- Hoạt động kế hoạch hóa nguồn nhân lực
1.4. Sự cần thiết phải hoàn thiện công tác đào tạo nguồn nhân lực
Có nhiều lý do giải thích cho việc các tổ chức đầu tư cho công tác đào tạo nguồn nhân lực nhưng có thể chia thành hai lý do chính:
Lý do khách quan: các chương trình đào tạo góp phần thực hiện các mục tiêu chiến lược của tổ chức và đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của tổ chức. Trong nền kinh tế thị trường hiện nay sức lao động đã được nhìn nhận theo một quan điểm hoàn toàn mới. Nó được coi như là một loại hàng hóa đặc biệt, là một yếu tố đầu vào quan trọng của quá trình sản xuất kinh doanh. Với cách nhìn nhận như vậy, yêu cầu được đặt ra với các tổ chức, doanh nghiệp là phải đào tạo nguồn nhân lực của mình như thế nào để có thể sử dụng hiệu quả, tối đa hóa nguồn nhân lực hiện có thông qua việc giúp người lao động hiểu rõ hơn về công việc, nắm vững hơn về các kiến thức, kỹ năng, nâng cao khả năng thích ứng khi môi trường làm việc thay đổi.
Lý do chủ quan: Các tổ chức, doanh nghiệp cho rằng đó là do các đối thủ cạnh tranh tiến hành đào tạo và tổ chức nghĩ rằng họ sẽ bị thua kém, lạc hậu hơn nếu không tiến hành đào tạo lao động của mình. Một lý do nữa là vì các chương trình đào tạo này phổ biến và tổ chức nghĩ rằng nó là tốt nhất hay một số chương trình được tiến hành do nó đáp ứng nhu cầu bức thiết của tổ chức.
Một doanh nghiệp có phát triển và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh của mình được hay không là do nó có thể đáp ứng được với sự thay đổi liên tục của môi trường kinh doanh hay không. Cụ thể là các nhà quản lý của tổ chức, doanh nghiệp đó có thấy được sự thay đổi để kịp thời đào tạo người lao động cho phù hợp hay không,… Trong thời đại mà khoa học kỹ thuật công nghệ thay đổi liên tục như hiện nay thì một doanh nghiệp muốn thành đạt, phát triển thì cần phải có một đội ngũ lao động có trình độ tay nghề và trình độ chuyên môn tương xứng để đáp ứng. Vì vậy, đào tạo nguồn nhân lực là một nhu cầu chính đáng và cấp bách đối với các doanh nghiệp.
Phần lớn trong các doanh nghiệp nước ta hiện nay, nhu cầu cần một đội ngũ lao động có chất lượng ngày càng cao. Trong khi đó thì đối tượng lao động tham gia vào công tác đào tạo lại không được phân loại cụ thể theo nhiệm vụ hay chức năng công việc; các hình thức đào tạo thì còn đơn giản với người dạy cũng chính là những người lao động kiêm chức; nội dung chương trình đào tạo thì còn chưa phù hợp với mục tiêu đào tạo; việc cập nhật kiến thức mới thì chậm và chưa có quy chế hay quy định cụ thể, rồi việc đánh giá hiệu quả của công tác đào tạo sau mỗi khóa học mới chỉ là tổ chức thi sát hạch,… Tất cả những điều đó làm cho công tác đào tạo nguồn nhân lực không đạt được hiệu quả như mong muốn, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực.
Vì vậy, hoàn thiện công tác đào tạo nguồn nhân lực sẽ góp phần giúp doanh nghiệp có được một đội ngũ lao động có đầy đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết và phù hợp với yêu cầu cho công việc. Qua đó mới có thể đảm bảo cho năng suất lao động được nâng cao, góp phần làm giảm chi phí sản xuất và các chi phí rủi ro khác, làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có hiệu quả và ngày càng phát triển.
CHƯƠNG 2: