Thông tin và truyền thông về trợ giúp pháp lý giúp người dân biết được những nội dung cơ bản về trợ giúp pháp lý để yêu cầu trợ giúp pháp lý khi cần thiết. Đồng thời, truyền thông về trợ giúp pháp lý còn giúp nâng cao nhận thức về hoạt động trợ giúp pháp lý của các cơ quan, tổ chức và công dân.
Các thông tin về trợ giúp pháp lý chủ yếu bao gồm: những đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý; các quyền và nghĩa vụ của người được trợ giúp pháp lý; các quyền và nghĩa vụ của người thực hiện trợ giúp pháp lý; thủ tục để yêu cầu trợ giúp pháp lý; các hình thức trợ giúp pháp lý (tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, các hình thức trợ giúp pháp lý khác); các trường hợp từ chối hoặc không tiếp tục thực hiện trợ giúp pháp lý; các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động trợ giúp pháp lý; địa chỉ, điện thoại liên hệ của các tổ chức trợ giúp pháp lý; danh sách Trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên thuộc phạm vi quản lý của Trung tâm, Chi nhánh; danh sách luật sư, tư vấn viên pháp luật của tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý; các vụ việc trợ giúp pháp lý đã thành công; các họat động trợ giúp pháp lý đã triển khai.
Các phương thức truyền thông rất phong phú, đa dạng như tờ gấp pháp luật, báo, đài phát thanh, truyền hình, loa phóng thanh xã, thôn, bản, qua các cơ quan tiếp dân, văn phòng luật sư, các tổ chức chính trị - xã hội (hội nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh, đoàn thanh niên...), tổ hòa giải cơ sở, tổ dân phố, đặt các Bảng thông tin, hộp tin giới thiệu về Trung tâm và Chi nhánh đặt tại trụ sở tất cả cơ quan tiến hành tố tụng, Trại tạm giam, Nhà tạm giữ, trụ sở Uỷ
bệnh viện, Trạm y tế, Đồn Biên phòng, Bưu điện Văn hoá xã. Tương ứng với các phương thức truyền thông là các sản phẩm truyền thông như: phóng sự, phim truyền hình, phim tài liệu, kịch; các thông điệp quảng bá, khẩu hiệu; hình ảnh, tranh minh họa; các câu hỏi, đáp về trợ giúp pháp lý, các tình huống pháp luật …
Đối với những vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số có thể dịch ra tiếng dân tộc thiểu số và truyền thông tại xã, thôn, làng, bản phù hợp với trình độ, phong tục tập quán và đặc thù của từng vùng, từng địa phương như trợ giúp pháp lý lưu động (gắn trực tiếp loa phóng thanh vào xe ô tô của Trung tâm; lồng ghép trong các lễ hội văn hoá, phiên chợ, hoạt động tôn giáo), sinh hoạt chuyên đề pháp luật, sinh hoạt Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, hoạt động trợ giúp pháp lý của từng cộng tác viên; lồng ghép trợ giúp pháp lý với các hoạt động tư pháp khác...; xây dựng, phát hành các loại tờ gấp pháp luật với đủ số lượng phù hợp với đặc thù và nhu cầu của từng tỉnh, từng huyện; dịch tờ gấp pháp luật ra tiếng dân tộc với văn phong ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu tập trung vào các quy định pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của đồng bào dân tộc thiểu số, hướng dẫn cụ thể những việc được làm và không được làm; biên soạn các tài liệu pháp luật truyền thông pháp luật có nội dung là những câu chuyện, tiểu phẩm pháp luật hấp dẫn; thu băng cassette hỏi đáp về những lĩnh vực pháp luật có liên quan mật thiết đến người dân để phát thanh hàng ngày trên truyền thanh của xã, bản...