Các hoạt động thu hút FDI của chính quyền cấp tỉnh

Một phần của tài liệu Vai trò của chính quyền tỉnh Bắc Giang trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (Trang 25)

Để thực hiện các mục tiêu, tiêu chí đưa ra trong thu hút FDI với vai trò tiên phong và mang tính quyết định đến hiệu quả của công tác này, chính quyền địa phương thường chỉ đạo thực hiện các công tác sau:

1.2.3.1. Xây dựng và chỉ đạo thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về thu hút FDI

Chính quyền tỉnh căn cứ vào mục tiêu thu hút dòng vốn FDI nhằm phát triển kinh tế xã hội của chính quyền trung ương và căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương để chỉ đạo các sở, ngành chức năng nghiên cứu và xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội với các mục tiêu thu hút vốn FDI cụ thể tại địa phương cho phù hợp và mang tính khả thi cao; bên cạnh đó, quy hoạch các vùng kinh tế, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để thu hút đầu tư. Ví dụ xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội tại địa phương trong đó đưa ra các mục tiêu cụ thể trong thu hút dòng vốn đầu tư phát triển tại địa phương, đặc biệt là dòng vốn FDI với các tiêu chí về số lượng, quy mô,

hình thức và chất lượng; quy hoạch các KCN, CCN cũng như các kế hoạch triển khai cụ thể để thu hút FDI; xây dựng danh mục các dự án ưu tiên cho các doanh nghiệp FDI đầu tư,…

1.2.3.2. Ban hành và tổ chức thực hiện các chính sách và pháp luật về FDI

Tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng liên quan tại địa phương nghiên cứu luật và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới vấn đề thu hút FDI và các cơ chế chính sách nhằm thu hút FDI do chính quyền trung ương ban hành, xây dựng và ban hành các pháp quy để hướng dẫn việc thực hiện các chính sách ưu đãi đầu tư nhằm thu hút FDI phù hợp và tuân thủ quy định chung của Nhà nước trong thu hút đầu tư nhằm đảm bảo tính công bằng và minh bạch trong hoạt động thu hút dòng vốn đầu tư nói chung và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các địa phương trong việc thu hút dòng vốn FDI nói riêng.

Chính quyền tỉnh chủ động chỉ đạo các sở ngành chức năng xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ hoạt động của các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp FDI nói riêng, xây dựng chính sách hỗ trợ công tác xúc tiến đầu tư nhằm thu hút các doanh nghiệp FDI tiềm năng, chính sách về cải cách hành chính và thủ tục hành chính tạo môi trường đầu tư thông thoáng và hiệu quả. Bên cạnh đó, đề xuất các hướng triển khai và giám sát quá trình và hiệu quả triển khai các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đầu tư tại địa phương.

1.2.3.3. Cải cách thủ tục hành chính

Chỉ đạo, giám sát, đôn đốc và tích cực thực hiện các chính sách, quy định của pháp luật nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành, các quy định cụ thể của địa phương về cải cách hành chính và đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong việc tiếp nhận, xử lý và giải đáp thắc mắc cho các nhà đầu tư nhằm tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư khi làm thủ tục cấp phép đầu tư và giải quyết các vấn đề liên quan đến hoạt động đầu tư tại địa phương.

Thực hiện cải cách hành chính, cải tiến quy trình, thủ tục; chấn chỉnh, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cũng như khả năng ngoại

ngữ, tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ công chức trực tiếp tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính liên quan tới hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp FDI; tuyên truyền, vận động, tạo sự chuyển biến về nhận thức của các cấp, các ngành, các địa phương đối với chủ trương cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh để thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài, từ đó tạo sự đồng tình ủng hộ của toàn xã hội đối với các NĐT trong quá trình đăng ký và triển khai các dự án FDI trên địa bàn tỉnh.

1.2.3.4. Xây dựng kết cấu hạ tầng

Kết cấu hạ tầng là cầu nối liên kết doanh nghiệp với khách hàng và nhà cung ứng, cơ sở hạ tầng tốt giúp các nhà đầu tư giảm được chi phí đầu vào, tạo cơ sở thúc đẩy nguồn vốn đầu tư. Trái lại, một cơ sở hạ tầng yếu kém như hệ thống giao thông chưa hoàn chỉnh, phương tiện thông tin liên lạc thiếu thốn và lạc hậu, hệ thống cung cấp năng lượng không đủ cho nhu cầu gây cản trở lớn đối với quyết định của NĐT trong quá trình xem xét, lựa chọn địa bàn đầu tư bởi những yếu tố này tác động trực tiếp tới vấn đề chi phí cho các doanh nghiệp, tăng thêm các nguy cơ rủi ro mà doanh nghiệp phải gánh chịu.

Nhận thức được tầm quan trọng của cơ sở hạ tầng trong thu hút vốn đầu tư nên chính quyền trung ương và địa phương thường tập trung đầu tư ngân sách cũng như kêu gọi các nguồn đầu tư viện trợ của nước ngoài cho việc cải thiện cơ sở hạ tầng đặc biệt chú trọng đầu tư phát triển hệ thống các công trình giao thông vận tải.

Tại địa phương, chính quyền tỉnh chỉ đạo thực hiện công tác giám sát, đôn đốc quá trình xây dựng kết cấu hạ tầng tại địa phương theo quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt như việc giám sát quy hoạch các KCN, CCN, giao thông, điện nước và các công trình phụ trợ để thu hút đầu tư. Kêu gọi các nhà đầu tư rót vốn vào các dự án xây dựng phát triển hạ tầng cơ sở và kỹ thuật nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao hơn của xã hội, trong đó tập trung vào

cơ sở vật chất và các công trình phụ trợ để phát triển sản xuất kinh doanh, tạo quỹ đất xanh và hệ thống giao thông thuận tiện cho việc di chuyển, lưu thông hàng hóa để thu hút các nhà ĐTNN.

1.2.3.5. Hỗ trợ và xúc tiến đầu tư FDI

Chỉ đạo việc hoạch định, lập kế hoạch, xây dựng dự thảo các quy chế chính sách về hỗ trợ và xúc tiến đầu tư phù hợp với tình hình kinh tế xã hội và mục tiêu ưu tiên của địa phương, từ đó đôn đốc việc triển khai thực hiện đảm bảo tính minh bạch và nhất quán. Triển khai các hình thức hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI khi tìm hiểu thông tin đầu tư tại địa phương như công tác hỗ trợ thông tin thị trường, công tác giải phóng mặt bằng, công tác định hướng sản xuất, kinh doanh, tuyển dụng lao động. Bên cạnh đó, cần có các chính sách, chương trình xúc tiến đầu tư cụ thể nhằm thu hút FDI tiềm năng và phù hợp với định hướng phát triển của địa phương.

1.2.3.6. Kiểm tra, thanh tra và giám sát hoạt động của các doanh nghiệp FDI

Chính quyền tỉnh chỉ đạo xây dựng, ban hành các quy định về cơ chế kiểm tra, phối hợp kiểm tra liên ngành để đôn đốc, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp FDI nhằm đảm bảo sự tuân thủ hiến pháp, pháp luật và các cơ chế chính sách tại địa phương dành cho các doanh nghiệp FDI, đảm bảo sự phát triển bền vững, tránh nguy cơ gian lận, hoạt động đối phó cầm chừng gây lãng phí nguồn lực và tài nguyên, giảm thiểu thất thoát nguồn thu ngân sách nhà nước và ảnh hưởng xấu tới vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, giám sát hoạt động kiểm tra, thanh tra và giám sát của các sở ngành chức năng, đảm bảo tính nghiêm minh của cơ chế phối hợp đặt ra.

Một phần của tài liệu Vai trò của chính quyền tỉnh Bắc Giang trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (Trang 25)