2.4.1. Quy phạm pháp luật về kế toán thuế thu nhập doanh nghiệp
Một trong những vai trò quan trọng của kế toán là cung cấp thông tin của doanh nghiệp phục vụ cho nhu cầu quản lý của nhà nước. Chính vì vậy, để hệ thống kế toán có thể thực tốt vai trò trên của mình thì Nhà nước cần có các quy định cụ thể và chặt chẽ về công tác kế toán trong các doanh nghiệp, đặc biệt là kế toán thuế thu nhập doanh nghiệp. Từ đó, các thông tin kế toán có độ tin cậy cao hơn, phản ánh kịp thời và chính xác tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Hiện nay, hệ thống các quy định về thực hiện kế toán thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam bao gồm các chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp và các chế độ, chuẩn mực kế toán.
Liên quan đến chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp, các quy phạm pháp luật tham chiếu gồm: Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Nghị định hướng dẫn thi hành luật thuế thu nhập doanh nghiệp, thông tư hướng dẫn thi hành nghị định. Các quy phạm đang áp dụng hiện hành như sau:
- Luật thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12 được Quốc hội khóa XII kỳ họp thứ 3 thông qua, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2009 (thay thế Luật thuế thu nhập doanh nghiệp số 09/2009/QH11).
- Thông tư số 130/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12. - Thông tư số 18/2011/TT-BTC ngày 10/02/2011 sửa đổi bổ sung Thông tư số
130/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008.
- Thông tư số 28/2011/TT-BTC ngày 28/02/2011 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quản lý thuế (thay thế Thông tư số 60/2007/TT-BTC ngày 14/06/2007 của Bộ Tài chính).
- Quyết định số 12/2010/QĐ-TTg ngày 12/02/2010 của Thủ tướng Chính phủ về gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế năm 2010 và Thông tư số 39/2010/TT-BTC ngày 22/03/2010 hướng dẫn thực hiện quyết định.
Liên quan đến chuẩn mực và chế độ kế toán, các quy phạm pháp luật tham chiếu gồm:
- Quyết định số 15/2006/QĐ-BTC ngày 20/03/2006 của Bộ Tài chính ban hành Chế độ kế toán doanh nghiệp (thay thế Quyết định số 1141TC/QĐ/CĐKT ngày 01/11/1995 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành chế độ kế toán doanh nghiệp.
- Thông tư số 20/2006/TT-BTC ngày 20/03/2006 hướng dẫn kế toán thực hiện sáu (06) chuẩn mực kế toán ban hành theo Quyết định số 12/2005/QĐ-BTC ngày 15/02/2005 của Bộ trưởng Bộ Tài Chính.
Theo pháp luật Việt Nam, toàn bộ các doanh nghiệp chịu sự quản lý của nhà nước và phải thi hành đúng các văn bản pháp luật mà nhà nước đã ban hành có liên quan. Do đó, kế toán thuế thu nhập doanh nghiệp tại các đơn vị phải tuân thủ áp dụng và tham chiếu các quy phạm pháp luật kể trên.
2.4.2. Loại hình, quy mô và lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp
Luật thuế thu nhập doanh nghiệp đảm bảo bình đẳng cho mọi loại hình doanh nghiệp. Tuy nhiên, với loại hình doanh nghiệp khác nhau thì nhà nước quy định cụ thể về chính sách ưu đãi và khuyến khích cũng như hạn chế về thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp. Thông thường đối với doanh nghiệp Nhà nước được ưu đãi về thuế hơn so với các doanh nghiệp tư nhân hay các công ty cổ phần. Bên cạnh đó, lĩnh vực ngành nghề hoạt động đặc thù của doanh nghiệp cũng ảnh hưởng trực tiếp đến công tác hạch toán kế toán thuế thu nhập doanh nghiệp.
Theo quy định của Nhà nước, cách xác định thuế được quy định phù hợp với từng loại hình và quy mô của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp chủ động áp dụng quy định của nhà nước để lựa chọn kế toán thuế thu nhập doanh nghiệp phù hợp với quy mô và loại hình doanh nghiệp của đơn vị mình.
Có thể tham khảo một số quy định để kiểm chứng như sau:
- Thông tư số 09/2011/TT-BTC ban hành ngày 21/01/2011 hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm. - Thông tư số 55/2010/TT-BTC ban hành ngày 16/04/2010 hướng dẫn về thuế
giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với Đài Truyền hình Việt Nam và các Đài truyền hình, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh, thành phố.
- Thông tư số 89/2001/TTLT-BTC-BCA ban hành ngày 08/11/2001 hướng dẫn việc nộp, sử dụng và quyết toán tiền thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp Nhà nước hoạt động công ích thuộc Bộ Công an.
2.4.3. Chính sách kế toán doanh nghiệp áp dụng
Bên cạnh việc tuân thủ các quy phạm pháp luật trong công tác kế toán thuế thu nhập doanh nghiệp, doanh nghiệp được phép lựa chọn và áp dụng các chính sách kế
toán phù hợp với qui định của từng chuẩn mực kế toán nhằm đảm bảo cung cấp thông tin thích hợp với nhu cầu ra quyết định kinh tế của người sử dụng và cung cấp được các thông tin đáng tin cậy. Xuất phát từ điều này, các doanh nghiệp áp dụng các chính sách kế toán khác nhau ảnh hưởng đến việc xác định lợi nhuận kế toán làm căn cứ xác định thuế thu nhập doanh nghiệp. Điển hình như: chính sách khấu hao, chính sách phân bổ tài sản xuất dùng, chính sách ghi nhận doanh thu, chính sách và phương pháp tập hợp chi phí, tính giá thành...Do đó, trong phần thuyết minh báo cáo tài chính, các doanh nghiệp cần trình bày rõ nét nội dung các chính sách kế toán áp dụng tại đơn vị, nhằm bảo đảm phản ánh đúng bản chất kinh tế của các giao dịch và sự kiện, phản ánh trung thực tình hình sản xuất kinh doanh và tài chính của doanh nghiệp.
Kết luận chương 2
Chương 2 của Luận văn đã hệ thống các nội dung cơ bản về thuế TNDN quy định lại Luật thuế TNDN hiện hành, kế toán thuế TNDN theo CMKT số 17 và chế độ kế toán doanh nghiệp hiện hành, các yếu tố ảnh hưởng đến kế toán thuế thu nhập doanh nghiệp. Mục đích, tác giả muốn đưa ra một cái nhìn khái quát tổng hợp về kế toán thuế TNDN. Đây cơ sở lý thuyết làm nền tảng so sánh với thực trạng công tác kế toán thuế TNDN tại các Công ty cổ phần Dệt may trên địa bàn thành phố Hà Nội để từ đó làm nổi bật vấn đề nghiên cứu.
CHƯƠNG 3: PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU VÀ KẾT QUẢ PHÂN TÍCH THỰC TRẠNG KẾ TOÁN THUẾ TNDN TẠI MỘT SỐ CÔNG TY CỔ PHẦN DỆT MAY TRÊN ĐỊA BÀN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI