờ Hindu giáo nào.

Trong bối cảnh đó, năm 1542, một nhóm các linh mục Dòng Tên dưới sự lãnh đạo

81 Chúng ta không được lầm lẫn ý nghĩa của thuật ngữ “đại học”. Giáo dục của Ấn Độ Bồ Đào Nha mới chỉ trong giai đoạn sơ khởi. Vì thế, đúng nhất nên gọi là tiểu chủng viện với quy mô còn khá khiêm tốn.

của linh mục Francis Xavier82 (1506-1552) cập bến Goa, mở ra một thời kỳ mới trong hoạt động truyền giáo của Bồ Đào Nha tại Ấn Độ. Vai trò của ông được thể hiện ở nhiều khía cạnh:

Đầu tiên, với tư cách một linh mục, Xavier tiến hành truyền giáo với cách thức mới mang lại hiệu quả cao trong cộng đồng cư dân người Ấn Độ tại Goa. Không những thế, lối sống giản dị, khiêm nhường của ông là bằng chứng thuyết phục khiến toàn bộ cộng đồng Paravas83, hoặc Bharathas giữ vững niềm tin vào Thiên Chúa giáo. Đây là sự kiện quan trọng trong lịch sử truyền giáo của Bồ Đào Nha tại Ấn Độ bởi vì lần đầu tiên một cộng đồng cư dân bản địa tự nguyện cải đạo hoàn toàn. Xét một cách khách quan, thành công này không phải đến từ cá nhân của Xavier mà còn do áp lực mà cộng đồng Paravas phải gánh chịu từ sự cạnh tranh quyền lực giữa các thế lực địa phương84 và sự xuất hiện người Moor85 (Arab). Tình trạng bất ổn về chính trị buộc cộng đồng Paravas phải tìm kiếm chỗ dựa từ đội hải quân hùng mạnh đến từ châu Âu. Đến đầu năm 1549, tại Fishery Coast86 những đường nét chính của hệ thống giáo xứ bắt đầu hình thành với sự phân chia 5 huyện và mỗi huyện thì có hai giáo sĩ Dòng Tên. Các linh mục cũng đạt được nhiều thành quả trong việc nghiên cứu ngôn ngữ Tamil. [83; 155]

Xavier còn thể hiện năng lực ngôn ngữ của mình thông qua việc phiên dịch “Lời cầu nguyện của Chúa”, “Tín điều của tông đồ”, “Mười lời răn” sang tiếng Tamil. Ông cũng đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực giáo dục khi tiến hành dạy chữ cho nhân dân. Việc có thể đọc và hiểu những giáo lý căn bản của đạo Thiên Chúa đã góp phần củng cố niềm tin trong nhận thức của cư dân bản địa. Như vậy, có thể thấy đây là giai đoạn hoạt động đầy sôi động và nhiệt huyết của linh mục Xavier.

82 Dom Francisco de Jassu y Xaver, được biết đến với tên gọi Francis Xavier, sinh ngày 7/4/1506 tại lâu đài của dòng họ Xavier tại Navarre. Ông đến Ấn Độ với tư cách một nhà truyền giáo được bổ nhiệm bởi nhà vua, vì thế Xavier phải dựa vào padroado để hỗ trợ cho các hoạt động. Ông còn nhận được sự chấp thuận của Giáo hoàng theo đúng quy định khi muốn đến các quốc gia ở phía Đông mũi Hảo vọng. Và vì thế, ông đã trở thành một người có quyền lực to lớn trong khu vực, tương đương với chức vị giám mục.

83 Những tín đồ này định cư trong khoảng 20 làng nhỏ, trải dài từ mũi Comorin đến Vembar. Tuy đánh bắt cá là phương thức sinh sống chủ yếu của cả cộng đồng nhưng mò ngọc trai mới là hoạt động đem đến sự phát triển thịnh vượng cho họ. Trong giai đoạn từ 1513-1535, quá trình cải đạo được tiến hành từ các cá nhân đến từng nhóm cư dân trong cộng đồng. Đến cuối 1537, quá trình Thiên chúa giáo hóa trong cộng đồng Paravas hoàn thành. Sự thắng thế của Thiên Chúa giáo tại khu vực nhiều tranh chấp là nguyên nhân dẫn đến trận chiến vào ngày 27/6/1538 ở Vedalai giữa lực lượng Bồ Đào Nha với liên minh Hồi giáo - Hindu giáo. Chiến thắng nghiêng về Bồ Đào Nha ít nhất đã đem đến cho Paravas một không gian sinh tồn tương đối hòa bình mà không sợ sự đe dọa của các thế lực đối địch, đơn giản bởi vì họ là người Thiên Chúa giáo được sự bảo trợ của Estado da India.

84 Gồm có ba thế lực chính: Cera - vua của Pandiyan, vua của vương triều Vijayanagar, Visvanatha Nayakar đến từ Mathurai

85 Là một thuật ngữ trong tiếng Anh để gọi những người Hồi Giáo hiện nay đang sinh sống tại Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Nguồn gốc của cộng đồng này là sự hỗn huyết giữa Arab, Tây Ban Nha và Amazigh (Berber).

Một phần của tài liệu Hoạt động thương mại và truyền giáo của Bồ Đào Nha ở Ấn Độ, Trung Quốc thế kỷ XVIXIX (Trang 82)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(184 trang)