thu hút FDI
Việc ban hành và tổ chức thực hiện các hoạt động nhằm thu hút FDI của chính quyền cấp tỉnh chịu sự chi phối của các nhân tố thuộc môi trường
bên ngoài chính quyền tỉnh và các nhân tố thuộc về chính quyền tỉnh, cụ thể như sau:
1.2.4.1.Các nhân tố thuộc môi trường bên ngoài chính quyền tỉnh
Đầu tiên phải nhắc đến là tình hình thế giới và khu vực, bất kể sự biến động nào của nhân tố này đều có ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động thu hút FDI của một nước nói chung và mỗi địa phương nói riêng. Khi nền kinh tế toàn cầu suy giảm, nguồn vốn cạn kiệt, nhu cầu của con người cũng bị hạn chế, kết quả tất yếu làm ngưng trệ hoạt động đầu tư. Vào lúc này, các nhà đầu tư tiềm năng cũng sẽ cẩn trọng, xem xét các lợi thế cạnh tranh kỹ càng hơn trước khi quyết định bỏ vốn đầu tư vào một vùng lãnh thổ hay một địa phương cụ thể nào đó; đây chính là cơ hội và thách thức cho các nhà hoạch định chính sách và điều hành nền kinh tế xã hội tại địa phương để nắm bắt được cơ hội và các nhà đầu tư sáng suốt.
Thứ hai là xu hướng chuyển dịch của dòng vốn FDI quốc tế có ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả thu hút FDI của một quốc gia nói chung và một địa phương nói riêng. Tiêu chí cơ bản của các NĐT khi lựa chọn các vùng lãnh thổ đầu tư là vấn đề kinh tế trong đó nổi bật là nhân tố chi phí, tận dụng nguồn lao động giá rẻ. Khi nền kinh tế của các nước tiếp nhận đầu tư đạt đến mức bão hòa, thu nhập và mức sống của người dân gần như tương đương nhau thì các NĐT hoặc sẽ có sự dịch chuyển dòng vốn tới các khu vực kinh tế kém phát triển hơn hoặc đưa ra các tiêu chí lựa chọn đầu tư khác phù hợp hơn. Nhà đầu tư sẽ không còn tập trung vào vấn đề như giá nhân công, chế độ đãi ngộ mà xem xét trên khía cạnh thị trường tiêu thụ, khả năng phát triển sản xuất kinh doanh hay trình độ kỹ thuật và hệ thống cơ sở hạ tầng. Do vậy các hoạt động nhằm thu hút FDI của chính quyền các nước cũng như tại các địa phương cũng phải có sự thay đổi tương ứng cho phù hợp.
Thứ ba là tình hình kinh tế xã hội trong nước bao gồm các yếu tố như tình hình hội nhập kinh tế quốc tế, nhận thức và mục tiêu quốc gia đối với vấn đề thu hút FDI và tốc độ phát triển kinh tế xã hội tại nước tiếp nhận đầu tư. Trước khi quyết định đầu tư vào địa phương, các NĐT nước ngoài trước tiên sẽ quan tâm tới tình hình kinh tế xã hội chung cũng như tiềm năng phát triển của cả nước để đưa ra những quyết định đầu tư hợp lý và có lợi ích về lâu dài. Một đất nước có tốc độ hội nhập kinh tế quốc tế nhanh, dễ thích nghi với các biến động quốc tế sẽ linh hoạt trong cơ chế thu hút và khuyến khích đầu tư. Bên cạnh đó, để thu hút được các NĐT, mỗi quốc gia cũng phải đánh giá được tầm quan trọng của dòng vốn FDI đối với sự phát triển kinh tế trong nước và xây dựng các mục tiêu cụ thế trong thu hút FDI để triển khai công tác xúc tiến phù hợp và hiệu quả. Ngoài ra một nền kinh tế phát triển ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế được duy trì tốt sẽ tạo ra một môi trường kinh doanh lý tưởng, có nhiều tiềm năng phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm sẽ thu hút được nhiều NĐT. Trên cơ sở tiềm năng thu hút FDI của quốc gia nói chung, chính quyền các địa phương sẽ xây dựng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư hợp lý với đối tác đầu tư tiềm năng phù hợp với thế mạnh của tỉnh.
Thứ tư là sự ảnh hưởng của khung pháp lý của chính quyền Trung ương, cơ sở để các địa phương căn cứ, xây dựng chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và kế hoạch thu hút FDI phù hợp tại địa phương. Các địa phương có thể xây dựng các kế hoạch và chính sách riêng nhằm thu hút các doanh nghiệp FDI vào đầu tư tại địa bàn tỉnh nhưng vẫn phải tuân thủ nguyên tắc, quy định chung của nhà nước. Đây chính là cơ sở tạo nên một sân chơi bình đẳng giữa chính quyền các địa phương trên cả nước trong hoạt động thu hút đầu tư, phát triển kinh tế xã hội.
Một nhân tố khác ảnh hưởng sâu sắc tới hoạt động của chính quyền tỉnh trong thu hút FDI là sự cạnh tranh của các địa phương khác. Trong xu thế
hội nhập kinh tế quốc tế, với nhu cầu phát triển kinh tế xã hội chung tại địa phương, mỗi tỉnh, thành phố đều xây dựng các chương trình, mục tiêu, kế hoạch để thu hút nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI. Thực tế này tạo nên các cuộc đua tranh ngầm giữa các địa phương trong quá trình hoạch định chính sách ưu đãi, hỗ trợ thu hút FDI. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động cũng như kết quả thu hút đầu tư của chính quyền địa phương.
Nhân tố cuối cùng ảnh hưởng lớn tới hoạt động của chính quyền tỉnh trong thu hút FDI là điều kiện về tự nhiên và kinh tế, xã hội tại địa phương. Một tỉnh có vị trí địa lý thuận lợi, địa hình thích hợp để phát triển các loại hình sản xuất đa dạng, nguồn tài nguyên phong phú, nguồn nhân lực dồi dào, cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng tốt là những điều kiện lý tưởng để gặt hái thành công và tăng sức cạnh tranh trong thu hút FDI với các địa phương khác.
1.2.4.2.Các nhân tố thuộc về chính quyền tỉnh
Nhân tố đầu tiên thuộc về chính quyền tỉnh có ảnh hưởng tới hoạt động của chính quyền tỉnh trong thu hút FDI là nội lực của tỉnh hay nói cách khác là sự đoàn kết nhất trí được ý Đảng, lòng dân tại địa phương trong công cuộc xây dựng mục tiêu và kế hoạch thu hút FDI. Khi có sự đoàn kết nhất trí giữa chính quyền và nhân dân sẽ tạo ra môi trường chính trị ổn định, vững chắc tại địa phương, tạo lòng tin cho các NĐT khi tìm kiếm môi trường đầu tư.
Nhân tố thứ hai là trình độ quản lý và tư duy của lãnh đạo tỉnh cũng như các sở ban ngành hay nói cách khác là tính tiên phong của chính quyền tỉnh đối với vấn đề thu hút FDI. Đây là một trong những nhân tố quyết định thành công của các hoạt động nhằm thu hút FDI. Khi lãnh đạo tỉnh có tư duy hội nhập kinh tế quốc tế sắc bén, nhanh nhậy trong việc xác định xu hướng dịch chuyển của dòng vốn FDI và chủ động, linh hoạt trong công tác xây
dựng, hoạch định chính sách và tiếp cận các NĐT tiềm năng thì hiệu quả các hoạt động thu hút FDI sẽ được nâng cao đáng kể.