Tình hình tiêu thụ sản phẩm nhập khẩu

Một phần của tài liệu luận văn quản trịchất lượng chiến lược Nâng cao hiệu quả kinh doanh nhập khẩu tại Công ty Cổ phần Thương mại Hợp tác Kỹ thuật và Dịch vụ Việt Nam (Trang 34)

CHƯƠNG 2 THỰC TRẠNG NÂNG CAO HIỆU QUẢ KINH DOANH NHẬP KHẨU TẠI CÔNG TY CỔ PHẦN THƯƠNG

2.1.3.Tình hình tiêu thụ sản phẩm nhập khẩu

- Số lượng và quy mô khách hàng

Sau khi nhập khẩu, các thiết bị vật tư được Công ty Cổ phần Thương mại Hợp tác Kỹ thuật và Dịch vụ Việt Nam phân phối đến rất nhiều các công ty khai thác khoáng sản và chế biến hóa chất lớn nhỏ trong cả nước, có thể kể đến như : Tập đoàn sông Đà (Công ty Cổ phần Sông Đà 6, Công ty Cổ phần sông Đà 7), Công ty TNHH Dịch vụ Kỹ thuật bơm Năm Sao, Công ty Cổ phần Licogi 13-Vật liệu xây dựng, Công ty Cổ phần Than Đèo Nai- Vinacomin, Công ty Cổ phần Cơ điện Long Thành, Công ty Cổ phần Than Tây Nam Đá Mài -ViNaCoMin, Công ty xây dựng Thủy Lợi 4, Công ty Cổ phần Thương mại Dầu khí, Công ty Khoáng sản Vinaconex…

Giai đoạn 2008 – 2010 là khi Công ty mới đi vào hoạt động, quy mô nhỏ và chưa có nhiều mối quan hệ với khách hàng nên thường bị các khách hàng lớn như Công ty khoáng sản Vinaconex, Công ty Cổ phần Sông Đà 6, Công ty Cổ phần Cơ điện Long thành…ép giá, vì vậy mà hoạt động tăng doanh thu để nâng cao hiệu quả kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên từ năm 2011 đến nay, Công ty đã thiết lập được mối quan hệ đối tác lâu dài với rất nhiều khách hàng lớn. Với số lượng khách hàng rất lớn, các khách hàng có quy mô đa dạng nên không khách hàng nào có năng lực mặc cả lớn hay khả năng ép giá tuyệt đối với Công ty, giá cả thường được xác định dựa trên các yếu tố cung cầu và giá cả thị trường.

Số lượng cũng như quy mô các đơn hàng của Công ty đều gia tăng nhanh chóng trong giai đoạn 2008 – 2012.

 Năm 2008, tổng kim ngạch nhập khẩu của Công ty tại tất cả các thị trường là 20 tỷ VNĐ với hơn 60 đơn hàng, trong đó có 2 đơn hàng có giá trị trên 1 tỷ VNĐ, các đơn hàng còn lại đều có giá trị nhỏ từ 30 triệu VNĐ đến khoảng 500 triệu VNĐ. Đây là giai đoạn Công ty mới đi vào hoạt động nên Công ty đã cố gắng tìm kiếm và thực hiện tất cả các đơn hàng có thể, dù đó chỉ là những đơn hàng cung cấp 1 loại phụ tùng có giá trị rất nhỏ.

 Năm 2009, số lượng đơn hàng của Công ty là hơn 50 đơn hàng. Tuy số lượng đơn hàng giảm so với năm 2008 nhưng tổng kim ngạch nhập khẩu lại tăng gần 40% là do các đơn hàng của Công ty có quy mô lớn hơn, từ khoảng 60 triệu VNĐ đến hơn 1 tỷ VNĐ. Việc thực hiện các đơn hàng lớn hơn cho thấy sự phát triển rõ rệt trong hoạt động nhập khẩu và phân phối thiết bị của Công ty khi mà Công ty dần tạo được chỗ đứng trên thị trường.

 Năm 2010, số lượng và quy mô các đơn hàng của Công ty tiếp tục phát triển theo hướng trên. Với tổng kim ngạch trên 38 tỷ VNĐ nhưng chỉ thực hiện khoảng 50 đơn hàng, các đơn hàng có giá trị từ 300 triệu đến khoảng hơn 2 tỷ. Điều này cho thấy định hướng rõ ràng của Công ty trong việc tập trung vào thực hiện những đơn hàng có giá trị lớn hơn.

 Năm 2011 có sự gia tăng vượt bậc cả về số lượng và quy mô các đơn hàng. Trong năm này, Công ty đã thực hiện hơn 110 đơn hàng, các đơn hàng đều có giá trị lớn từ 500 triệu VNĐ đến hơn 6 tỷ VNĐ, cá biệt có 2 đơn hàng với Công ty Cổ phần Sông Đà 6 và Công ty Cổ phần Than Tây Nam Đá Mài có giá trị trên 5 tỷ VNĐ và trên 6 tỷ VNĐ.

 Năm 2012, tuy mới qua 6 tháng hoạt động nhưng Công ty cũng đã thực hiện được trên 50 đơn hàng có giá trị từ 500 triệu VNĐ đến hơn 2 tỷ VNĐ.

 Sự gia tăng nhanh chóng cả về số lượng và quy mô các đơn hàng cho thấy Công ty đã có được chỗ đứng trên thị trường để tập trung vào việc thực hiện những đơn hàng lớn, cung cấp những máy móc chính cho hoạt động Khai thác khoáng sản và chế biến vật liệu xây dựng của các doanh nghiệp tại thị trường Việt Nam. Đây là một tín hiệu đáng mừng vì việc thực hiện nhiều đơn hàng lớn giúp Công ty khai thác hiệu quả hơn những nguồn lực sẵn có, tiết kiệm chi phí tốt hơn và tích lũy được nhiều kinh nghiệm kinh doanh quốc tế hơn.

- Thời gian, chi phí cho việc thực hiện các đơn hàng

Trong hoạt động kinh doanh của mình, Công ty tiến hành tìm kiếm và ký kết các đơn hàng với khách hàng trong nước, sau đó tìm kiếm nhà cung cấp nước ngoài phù hợp, tiến hành nhập khẩu máy móc thiết bị và thực hiện đơn hàng của khách hàng trong nước.

Thời gian để thực hiện một đơn hàng thường từ 1 đến 2 tháng phụ thuộc vào đặc thù của thiết bị nhập khẩu cũng như quy mô đơn hàng, nếu đơn hàng lớn và máy móc thiết bị được nhập có yêu cầu kỹ thuật cao thì thời gian thực hiện đơn hàng thường dài hơn và ngược lại, đơn hàng nhỏ, máy móc thiết bị đơn giản thì thời gian thực hiện đơn hàng ngắn. Thông thường thời gian thực hiện mỗi đơn hàng của Công ty bao gồm:

 Thời gian để Công ty lựa chọn nhà cung cấp phù hợp với những yêu cầu của đơn hàng, xác định giá cả, phương thức giao hàng cũng như các điều kiện về thanh toán… và tiến hành ký kết hợp đồng nhập khẩu hàng hóa. Khoảng thời gian này thường từ 3 đến 10 ngày tùy theo mối quan hệ làm ăn giữa Công ty và nhà cung cấp, nếu hai bên đã có mối quan hệ làm ăn từ trước thì việc ký kết hợp đồng thường theo thông lệ và diễn ra nhanh chóng, ngược lại, nếu là đối tác kinh doanh lần đầu thì 2 bên sẽ mất nhiều thời gian hơn để thương thảo hợp đồng.

 Thời gian để nhà cung cấp của Công ty tiến hành sản xuất hoặc chuẩn bị hàng xuất khẩu. Thời gian này phụ thuộc vào yêu cầu kỹ thuật và giá trị của mặt hàng. Với những máy móc chính, có yêu cầu kỹ thuật cao và giá trị lớn thì các nhà cung cấp của Công ty sẽ mất từ 15 – 20 ngày để chế tạo hoặc chuẩn bị hàng xuất. Với những phụ tùng thiết bị có giá trị nhỏ, không yêu cầu cao về kỹ thuật thì nhà cung cấp thường có sẵn hàng hoặc sản xuất, gom hàng rất nhanh nên thời gian này chỉ từ 5 – 10 ngày.

 Thời gian vận chuyển hàng hóa gồm thời gian vận chuyển quốc tế và thời gian vận chuyển nội địa.

Thời gian vận chuyển quốc tế (vận chuyển hàng hóa từ nhà cung cấp của Công ty đến các Ga cảng ở Việt Nam) sẽ kéo dài từ 10 – 15 ngày nếu như đơn hàng là những thiết bị nhỏ, có thể vận chuyển bằng đường hàng không; nếu đơn hàng là những máy móc có khối lượng lớn thì phải vận chuyển bằng đường biển và thời gian vận chuyển có thể lên tới hơn 1 tháng.

Thời gian vận chuyển nội địa gồm thời gian vận chuyển hàng hóa từ các ga, cảng về nhà kho của Công ty và vận chuyển hàng hóa từ nhà kho của Công ty đến cho đối tác. Thời gian này thường chỉ từ 1 đến 3 ngày.

 Thời gian chờ làm thủ tục nhập khẩu, thông quan hàng hóa. Thông thường thủ tục nhập khẩu đối với những máy móc thiết bị nhập khẩu của Công ty khá đơn giản nên thời gian này thường không kéo dài, chỉ từ 1-3 ngày. Cá biệt có một số trường hợp, chi tiết máy được làm bằng kim loại quý… phải trải qua quá trình kiểm tra gắt gao hơn của các cơ quan quản lý nên thời gian chờ tại cảng có thể lên tới 5 ngày.

 Bên cạnh đó còn có những khoảng thời gian để các bên tiến hành hoạt động thanh toán và giao nhận hàng như thời gian lập L/C, làm lệnh chuyển tiền, thời gian chờ xác nhận thanh toán, … những khoảng thời gian này thường dài ngắn tùy theo từng hợp đồng cụ thể.

 Tóm lại, thời gian thực hiện các đơn hàng của Công ty phụ thuộc vào mỗi đơn hàng cụ thể về đặc điểm mặt hàng, đặc điểm nhà cung cấp cũng như các yếu tố khách quan liên quan đến quá trình vận chuyển, giao nhận, kiểm tra và thông quan hàng hóa nhưng về cơ bản thì việc thực hiện các đơn hàng của Công ty diễn ra khá nhanh chóng, đảm bảo được tiến độ của hợp đồng.

Chi phí thực hiện đơn hàng

Ngoài chi phí về giá vốn hàng bán thì để thực hiện các đơn hàng, Công ty còn phải chi trả những chi phí sau:

 Chi phí vận chuyển gồm chi phí vận chuyển quốc tế và chi phí vận chuyển nội địa. Chi phí vận chuyển quốc tế (từ nhà cung cấp của Công ty đến ga, cảng ở Việt Nam) đã được hạch toán trong giá nhập khẩu vì Công ty luôn mua hàng theo giá CIF. Chi phí vận chuyển nội địa do Công ty trực tiếp chi trả. Giai đoạn 2008 – 2009, Công ty thuê ngoài hoạt động vận chuyển hàng hóa nội địa, nhưng do chi phí cao, cộng với hoạt động vận chuyển không đảm bảo yêu cầu bảo quản hàng hóa nên năm 2010 Công ty đã đầu tư đội xe vận chuyển để tự thực hiện hoạt động này, nhờ vậy chi phí vận chuyển đã giảm đi đáng kể.

 Chi phí làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa bao gồm chi phí khai báo hải quan, chi phí kiểm tra hàng hóa nhập khẩu, chi phí kho bãi khi hàng hóa chờ thông quan… Những chi phí này cũng phụ thuộc vào từng đơn hàng cụ thể với những đặc điểm khác nhau của mặt hàng.

 Chi phí bảo quản hàng hóa gồm chi phí bảo quản hàng hóa tại kho và chi phí bảo quản hàng hóa trong quá trình vận chuyển. Các chi phí này không lớn vì hàng hóa của Công ty tương đối dễ bảo quản. Ngay từ năm 2009, Công ty đã đầu tư nhà kho để có thể tự bảo quản hàng hóa nhằm tiết kiệm chi phí.

 Các chi phí khác như: phí giao dịch ngân hàng, chi phí tiếp đãi và gặp gỡ đối tác, chi phí đi lại để làm thủ tục… đều phụ thuộc vào từng đơn hàng cụ thể. Bên cạnh đó, các chi phí như chi phí quản lý, quảng cáo, xúc tiến bán hàng, chi phí thiết lập mối quan hệ với đối tác… cũng nhằm thực hiện các đơn hàng nhưng sẽ được hạch toán vào chi phí chung của Công ty.

 Tóm lại, với bất kỳ đơn hàng nào Công ty cũng phải chi trả các loại chi phí trên, chi phí sẽ thay đổi theo quy mô cũng như tính chất của từng đơn hàng nhưng sự khác biệt là không lớn. Chính vì vậy, việc thực hiện các đơn hàng lớn sẽ giúp Công ty tận dụng triệt để hơn những nguồn lực bỏ ra.

Một phần của tài liệu luận văn quản trịchất lượng chiến lược Nâng cao hiệu quả kinh doanh nhập khẩu tại Công ty Cổ phần Thương mại Hợp tác Kỹ thuật và Dịch vụ Việt Nam (Trang 34)