Thực trạng xây dựng kết cấu hạ tầng (HTCS-HTKT)

Một phần của tài liệu Vai trò của chính quyền tỉnh Bắc Giang trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (Trang 57)

Về mặt bằng, chính quyền tỉnh tập trung chỉ đạo việc thực hiện quy hoạch các KCN, CCN đã được phê duyệt căn cứ trên đặc điểm lợi thế so sánh của từng địa bàn để phù hợp với các thế mạnh phát triển kinh tế của từng vùng.

Đối với các CCN, KCN đã hình thành, thực hiện kêu gọi đầu tư cải tạo năng cấp và mở rộng quy mô theo đúng quy định của Quy chế quản lý các KCN, CCN và các quy định hiện hành của nhà nước và theo quy hoạch cụ thể đã được phê duyệt tại địa phương. Yêu cầu các NĐT thực hiện đúng lộ trình cam kết hoàn thiện xây dựng hạ tầng cơ sở các KCN, CCN đã đăng ký đầu tư nhằm đảm bảo hạ tầng cần thiết để thu hút đầu tư. Tập trung thu hút đầu tư để lấp đầy các KCN, CCN đã được hình thành đồng thời theo dõi, đánh giá tình hình triển khai thực tế, đề xuất các phương án xử lý kịp thời.

Đối với các KCN, CCN được quy hoạch mở rộng, đầu tư xây dựng mới theo lộ trình quy hoạch của tỉnh đến năm 2020, chính quyền tỉnh chỉ đạo các sở ngành chức năng liên quan đánh giá sự cần thiết, hiện trạng sử dụng đất, khả năng đấu nối công trình hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài khu vực quy hoạch, báo cáo đánh giá tác động mội trường từ đó lựa chọn giải pháp đầu tư công trình hạ tầng cơ sở phù hợp với khả năng.

Hiện nay theo quy hoạch trên địa bàn tỉnh có 6 KCN trong đó có 5 KCN đã được đưa vào hoạt động với KCN Đình Trám về cơ bản đã được lấp

đầy diện tích mặt bằng còn 1 KCN Việt – Hàn nhà đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng không thực hiện đúng tiến độ triển khai, hiện trạng đất vẫn đang bỏ không và đang tiến hành thu hồi giấy phép đầu tư. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh hiện có 36 CCN đã được quy hoạch đang trong quá trình hoàn thiện cơ sở hạ tầng để tiếp nhận các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng tập trung chỉ đạo việc phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội xung quanh các KCN, CCN như hệ thống giao thông, hệ thống cấp điện, nước, thông tin liên lạc qua việc phân bổ ngân sách nhà nước để hỗ trợ đầu tư xây dựng các công trình này và kêu gọi nguồn vốn viện trợ, đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, chính quyền tỉnh cũng triển khai đánh giá, quy hoạch xây dựng các dự án phát triển hạ tầng xã hội như nhà ở và các công trình công cộng trong hoặc lân cận các vùng quy hoạch như ngân hàng, trung tâm chăm sóc sức khỏe…

Nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư tại phương, tỉnh cũng dành ngân sách để đầu tư cải thiện hệ thống giao thông đi lại với việc phát triển đầy đủ cả hệ thống đường bộ với quốc lộ gồm 5 tuyến, dài 251,8 km được trải nhựa và bê tông trên 191,4 km bằng 76%. Mạng lưới đường tỉnh với 18 tuyến, dài 411,8 Km, đã được kiên cố hóa 91% và mạng lưới 87 tuyến đường liên huyện dài 694,5 km, trong đó đã cứng hoá được 410,3 km, bằng 59%, còn lại là đường cấp phối, đường đất và mặt đường khác. Đường đô thị có 72 tuyến, dài 281,7 km, đã được cứng hoá 93,4%, trong đó có khoảng 20% là đường bê tông xi măng, 74% đường trải thảm nhựa hoặc đá dăm nhựa. Đường xã có tổng chiều dài trên 2.000 km, trong đó có 140,9 km đường đá dăm nhựa, 458,4 km đường bê tông xi măng. Đường thôn xóm dài khoảng 6.000 km, trong đó có 15 km mặt đường nhựa, 2.363 km mặt đường bê tông xi măng. Nhìn chung mạng lưới đường bộ của tỉnh phân bố tương đối đều trên địa bàn,

tạo điều kiện thuận lợi trong việc giao lưu với các tỉnh bạn, nối liền trung tâm của tỉnh với trung tâm các huyện, từ trung tâm huyện đến các xã.

Bên cạnh đó tỉnh cũng có hệ thống bến cảng từ cấp Trung ương tới địa phương và cảng chuyên dùng là cảng xăng dầu của Tổng công ty xăng dầu quản lý sử dụng, cảng của Công ty Đạm và Hoá chất Hà Bắc và các bến bãi đậu tự nhiên để phục vụ xếp dỡ hàng hoá bao gồm cảng: Lục Nam, Đình Kim, Bến Tuần, Bến Nhãn, Đông Xuyên...

Mạng lưới đường sắt với 3 tuyến đường sắt đi qua có tổng chiều dài 87 Km, gồm: tuyến Hà Nội - Đồng Đăng đoạn qua Bắc Giang dài 36km có 4 ga, đây là tuyến đường sắt liên vận Quốc tế; tuyến Kép – Hạ Long đoạn qua Bắc Giang dài 28km bao gồm 5 ga, kể cả ga Kép; tuyến Kép - Lưu Xá đoạn qua Bắc Giang dài 23 km , có 2 ga.

Hệ thống nguồn điện cung cấp cho tỉnh Bắc Giang hiện nay lấy từ hệ thống chung qua các đường dây tải điện 220 KV và 110KV (Phả Lại – Bắc Giang, Đông Anh – Bắc Giang) qua trạm trung gian Đình Trám về cơ bản đảm bảo cung cấp điện cho các đô thị và thành phố Bắc Giang, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh về số lượng công suất, trạm và trang thiết bị đã đáp ứng cơ bản nhu cầu cho sản xuất và sinh hoạt. Chiếu sáng công cộng có 28/33 tuyến đường được lắp hệ thống chiếu sáng đạt 90% số tuyến đường có điện. Đến nay mạng lưới cấp điện cho vùng nông thôn, vùng núi, các xã đã có điện chiếu sáng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho nhân dân nông thôn, miền núi.

Về công tác thông tin liên lạc và truyền thông, các cơ quan chức năng đã tham mưu lãnh đạo chính quyền ban hành các Quyết định liên quan đến công tác nâng cấp và thiết lập trang thông tin điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin, internet vào việc giải quyết các sự vụ nhằm rút ngắn khoảng cách về không gian và thời gian giữa doanh nghiệp và các cấp quản lý đồng thời cũng có hiệu quả tuyên truyền quảng bá về môi trường đầu tư tại tỉnh.

Một phần của tài liệu Vai trò của chính quyền tỉnh Bắc Giang trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (Trang 57)