Tính chất thời gian của nghệ thuật ngôn từ

Một phần của tài liệu tổng hợp tài liệu lý luận văn học (Trang 73)

I. NGÔN TỪ, CHẤT LIỆU CỦA VĂN CHƯƠNG

b. Tính chất thời gian của nghệ thuật ngôn từ

Ðứng về phương diện thời gian, người ta xếp văn chương vào loại nghệ thuật thời gian. Chính đặc trưng chất liệu ngôn từ đã qui định tính chất thời gian của hình tượng văn chương. Lời nói là âm thanh được phát ra từng tiếng lần lượt theo thời gian. Hình tượng văn chương có khả năng to lớn trong việc chiếm lĩnh đối tượng mà các bộ phận của nó xuất hiện theo thời gian. Văn chương chủ yếu tái hiện các quá trình đời sống, các sự vật và hiện tượng nối tiếp nhau trong thời gian.

Có một loạt các nghệ thuật thời gian, nhưng nghệ thuật thời gian - văn chương là có tính đặc thù. Tính đặc thù đó là ở chỗ, trong văn chương, thời gian được thể hiện uyển chuyển, biến hóa khôn lường nhà văn có thể ép mỏng lại hoặc kéo căng thời gian ra tùy theo yêu cầu nghệ thuật nhất định. thời gian trong văn chương không nhất thiết được thể hiện đúng như thật, trực tiếp như thời gian trên sâu khấu là trùng khít với thời gian được miêu tả. Trong văn chương thời gian nhiều khi chỉ là khoảng khắc nhưng được nhà văn đặc tả tỉ mỉ và có thể có cả lời bình phẩm kéo dài hàng trang sách. Như vậy ở đây thời gian cần để miêu tả nhiều gấp mấy lần thời gian được miêu tả. Hãy so sánh 9 phút cuối cùng của anh hùng Nguyễn Văn Trỗi trong phim và truyện Sống như Anh với bài thơ Nguyễn Văn Trỗi, 9 phút đã được miêu tả chỉ trong mấy chục giây trong phim và truyện, nhưng trong thơ Tố Hữu lại được miêu tả mấy chục phút. Thường khi, văn chương dồn nén thời gian từ một khoảng thời gian tự nhiên dài ngoài thực tế lại một vài dòng ngắn gọn.

Ngày qua, ngày lại qua ngày

Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng

Các tác phẩm văn chương có thể mô tả đối tượng chiếm một khoảng khắc thời gian, cũng có thể mô tả đối tượng diễn ra hàng thế kỷ. Bài thơ vịnh pháo sau đây, thời gian thực tế chỉ là tích tắc:

Pháo mới kêu to một tiếng đùng Hỡi ơi xác pháo đã tan không Tiếc thay thân pháo không còn nữa Nhưng đã tan ra vạn sắc hồng.

Nhưng bộ sử thi Chiến tranh và hòa bình của L.Tolstoi là cả một gian đoạn lịch sử dài một thế kỉ.

Về mặt nhịp độ, thời gian trong văn chương có thể trôi nhanh hay chậm; đều đặn êm đềm hay biến động căng thẳng. Thời gian trong bài thơ Nhật ký của Hoàng Nhuận Cầm sau đây trôi rất nhanh:

Sáng: Bình minh ấy là bình minh kỉ niệm Chiều: Hoàng hôn như lạ lại như quen Tối: Tắc kè kêu ném lưỡi vào đêm Có ngủ được đâu

Nằm nghe lá thở Nằm nghe súng nổ

Thôi, sáng rồi vẫn tiếng gà xóm mẹ Cuốn võng vào theo hướng súng mà đi

Mối quan hệ thời gian giữa quá khứ, hiện tại và tương lai trong văn chương có thể rất gần nhau nhưng cũng có thể rất xa nhau. liên hệ thời gian ở VIếng bạn của Hoàng Lộc rất gần nhau:

Hôm qua, hôm nay và mai mốt

Hôm qua còn theo anh Ði ra đường quốc lộ Sáng nay đã chặt cành Ðắp cho người dưới mộ ... Mai mốt bên cửa rừng

Anh có nghe súng nổ là chúng tôi đang cố Tiêu diệt kẻ thù chung

Ở bài Quê hương của Giang Nam mối liên hệ thời gian khá xa - từ thuở còn thơ đến cách mạng bùng lên, kháng chiến trường kỳ và hòa bình trở lại.

Thời gian trong văn chương có thể diễn ra cùng chiều với thời gian tự nhiên ngoài đời; cũng có thể có sự ngược lại từ tương lai rồi trở về quá khứ hoặc xen kẽ giữa quá khứ, hiện tại.

Nhưng điều quan trọng là thời gian trong hình tượng văn chương không chỉ đơn thuần là vấn đề tương quan như thế nào giữa thời gian được miêu tả với thời gian khách quan, giữa dòng ngôn từ trần thuật với thời gian khách quan. mà là tương quan trước -sau giữa các lớp, đoạn, cảnh, sự kiện, chi tiết.

Khả năng nghệ thuật thời gian nghệ thuật của văn chương rất lớn nó chẳng những hơn hẳn sân khấu mà còn hơn hẳn điện ảnh, truyền hình.

c. Tính không gian của nghệ thuật ngôn từ

Người ta đã xếp văn chương vào hàng nghệ thuật thời gian, nhưng đứng ở góc độ nào đó mà xét thì văn chương còn là nghệ thuật không gian - loại nghệ thuật không gian đặc biệt. Không gian nghệ thuật của văn chương là có tính đặc thù. Tính đặc thù này cũng là do đặc thù chất liệu xây dựng hình tượng - ngôn từ, quy định. các lời nói trong tác phẩm văn chương không phải được diễn ra cùng một lúc mà theo trật tự trước sau và ngay trong lời nói các từ cũng từ này tiếp sau từ kia. Có lợi thế về mặt thời gian, nhưng quảng tính thời gian của lời nói đã là trở ngại cho văn chương khi miêu tả không gian. Lessing đã viết: Những gì mà con mắt ta nắm bắt được ngay tức khắc

thì nhà thơ phải trình bày cho chúng ta chậm rãi, theo từng bộ phận, và thường kết quả là, khi cảm thụ bộ phận sau thì quên mất bộ phận trước ở đây sự đối chiếu vật thể trong không gian đã vấp phải tính liên tục của lời nói trong thời gian.

Ðây là một hạn chế so với các nghệ thuật không gian vật thể. tuy vậy, văn chương đã dùng sở trường để khắc phục sở đoản. Văn chương xem việc miêu tả sự vật tĩnh tại là thứ yếu. Vì nó không có khả năng hấp dẫn độc giả. Văn chương thiên về miêu tả quá trình đời sống, sự vận động, tái hiện các hành động. Ngay miêu tả một sự vật cũng vậy, nhà văn không dừng lại ở chỗ liệt kê, thống kê tỉ mỉ một cách tĩnh tại mà là vẽ chiều sâu lịch sự của sự vật. Còn các bức tranh phong cảnh hoặc hoàn cảnh xung quanh nhân vật thì không phải là phong cảnh tĩnh tại, chết mà là vận động hoặc động. Nguyễn Du trong bức tranh sau đây đã nhìn thấy sự vận động của tạo vật mà con mắt thường không thể thấy được.

Xập xé én liệng tầng không

Cỏ lan mặt đất, rêu phong dấu giày.

Và bài thơ Hạt gạo làng ta của Trần Ðăng Khoa, chẳng hạn, có họa sĩ nào vẽ được:

Hạt gạo làng ta Có vị phù sa

Của sông Kinh thầy Có hương sen thơm Trong hồ nước đầy Có lời mẹ hát Ngọt bùi hôm nay... Hạt gạo làng ta Có bão tháng bảy Có mưa tháng ba Giọt mồ hôi sa

Cua ngoi lên bờ Mẹ em xuống cấy Hạt gạo làng ta Những năm bom Mĩ Trút trên mái nhà Những năm cây súng Theo nguời đi xa Những năm băng đạn Vàng như lúa đồng Bát cơm mùa gặt Thơm hào giao thông...

Những trưa tháng sáu Nước như ai nấu Chết cả các cờ Sớm nào chống hạn Vục mẻ miệng gàu Trưa nào bắt sâu Lúa cao xáp mặt Chiều nào gánh phân Quang trành quét đất

Hạt gạo làng ta Có công các bạn Hạt gạo làng ta Gởi ra tiền tuyến Gởi về phương xa... Em vui em hát Hạt vàng làng ta.

Không gian trong văn chương có thể rất hẹp cũng có thể rất rộng: một sự vật, một con người, một căn phòng v.v... và có thể là một công trường, một chiến trường. Nói chung, không gian trong văn chương không bị một hạn chế nào. có họa sĩ nào vẽ được không gian của Tây du kí, Tam quốc chí, Chiến tranh và Hòa bình.

Không gian trong văn chương được di chuyển rất dễ dàng. Ðang ở không gian này người đọc có thể được đưa sang một không gian khác một cách dễ dàng và bất kỳ ở đâu. Sự thay đổi không gian trong văn chương cũng không bị hạn chế. Khả năng bao quát của không gian trong văn chương là vô cùng. Không một bức tranh nào so sánh nỗi khả năng này của văn chương.

Có một không gian nghệ thuật của văn chương mà các nghệ thuật khác khó lòng với tới. Ðó là không gian tâm tưởng (thế giới nội tâm - suy tư và mơ ước của con người). Chẳng hạn suy tư của Gamzatov trong bài thơ 8 câu sau đây:

Tôi hoàn toàn không ngạc nhiên Từ xưa tới nay vẫn thế

Thuốc độc, lòng tham và tiền Có thể giết người ta rất dễ Nhưng tôi không hiểu một điều Vì sao, tôi không biết:

Rằng nhiều khi sự thật và tình yêu Cũng có thể làm cho người ta chết.

Không gian và thời gian của văn chương là không gian và thời gian nghệ thuật - nó vừa là sự phản ánh không gian và thời gian hiện thực nhưng vừa mang ý nghĩa khái quát. Nhưng đồng thời không gian và thời gian trong văn chương nhiều khi mang ý nghĩa tượng trưng. Ví dụ trong thơ, văn cách mạng hay dùng đường cách mạng, chẳng hạn.

3. Khả năng phản ánh ngôn ngữ và tư duy của hình tượng văn chương

TOP

Một phần của tài liệu tổng hợp tài liệu lý luận văn học (Trang 73)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(80 trang)
w