2.2.1.1 Trung Quốc
Thời kỳ Trung Quốc thực hiện chính sách cải cách, mở cửa, các nghề thủ công truyền thống và làng nghề được quan tâm, phát triển trong các xí
nghiệp Hương Trấn. Các xí nghiệp Hương Trấn đã phát triển các ngành: chế biến nông sản, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, giao thông vận tải và dịch vụ thương nghiệp.
Xí nghiệp Hương Trấn là hình thức mới của công nghiệp hoá nông thôn mang màu sắc Trung Quốc nó chiếm vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Từ khi thực hiện cải cách đến nay hợp tác xã Hương Trấn phát triển đã góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế Trung Quốc.
Với chính sách “li điền bất li hương”, “nhập xưởng bất nhập thành’’, đã có hơn 100 triệu lao động nông nghiệp chuyển sang công nghiệp, thủ công nghiệp và các dịch vụ làm việc tại các xưởng sản xuất ngay địa phương. Các xí nghiệp Hương Trấn phát triển mạnh mẽ và linh hoạt đã khẳng định thế mạnh của mình trong việc tạo công ăn việc làm, thu hút nhiều lao động, đặc biệt là lao động nhàn rỗi ở nông thôn, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội nông thôn.
Trong giai đoạn 1980 - 1990 ở các làng nghề tồn tại kỹ thuật thủ công, quy mô nhỏ và phân tán, năng suất chất lượng kém, nguyên liệu, chất đốt cung cấp không đủ. Hầu như hàng năm đều xảy ra tình trạng tranh giành mua nguyên vật liệu, lại thêm hệ thống thông tin rất hạn chế nên sản xuất sản phẩm ra hầu hết không đáp ứng được nhu cầu thị trường về chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Để khắc phục tình trạng trên, Chính phủ Trung Quốc đã đề ra chương trình “Đốm Lửa” nhằm chuyển giao công nghệ và khoa học cho những vùng nông thôn. Liên kết giữa các nhà khoa học, nhà sản xuất và phân phối lưu thông hàng hoá.
Phát triển bền vững về môi trường luôn được đề cập và coi đó là một nhiệm vụ thường xuyên phải thực hiện. Đối với các xí nghiệp Hương Trấn khi mới thành lập đều phải có những cam kết không được làm ảnh hưởng đến môi trường. Điều này được quy định rất rõ ràng trong luật xí nghiệp
Hương Trấn.
Như vậy việc quy hoạch tập trung các làng nghề đã giúp cho làng nghề Trung Quốc phát triển, bền vững cả về kinh tế - xã hội - môi trường. Việc quy hoạch tập trung và thực hiện các quy định môi trường nghiêm ngặt là cơ sở để phát triển bền vững làng nghề. Đây chính là kinh nghiệm mà làng nghề nước ta cần phải nghiên cứu áp dụng.
2.1.1.2 Hàn Quốc
Chương trình phát triển làng nghề ngoài nông nghiệp ở nông thôn tạo việc làm cho nông dân bắt đầu từ năm 1967. Chương trình này tập trung vào các nghề sử dụng lao động thủ công, công nghệ đơn giản và nguồn nguyên liệu sẵn có tại điạ phương, sản xuất với quy mô nhỏ, khoảng 10 hộ gia đình liên kết với nhau thành tổ hợp, được ngân hàng cung cấp vốn tín dụng với lãi suất thấp để mua nguyên liệu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Ngành nghề phát triển đã thu hút được nhiều lao động hoạt động theo hình thức sản xuất tại gia đình là chính.
Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, Hàn Quốc đã coi việc xây dựng cơ sở hạ tầng là bước khởi đầu. Tiếp đó là nâng cao thu nhập nông thôn nhằm tích luỹ khả năng tài chính cho việc quản lý môi trường. Quản lý môi trường được thực hiện thông qua việc tập trung sản xuất và tập trung xử lý chất thải, ngay tại cụm làng nghề (10 hộ).
Qua kinh nghiệm của các nước cho thấy để đảm bảo cho làng nghề phát triển bền vững thì vấn đề đảm bảo môi trường phải luôn được tiến hành song song với quá trình sản xuất. Từ thực tế ta thấy làng nghề nước ta hiện nay đang gặp phải những vấn đề của làng nghề của các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc của 15 năm về trước. Vậy nên những kinh nghiệm này là rất hữu ích cho chúng ta tham khảo vận dụng.