5.1. Nguồn tư liệu
Để hoàn thành luận án, tác giả đã tham khảo các nguồn tài liệu sau:
Các công trình nghiên cứu xuất bản ở nước ngoài bằng tiếng Anh về hoạt động của người Bồ Đào Nha tại châu Á, Ấn Độ và Trung Quốc từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX.
Các công trình nghiên cứu về lịch sử Trung Quốc, lịch sử Ấn Độ. Các công trình nghiên cứu về hoạt động của các giáo đoàn Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha trong việc mở rộng ảnh hưởng của Giáo hội Rome ra ngoài phạm vi châu Âu, về lịch sử Giáo hội Thiên Chúa giáo tại Trung Quốc, Ấn Độ.
Các công trình chuyên khảo, các bài nghiên cứu đăng trên các tạp chí: Nghiên cứu lịch sử, Nghiên cứu Đông Nam Á, Nghiên cứu Tôn giáo, Lịch sử quân sự…
Các website trên mạng Internet.
5.2. Phương pháp nghiên cứu
Xuất phát từ quan điểm coi hoạt động thương mại và truyền giáo của Bồ Đào Nha tại Ấn Độ, Trung Quốc là một bộ phận không thể tách rời của đế quốc Bồ Đào Nha ở châu Á nên phương pháp hệ thống - cấu trúc đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện đề tài. Trong đó, thương mại của Bồ Đào Nha tại Ấn Độ luôn được đặt trong mối quan hệ tương hỗ, biện chứng với mạng lưới giao thương nội Á và xuyên Á cũng như sự kết nối giữa các thương điếm Ấn Độ với Trung Quốc thông qua hệ thống cứ điểm ở Đông Nam Á. Nghiên cứu một cách cụ thể sự chi phối của thương mại đến truyền giáo cũng như mối quan hệ qua lại, song hành giữa hai hoạt động này. Từ đó, rút ra đặc điểm, so sánh những
nét tương đồng và dị biệt giữa thương mại và truyền giáo của Bồ Đào Nha ở Ấn Độ và Trung Quốc.
Bên cạnh đó, vì đề tài thuộc về khoa học lịch sử nên việc sử dụng phương pháp lịch sử và phương pháp logic được xem là phương pháp chủ đạo trong nghiên cứu. Mặt khác, trong chừng mực nhất định, tác giả luận án còn sử dụng các phương pháp khoa học liên ngành như phân tích, tổng hợp, đối chiếu, so sánh, thống kê, dự báo… trong từng nội dung cụ thể của đề tài.