Sinh hoạt chuyên đề pháp luật là phương thức trợ giúp pháp lý được quy định tại khoản 1 Điều 38 Luật Trợ giúp pháp lý trên cơ sở kết thừa quy định tại Điều 13 Quy chế mẫu về tổ chức và hoạt động của Trung tâm trợ giúp pháp lý ban hành kèm theo Quyết định số 224/1999/QĐ-BTP ngày 05/8/1999 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Trung tâm tổ chức nói chuyện, trao đổi theo chủ đề về các vấn đề pháp luật có liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân tại cơ sở mà người dân thường có nhiều vướng mắc và được nhiều người quan tâm. Sinh hoạt chuyên đề pháp luật được tổ chức kết hợp trong các đợt trợ giúp pháp lý lưu động, sinh hoạt Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý nơi tập trung, thu hút nhiều đối tượng được trợ giúp pháp lý hoặc được tổ chức độc lập theo yêu cầu của địa phương. Dựa trên kết quả khảo sát, thu thập nhu cầu trợ giúp pháp lý, Trung tâm sẽ lựa chọn những vấn đề pháp luật đang có nhiều người quan tâm, vướng mắc để cử Trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên trợ giúp pháp lý có hiểu biết chuyên sâu về các lĩnh vực pháp luật đó đến nói chuyện, trao đổi, phân tích và đưa ra những ví dụ, trường hợp áp dụng cụ thể, giúp người dân nắm bắt, hiểu rõ về những quy định pháp luật để có thể vận dụng trong trường hợp tương ứng. Chẳng hạn: tại những nơi dân cư đang rất quan tâm và có nhiều vướng mắc về pháp luật đất đai và giải phóng mặt bằng, Trung tâm tổ chức gặp gỡ, nói chuyện với họ về các quy định pháp luật đất đai, pháp luật về giải toả đền bù, pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Hoặc Trung tâm liên hệ với Hội Phụ nữ cơ sở để tổ chức các buổi nói chuyện, trao đổi với chị em phụ nữ về pháp luật hôn nhân và gia đình, pháp luật về dân số… Qua đó, Trung tâm phát hiện các vụ việc, vướng mắc pháp luật để tổ chức các đợt trợ giúp pháp lý lưu động nhằm giúp đỡ pháp luật cho các đối tượng một cách hoàn chỉnh, giải quyết triệt để các nhu cầu trợ giúp pháp lý. Cơ quan, tổ chức và chính quyền địa phương có trách nhiệm phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho Trung tâm hoặc Chi nhánh của Trung tâm tổ chức sinh hoạt chuyên đề pháp luật.
Tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy, việc tổ chức sinh hoạt chuyên đề pháp luật cũng gặp phải những khó khăn tương tự như trợ giúp pháp lý lưu động, đó là thiếu cán bộ, Trợ giúp viên pháp lý; không có đủ phương tiện giao thông đi lại; hạn hẹp về kinh phí và ở một số nơi, chính quyền địa phương
chưa tích cực phối hợp, tạo điều kiện cho Trung tâm tổ chức thực hiện; một số Trung tâm chưa chủ động biên soạn các câu hỏi, tình huống pháp luật để định hướng cho việc sinh hoạt hoặc chưa làm tốt khâu khảo sát vướng mắc pháp luật của người dân để chuẩn bị kỹ nội dung sinh hoạt nên chủ yếu phổ biến, trao đổi, thảo luận về các văn bản pháp luật ở tầm Luật, Nghị định mới ban hành, vì vậy, chưa thực sự giải toả được những vướng mắc pháp luật hay những vấn đề pháp luật mà người dân quan tâm.
2.2.5. Trợ giúp pháp lý qua điện thoại
Khoản 1 Điều 38 Luật Trợ giúp pháp lý đề cập đến tư vấn pháp luật bằng thư tín, điện tín hoặc thông qua phương tiện thông tin khác. Tư vấn pháp luật qua điện thoại áp dụng trong trường hợp vụ việc trợ giúp pháp lý đã được thụ lý hoặc vụ việc mới mà người có yêu cầu đề nghị tư vấn thông qua điện thoại. Đối với vụ việc tư vấn đơn giản, chưa thụ lý mà người tiếp nhận yêu cầu có thể thực hiện được ngay thì tư vấn ngay cho họ nhưng trước khi thực hiện tư vấn phải đề nghị họ cung cấp rõ các thông tin về họ, tên, nhân thân, địa chỉ và ghi vào Sổ trực điện thoại. Nếu vụ việc tư vấn phức tạp, hướng dẫn người có yêu cầu trực tiếp đến tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý để có điều kiện cung cấp đầy đủ thông tin theo quy định. Nội dung tư vấn pháp luật qua điện thoại phải được thể hiện trong Sổ theo dõi, tổng hợp vụ việc trợ giúp pháp lý dưới dạng hỏi, đáp.
Đối với người có yêu cầu thông qua thư tín, fax được tư vấn theo yêu cầu qua điện thoại hoặc trả lời bằng văn bản hoặc mời đến trụ sở để tư vấn trực tiếp. Nếu người có yêu cầu không gửi kèm theo giấy tờ chứng minh thuộc diện được trợ giúp pháp lý hoặc các giấy tờ, tài liệu có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý thì tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý hướng dẫn họ cung cấp đầy đủ các giấy tờ, tài liệu đó để làm cơ sở thụ lý giải quyết vụ việc. Thời hạn
thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý được tính từ thời điểm người có yêu cầu cung cấp đủ các giấy tờ, tài liệu nêu trên.
Tuy nhiên, phương thức này chưa có sự tổng kết, đánh giá để thấy được hiệu quả, những khó khăn, vướng mắc trên thực tiễn. Một số địa phương phản ánh khó khăn lớn nhất của phương thức này là không có đủ Trợ giúp viên pháp lý trực để trả lời điện thoại hoặc việc trao đổi qua điện thoại hạn chế về các thông tin thu được nên khó tư vấn đúng cho đối tượng. Phương thức này chỉ phù hợp với câu hỏi đơn giản. Hiện nay, cũng rất ít Trung tâm phối hợp được với tổng đài 1080 để thực hiện được dịch vụ tư vấn pháp luật miễn phí.
Đánh giá chung
Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản hướng dẫn thi hành được ban hành kịp thời đã tạo hành lang pháp lý vững chắc thúc đẩy công tác trợ giúp pháp lý nói chung và trợ giúp pháp lý tại cơ sở nói riêng, tạo điều kiện cho trợ giúp pháp lý ngày càng gần dân và người dân ngày càng thuận lợi, dễ dàng khi tiếp cận và được thụ hưởng dịch vụ này. Các văn bản pháp luật hiện hành đã cơ bản quy phạm hóa được các vấn đề cốt lõi để phát huy tác dụng tích cực của một số phương thức trợ giúp pháp lý mang lại hiệu quả cao trong thời gian trước đó, bao gồm: trợ giúp pháp lý lưu động, Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, Tổ cộng tác viên, sinh hoạt chuyên đề pháp luật, trợ giúp pháp lý qua điện thoại… Đây là những phương thức trợ giúp pháp lý ra đời ngay trong thời gian đầu mới hình thành hoạt động trợ giúp pháp lý, trong đó có phương thức đã được quy định, hướng dẫn trong các văn bản quy phạm, có phương thức dựa trên sự sáng tạo xuất phát từ đặc thù của địa phương. Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản hướng dẫn thi hành đã khái quát lên được những đặc điểm cơ bản của các phương thức này, cụ thể là:
- Quy định những đặc trưng của một số phương thức như trợ giúp pháp lý lưu động, Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, sinh hoạt chuyên đề pháp luật.
- Chủ thể thực hiện (tổ chức và cá nhân): Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và Chi nhánh của Trung tâm; Trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên của Trung tâm.
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân phối hợp và quan hệ phối hợp: Uỷ ban nhân dânhuyện, xã; Phòng Tư pháp, Ban Tư pháp; cán bộ, công chức, viên chức có nghiệp vụ về pháp luật hoặc chuyên ngành của cơ quan lao động, thương binh, xã hội; địa chính; xây dựng; thanh tra; cơ quan thông tin đại chúng và thành viên của các tổ chức, đoàn thể (Hội nông dân, Hội cựu chiến binh, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên...); cán bộ Tư pháp - Hộ tịch xã, tổ viên tổ hoà giải, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, trưởng bản...
- Đối tượng phục vụ: người được trợ giúp pháp lý là người nghèo, người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, trẻ em, người tàn tật, người già cô đơn không nơi nương tựa và cả những người dân khác đang có vướng mắc pháp luật.
- Địa điểm thực hiện: xã, thôn, bản, xóm, ấp, phum, sóc…
- Căn cứ tiến hành: Nhu cầu trợ giúp pháp lý của người dân, yêu cầu của chính quyền cơ sở, nhiệm vụ chính trị của địa phương…
- Cách thức tiến hành: Có thể là các mô hình mang tính tổ chức (Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, Tổ cộng tác viên) hoặc là các hoạt động cụ thể (trợ giúp pháp lý lưu động, sinh hoạt chuyên đề pháp luật, trợ giúp pháp lý qua điện thoại, thư tín, fax).
- Lĩnh vực trợ giúp pháp lý: tất cả các lĩnh vực trợ giúp pháp lý theo quy định tại Điều 34 Nghị định số 07/2007/NĐ-CP bao gồm: pháp luật hình sự, tố tụng hình sự và thi hành án hình sự; pháp luật dân sự, tố tụng dân sự và thi hành án dân sự; pháp luật hôn nhân gia đình và pháp luật về trẻ em; pháp luật hành chính, khiếu nại, tố cáo và tố tụng hành chính; pháp luật đất đai, nhà ở, môi trường và bảo vệ người tiêu dùngp; pháp luật lao động, việc làm, bảo hiểm; pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng và pháp luật về chính sách ưu đãi xã hội khác; các lĩnh vực pháp luật khác liên quan đến chương trình mục tiêu quốc gia xoá đói, giảm nghèo hoặc liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
- Kinh phí bảo đảm thực hiện: ngân sách địa phương, ngân sách hỗ trợ từ Trung ương, các Dự án hợp tác quốc tế, Quỹ trợ giúp pháp lý Việt Nam và các khoản hỗ trợ, đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
- Trình tự, thủ tục thực hiện, hồ sơ cần phải có và cách thức lưu trữ, sắp xếp hồ sơ. Chẳng hạn:
+ Hồ sơ trợ giúp pháp lý lưu động bao gồm: Văn bản thông báo của Trung tâm, Chi nhánh về việc tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động hoặc thư mời, công văn của cơ quan, tổ chức, đơn vị gửi về Trung tâm, Chi nhánh đề nghị trợ giúp pháp lý lưu động; Biên bản trợ giúp pháp lý lưu động; Danh sách người tham dự trợ giúp pháp lý lưu động hoặc nghe nói về chuyên đề pháp luật tại buổi lưu động; Danh sách người thực hiện trợ giúp pháp lý tại đợt lưu động; Hồ sơ của các vụ việc trợ giúp pháp lý đã được thực hiện; Báo cáo kết quả đợt trợ giúp pháp lý lưu động và các tài liệu khác có liên quan (nếu có).
Các vụ việc tư vấn pháp luật thực hiện tại các đợt lưu động được cập nhật vào Sổ theo dõi, tổng hợp vụ việc trợ giúp pháp lý và được lập thành hồ
sơ theo quy định. Trong trường hợp hướng dẫn, giải đáp pháp luật đơn giản cho nhiều người cùng một lúc không phân biệt đối tượng thì không phải lập hồ sơ vụ việc nhưng được ghi trong biên bản lưu động.
+ Hồ sơ sinh hoạt Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý bao gồm: Dự kiến kế hoạch sinh hoạt hàng tháng của Câu lạc bộ; Danh sách đối tượng tham dự sinh hoạt Câu lạc bộ; Biên bản sinh hoạt của Câu lạc bộ có dấu xác nhận số lượt sinh hoạt và được lập theo quy định của Điều lệ mẫu về tổ chức và hoạt động của Câu lạc bộ.
Các vụ việc tư vấn pháp luật trong sinh hoạt Câu lạc bộ được lập thành hồ sơ vụ việc riêng theo quy định và được cập nhật vào Sổ theo dõi, tổng hợp vụ việc trợ giúp pháp lý.
Tuy nhiên, qua thực tế triển khai các phương thức trợ giúp pháp lý tại cơ sở cho thấy một số khó khăn, hạn chế sau đây:
- Về thông tin, truyền thông về trợ giúp pháp lý nói chung và trợ giúp pháp lý tại cơ sở nói riêng: Mặc dù, đến nay trợ giúp pháp lý tại cơ sở ra đời gần 10 năm, có phương thức được khẳng định là đã áp dụng tại 100% số tỉnh và hầu hết số xã nhưng thực tế nhiều người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, miền núi vẫn chưa biết hoặc không biết rõ về trợ giúp pháp lý nói chung và trợ giúp pháp lý tại cơ sở nói riêng. Vì vậy, người dân chưa có được thói quen tìm đến trợ giúp pháp lý trước khi tham gia vào các quan hệ pháp luật, nhất là các giao dịch dân sự.
- Việc tiến hành các hoạt động trợ giúp pháp lý tại cơ sở nói riêng chủ yếu để giải quyết các vụ việc, vướng mắc pháp luật, tức là khi đã có tranh chấp, vi phạm pháp luật xảy ra mà còn xem nhẹ vai trò tư vấn pháp luật để định hướng hành vi của người được trợ giúp pháp lý nhằm tránh xảy ra vướng
khi các bên giải quyết tranh chấp vụ việc vi phạm hợp đồng vay nợ mà phải là sự trợ giúp trước đó để các bên hiểu rằng khi vay nợ hay cho vay phải viết giấy tờ và ký nhận đầy đủ. Có như vậy, mới tránh được hậu quả pháp lý sau này, bởi lẽ mặc dù được trợ giúp pháp lý để giải quyết tranh chấp nhưng có thể vụ việc đó đã trở nên phức tạp, gây tốn kém về thời gian, công sức, tiền của cho các bên gây mất đoàn kết, sứt mẻ tình cảm hàng xóm, láng giềng chưa kể đến những hậu quả pháp lý nghiêm trọng khác phát sinh như thù hằn, gây thương tích…
- Các Trung tâm trợ giúp pháp lý chưa tiến hành đồng đều, sâu rộng, thường xuyên các hoạt động trợ giúp pháp lý tại cơ sở. Vì vậy, vẫn còn những nơi người dân chưa nhận được sự giúp đỡ pháp lý kịp thời. Trợ giúp pháp lý tại cơ sở ở một số nơi còn mang tính hình thức, chưa đi vào chiều sâu, chưa phát huy được lợi thế gần dân, sát dân và bảo đảm thuận lợi cho dân. Trung tâm trợ giúp pháp lý chưa bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, hỗ trợ chính quyền địa phương tháo gỡ, giải tỏa các “điểm nóng”, các vụ khiếu kiện phức tạp, kéo dài, gây mất an ninh trật tự xã hội.
- Các phương thức trợ giúp pháp lý tại cơ sở mới chỉ được xác định đến cấp xã. Trên thực tế, tại các tỉnh miền núi, vùng đồng bào dân tộc, nơi sinh hoạt chính và gắn bó nhất với bà con là các làng, bản, thôn, xóm, phum, sóc, nếu chỉ tổ chức trợ giúp pháp lý tại trung tâm xã thì từ các cộng đồng dân cư đến trung tâm xã khá xa, giao thông đi lại khó khăn, cách trở sẽ không thể thu hút được người dân tham dự hoặc không thuận lợi cho họ tiếp cận với hoạt động trợ giúp pháp lý.
- Chưa có sự lồng ghép hiệu quả giữa trợ giúp pháp lý với các hoạt động văn hóa, xã hội khác mà trên thực tế thì các hoạt động văn hóa, xã hội này có tác động rất lớn tới tâm lý, nhận thức của người dân. Chẳng hạn: chưa lồng
ghép trợ giúp pháp lý với các lễ hội văn hóa truyền thống của bà con dân tộc để thu hút được nhiều người tham gia, kết hợp trợ giúp pháp lý với các quy định trong các quy ước, hương ước.
Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên là do: - Về thể chế:
+ Bên cạnh một số phương thức được quy định, hướng dẫn thực hiện khá cụ thể, chi tiết như trợ giúp pháp lý lưu động, Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, trợ giúp pháp lý qua điện thoại thì các quy định về sinh hoạt chuyên đề pháp luật và Tổ cộng tác viên còn mang tính khái quát, gợi ý mà chưa cụ thể; trợ giúp