Việc định giá tài nguyên môi trường luôn có vai trò nền tảng trong phân tích lợi ích – chi phí các vấn đề về sức khỏe, sự an toàn và môi trường. Ngày nay, vai trò này càng rõ ràng hơn trong việc đánh giá thiệt hại tài nguyên thiên nhiên (natural resource damage assessment – NRDA) và phân tích lợi ích – chi phí phục hồi môi trường (environmental restoration – ER), quản lý chất thải (waste management – WM). Vì thế, các chuyên gia môi trường ngày càng quan tâm đến việc các giá trị tài nguyên thiên nhiên sẽ bị ảnh hưởng như thế nào từ các hoạt động này (trích Ulibarri, 1997).
Có thể thấy, định giá trị tài nguyên môi trường đem lại rất nhiều thông tin về tài nguyên hay dịch vụ môi trường đó. Những thông tin này đặc biệt có ý nghĩa trong việc ra quyết định đối với người làm chính sách. Điều này được thể hiện ở các mặt sau:
- Lượng giá môi trường hay hệ sinh thái (HST) sẽ rất hữu ích nếu nó được sử dụng như một công cụ góp phần xác định những ưu tiên chính sách và hành động môi trường đối với các dự án bảo tồn HST với các giá trị chức năng của chúng.
- Lượng giá HST có thể giúp cho các nhà quản lý tài nguyên đo được chi phí xã hội về những lợi ích kinh tế bị mất. Những chi phí xã hội đó có thể được sử dụng để xác định giá trị của hành động làm giảm thiểu hoặc loại bỏ tác động đối với môi trường.
- Lượng giá kinh tế dưới cách tiếp cận hỏi mức sẵn lòng trả chính là số đo về tầm quan trọng của nguồn tài nguyên hoặc dịch vụ môi trường đó đối với con người thông qua số tiền họ sẵn lòng bỏ ra để bảo tồn hay cải thiện chất lượng của tài nguyên đó. Đây cũng là cơ sở để cân nhắc xem có nên hay không nên triển khai những dự án có liên quan đến tài nguyên này.
- Việc định giá giúp cho việc so sánh chi phí và lợi ích giữa những ảnh hưởng có thể lượng hóa được và không thể lượng hóa được hoặc giữa các giá trị đo được bằng tiền tệ và phi tiền tệ được dễ dàng hơn.
- Một số ví dụ cho thấy việc định giá phi thị trường cần thiết trong việc triển khai các công cụ kinh tế tối ưu nhất, góp phần tăng hiệu quả quản lý môi trường:
• Việc thiết lập các mức phí môi trường đòi hỏi các mức này phải bằng với chi phí thiệt hại do hành động ô nhiễm gây ra, như thế mới đảm bảo hiệu quả cải thiện môi trường của các loại phí. Trong những trường hợp không có dữ liệu thị trường (giá trị giải trí, giá trị tồn tại bị ảnh hưởng bởi một dự án nào đó) thì phương pháp định giá phi thị trường rất cần thiết để xác định những chi phí thiệt hại có liên quan.
• Trong hoạt động đấu thầu, định giá phi thị trường có thể được sử dụng để
xác định lợi ích cận biên của việc cải thiện môi trường cao hơn chi phí triển khai dự án hay không và nếu thế thì ngân sách cho dự án cần được phân bổ thêm.
• Trong trường hợp đền bù cho việc suy giảm chất lượng môi trường ở nơi
này nhưng góp phần cải thiện cho một khu vực khác, cộng đồng có thể trả những mức giá khác nhau cho những sự thay đổi chất lượng môi trường tương tự nhau về mặt sinh thái. Việc định giá phi thị trường giúp xác định lợi ích cận biên của những sự thay đổi này đối với cộng đồng có tương đương hay không và dự án đền bù này có cần điều chỉnh (tăng hoặc giảm) góp phần đem lại an sinh cộng đồng.