Mô hình Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý được hình thành đầu tiên ở các tỉnh An Giang, Lạng Sơn ngay sau khi hệ thống tổ chức trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo và đối tượng chính sách ra đời theo Quyết định số 734/TTg. Tuy nhiên do chưa có cơ sở pháp lý đầy đủ nên việc áp dụng mô hình Câu lạc bộ mới mang tính thử nghiệm và rất khác nhau ở các địa phương. Một số địa phương, Giám đốc Sở Tư pháp quyết định thành lập Câu lạc bộ ở cấp tỉnh và ban hành Quy chế hoạt động, có địa phương thành lập Câu lạc bộ ở cấp huyện và do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập và ban hành Quy chế hoạt động, nhiều nơi Câu lạc bộ được thành lập ở cấp xã như An Giang, Lạng Sơn, Khánh Hoà, Tây Ninh, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc…
Cơ cấu của hầu hết các Câu lạc bộ bao gồm Ban chủ nhiệm và các Hội viên (trung bình từ 25- 55 người). Thành viên Ban chủ nhiệm là cán bộ chủ chốt cấp xã, cán bộ Ban Tư pháp, Công an xã, Chủ tịch các tổ chức đoàn thể (Mặt trận tổ quốc, Hội Nông dân, Phụ nữ, Thanh niên, Cựu chiến binh…), trưởng thôn, bản và các Đảng viên. Chủ nhiệm Câu lạc bộ thường là Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã. Đây là những người hàng ngày
sinh hoạt tại cộng đồng, am hiểu pháp luật, có kinh nghiệm, nhiệt huyết với công tác trợ giúp pháp lý, hiểu dân, hiểu được các tranh chấp, mâu thuẫn pháp luật trong cộng đồng người dân. Trong các buổi sinh hoạt, Ban chủ nhiệm còn mời các đối tượng trợ giúp pháp lý (người nghèo, người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số…) tham dự. Tuy nhiên, một số địa phương, việc sinh hoạt mới chỉ dừng lại ở phạm vi Ban chủ nhiệm và Hội viên mà chưa có điều kiện mở rộng để người được trợ giúp pháp lý và nhân dân có thể tham dự. Các Hội viên tham dự không chỉ có nhu cầu được tìm hiểu, truyền thông, phổ biến pháp luật mà còn được tư vấn, giải đáp pháp luật, giải toả những vướng mắc pháp luật, tranh chấp, khiếu kiện phát sinh trong cuộc sống thường ngày. Nếu phát hiện đối tượng có nhu cầu cần luật sư đại diện, bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trước các cơ quan tố tụng trong các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử thì Câu lạc bộ sẽ chuyển hồ sơ đến Trung tâm để giúp đỡ cho họ.
Nội dung sinh hoạt thường kỳ hàng tháng (01 tháng/01 lần) là trao đổi, thảo luận các vụ việc thường xảy ra ở địa phương hoặc các tình huống mẫu dưới sự định hướng, hướng dẫn của các chuyên viên, cộng tác viên của Trung tâm; cập nhật các văn bản pháp luật mới; thông tin, phổ biến về tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý; tham gia trợ giúp pháp lý lưu động; sinh hoạt chuyên đề pháp luật… Hoạt động của Câu lạc bộ gắn liền với việc thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở và hương ước thôn, bản. Đồng thời, còn giúp Trung tâm trợ giúp pháp lý nắm bắt được nhu cầu trợ giúp pháp lý trong nhân dân, nắm được các tình tiết vụ việc cụ thể để giúp dân chính xác, công bằng. Hội viên Câu lạc bộ còn tham gia vào công tác hoà giải, giải thích pháp luật cho nhân dân thông qua từng vụ việc bảo đảm đúng pháp luật, phù hợp với phong tục tập quán tốt đẹp của địa phương, từng dân tộc; cùng với chính quyền và các tổ chức đoàn thể ở cơ sở giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội,
đặc biệt là các thôn, bản biên giới. Ngoài ra, sinh hoạt ở một số Câu lạc bộ còn được tổ chức lồng ghép với các hoạt động như liên hoan văn nghệ, xây dựng các tiểu phẩm mang tính giáo dục pháp luật, thi tìm hiểu pháp luật và các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh khác. Cũng có Câu lạc bộ chia thành các nhóm nòng cốt từ 03-04 người thường xuyên đến thăm hỏi, hoà giải, giải đáp pháp luật tại thôn, bản…
Các Câu lạc bộ chịu sự quản lý nhà nước của Uỷ ban nhân dân cấp xã và sự chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và Phòng Tư pháp cấp huyện. Trung tâm giữ vai trò là người hướng dẫn, hỗ trợ, cử chuyên viên, cộng tác viên có trình độ pháp luật phụ trách, hàng tháng tham gia sinh hoạt định kỳ cùng Câu lạc bộ, cung cấp thông tin về văn bản mới và cùng tham gia ý kiến với Câu lạc bộ xử lý các tình huống pháp lý cụ thể. Cũng có nơi, Câu lạc bộ chịu sự quản lý trực tiếp của Sở Tư pháp và Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước (Cà Mau, Bình Dương). Việc điều hành sinh hoạt Câu lạc bộ phần lớn do Ban chủ nhiệm với sự tham gia của công chức Tư pháp - Hộ tịch và lãnh đạo Uỷ ban nhân dân xã. Cũng có nơi do Ban Tư pháp cấp xã trực tiếp điều hành và duy trì hoạt động (Cà Mau).
Mặc dù thời gian này chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định cụ thể về tổ chức và hoạt động của Câu lạc bộ nhưng qua thực tiễn cho thấy đây là mô hình thiết thực đã tạo nên sự đa dạng của các phương thức trợ giúp pháp lý tại cơ sở, phù hợp với đặc điểm tình hình của từng vùng miền, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người được trợ giúp pháp lý ngay tại địa bàn dân cư, tạo thuận lợi cho họ trong việc tiếp cận, giải toả các vấn đề pháp luật; tăng cường khả năng tự giải quyết các vụ việc, vướng mắc pháp luật của người dân dưới sự giúp đỡ của người thực hiện trợ giúp pháp lý. Hoạt động
đối với nhận thức của chính quyền cấp xã về trách nhiệm của họ trong việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, cũng như giúp nâng cao nhận thức và trình độ pháp luật của những người tham gia. Tại nhiều địa phương, các vụ khiếu kiện, tranh chấp, vi phạm pháp luật trong nhân dân ở các cơ sở có Câu lạc bộ đã giảm đáng kể, việc giải quyết công việc của chính quyền cơ sở bảo đảm đúng pháp luật, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Thông qua các kỳ sinh hoạt Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý đã góp phần hỗ trợ hiệu quả cho công tác quản lý nhà nước, quản lý xã hội ở cơ sở. Vì vậy, tính đến hết năm 2006, trong toàn quốc đã có trên 700 Câu lạc bộ, trung bình mỗi tỉnh có ít nhất 10 Câu lạc bộ, một số nơi nhiều hơn như Quảng Nam: 57; Bình Dương: 55 (đã có kế hoạch thành lập Câu lạc bộ ở 100% số xã); An Giang: 39; Gia Lai: 33; Quảng Bình: 32; Nam Định, Thanh Hoá: 22; Hà Tây: 15; Long An: 14; Khánh Hoà, Phú Thọ: 13; Sóc Trăng: 12…
Tuy nhiên, đây là mô hình mới, chưa có cơ sở pháp lý nên một số Câu lạc bộ được thành lập chỉ mang tính chất thí điểm trên cơ sở hỗ trợ từ nguồn kinh phí Dự án, chưa được chính quyền cơ sở bảo đảm về cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động. Câu lạc bộ hoạt động không thường xuyên hoặc hoạt động kết hợp với các loại hình Câu lạc bộ khác như: Câu lạc bộ phòng chống tội phạm, Câu lạc bộ pháp luật... Trình độ pháp luật của các thành viên còn hạn chế, chưa được quan tâm tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức pháp luật và kỹ năng trợ giúp pháp lý. Vì vậy, số lượng vụ việc trợ giúp pháp lý do Câu lạc bộ thực hiện mới chiếm tỷ lệ nhỏ (tính đến năm 2003 là 2.186 vụ việc, chiếm 1,73% tổng số vụ việc).