Về hoàn thiện hệ thống pháp luật

Một phần của tài liệu Nguyên tắc thẩm phán, Hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật (Trang 72)

Luật pháp quy định rõ ràng, minh bạch thì việc áp dụng vào thực tế sẽ chính xác, đúng đắn. Đó là lý do tại sao chúng ta cần hoàn thiện hệ thống

69

pháp luật nói chung và các quy định liên quan trực tiếp đến việc thực hiện nguyên tắc Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật khi xét xử.

- Hệ thống pháp luật hình sự: Cần hoàn thiện chính sách hình sự và thủ tục tố tụng tư pháp, đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội. Quy định trách nhiệm hình sự nghiêm khắc hơn đối với những tội phạm là người có thẩm quyền trong thực thi pháp luật, những người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội. Người có chức vụ càng cao mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội thì càng phải xử lý nghiêm khắc để làm gương cho người khác.

+ Bộ luật hình sự: Giảm hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ đối với một số loại tội phạm, Cần xây dựng mức hình phạt ở các khung không cách nhau quá xa, bỏ khoản 2 Điều 46 và bổ sung một số tình tiết giảm nhẹ ở khoản 1 Điều 46. Những tình tiết bổ sung này phải được đúc kết từ thực tiễn áp dụng, phải liên quan đến hành vi phạm tội và phải có tính đặc trưng, điển hình, thực sự là những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Các tình tiết phải rõ ràng, những tình tiết phải liên kết với nhau và sử dụng liên từ và nếu độc lập trong cùng một điểm thì sử dụng dấu chấm phẩy (;), tránh trường hợp áp dụng không đúng, suy diễn.

+ Bộ luật tố tụng hình sự cần có những quy định cụ thể hơn về nghị án. Cụ thể Điều 222 Bộ luật tố tụng hình sự quy định lại như sau: Hội đồng xét xử phải giải quyết tất cả các vấn đề của vụ án như định tội danh, quyết định mức hình phạt, biện pháp chấp hành hình phạt, trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng và các vấn đề khác (nếu có) bằng cách biểu quyết từng vấn đề một,…; về giới hạn xét xử, cần quy định lại theo hướng bỏ đoạn 2 của điều luật, Điều 196 chỉ còn: Tòa án chỉ xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố và Tòa án đã quyết định đưa vụ án ra xét xử; nên bỏ nguyên tắc "Tòa án xét xử tập thể và quyết định theo đa số" vì nội

70

dung của nguyên tắc này không chỉ được thể hiện ở nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước tại Điều 6 Hiến pháp 1992 (được sửa đổi năm 2001), mà còn được quy định rõ ở điều luật về thực hiện chế độ xét xử có Hội thẩm tham gia (Điều 15), thành phần xét xử sơ thẩm (Điều 185) và xét xử phúc thẩm (Điều 244), quyết định theo đa số (Điều 222) Bộ luật tố tụng hình sự.

- Hệ thống pháp luật dân sự:

+ Bộ luật dân sự: Cần hoàn thiện Bộ luật dân sự, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khi tham gia giao dịch, thúc đẩy các quan hệ pháp luật dân sự phát triển lành mạnh; hoàn thiện chế định hợp đồng, bồi thường, bồi hoàn…

+ Bộ luật tố tụng dân sự: tiếp tục hoàn thiện thủ tục tố tụng dân sự, nghiên cứu thực hiện và phát triển các loại dịch vụ từ phía Nhà nước để tạo điều kiện cho các đương sự chủ động thu thập chứng cứ, chứng minh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Đổi mới thủ tục hành chính trong các cơ quan tư pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận công lý; người dân nộp đơn đến Tòa án, Tòa án có trách nhiệm nhận và thụ lý đơn. Khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài, Tòa án hỗ trợ bằng quyết định công nhận việc giải quyết đó.

- Mở rộng thẩm quyền xét xử của Tòa án đối với các khiếu kiện hành chính. Đổi mới mạnh mẽ thủ tục giải quyết các khiếu kiện hành chính tại Tòa án; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia tố tụng, bảo đảm sự bình đẳng giữa công dân và cơ quan công quyền trước Tòa án.

- Từng bước thực hiện việc công khai hóa các bản án, trừ những bản án hình sự về tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia hoặc liên quan đến thuần phong mỹ tục. Xây dựng cơ chế bảo đảm mọi bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật phải được thi hành, các cơ quan hành chính vi phạm bị xử lý theo phán quyết của Tòa án phải nghiêm chỉnh chấp hành.

71

- Cần có một cơ chế pháp lý hoàn chỉnh, rõ ràng và thống nhất để tạo cơ sở cho Thẩm phán và Hội thẩm khi xét xử chỉ tuân theo pháp luật. Pháp luật đã thừa nhận quyền của họ nhưng lại không có quá nhiều nghĩa vụ ràng buộc để họ thực hiện quyền của mình một cách đúng đắn và nghiêm minh nhất. Gần như không có văn bản nào quy định rõ nếu như vi phạm thủ tục tố tụng mà chưa đủ cấu thành tội phạm thì Thẩm phán, Hội thẩm tham gia phiên tòa bị xử lý như thế nào? Khiển trách, cảnh cáo, hay kỷ luật thì cũng chỉ là những biện pháp xử phạt mang tính hành chính và nội bộ. Trong nhiều trường hợp, khi biết hành vi của mình không minh bạch, có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng của phiên tòa xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm lại tìm cách "lo lót" để không bị "soi xét". Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa Thẩm phán, Hội thẩm, Tòa án với Viện kiểm sát thường mật thiết, nên ít nhiều đều có sự chi phối lẫn nhau, đặc biệt là khi pháp luật tố tụng hình sự còn có quy định về Tòa án chỉ xét xử những tội theo cáo trạng của Viện kiểm sát, và có xét xử những tội danh khác thì cũng phải trong cùng điều khoản mà Viện kiểm sát truy tố. Vẫn còn những quy định chung chung như thế này, mà không có văn bản hướng dẫn cụ thể thì e rằng việc Thẩm phán và Hội thẩm độc lập trong xét xử và khi xét xử chỉ tuân theo pháp luật khó có thể được thực thi hiệu quả. Có thể nói rằng, trong quan hệ tố tụng của những người tiến hành tố tụng ở nước ta còn nhiều yếu tố mập mờ, tuy không thuộc các trường hợp phải từ chối tham gia tố tụng nhưng vẫn còn bị chi phối khá nhiều bởi yếu tố "quan hệ và tình cảm", điều này không gây thiệt hại gì cho Thẩm phán và Hội thẩm tham gia xét xử nhưng lại ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến kết quả của hoạt động xét xử và có thể xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Bởi thế, việc ràng buộc trách nhiệm cho Thẩm phán và Hội thẩm là thực sự cần thiết, để khi tiến hành tố tụng, họ hoàn toàn có địa vị pháp lý ngang nhau và chỉ tuân theo pháp luật khi xét xử mà không chịu bất kỳ một sự tác động nào. Muốn làm được như vậy, pháp luật cần hoàn thiện các quy định để nâng cao trách nhiệm của Thẩm phán như quy định về kỷ luật, quy định về bãi miễn khi Thẩm phán vi phạm

72

phẩm chất đạo đức hoặc năng lực xét xử yếu kém. Bởi vì, pháp luật quy định người Thẩm phán độc lập trong xét xử thì họ cũng phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về những phán quyết của mình. Tùy từng mức độ cụ thể mà có những chế tài khác nhau, nhưng tác giả cho rằng, nếu như có sự kiểm soát chặt chẽ của luật pháp sẽ hạn chế được những yếu tố tiêu cực không nên có trong hoạt động tố tụng của Thẩm phán và Hội thẩm.

- Cần có những văn bản hướng dẫn kịp thời để có cách áp dụng pháp luật thống nhất trong xét xử. Xây dựng hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, không chồng chéo, mâu thuẫn với nhau; các văn bản hướng dẫn thi hành và giải thích luật phải kịp thời. Có như vậy mới tạo điều kiện cho Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân khi xét xử có cơ sở pháp lý vững chắc và chỉ tuân theo pháp luật. Biết rằng, pháp luật luôn cần được xem xét, sửa đổi, bổ sung cho hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu điều chỉnh các mối quan hệ ngày một phức tạp trong xã hội. Tuy nhiên, việc sửa đổi, bổ sung hay ban hành luật mới cũng cần phải cân nhắc, tránh tình trạng mâu thuẫn chồng chéo sẽ gây lúng túng cho người áp dụng. Ở nước ta, mỗi đạo luật ra đời đều có nghị định, thông tư, nghị quyết... hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên, nhiều quy định của đạo luật được ghi nhận không rõ ràng dẫn đến tình trạng các hướng dẫn không có sự thống nhất với nhau gây khó khăn cho người áp dụng. Cần phải có sự thống nhất trong việc cụ thể hóa quy định pháp luật của cả cơ quan lập pháp và hành pháp. Đặc biệt, tố tụng hình sự lại rất quan trọng, mỗi quyết định của hội đồng xét xử đều ảnh hưởng trực tiếp và nghiêm trọng đến quyền và lợi ích người tham gia tố tụng. Vì vậy, việc các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn kịp thời và thống nhất các quy định của luật mang lại ý nghĩa hết sức to lớn.

Một phần của tài liệu Nguyên tắc thẩm phán, Hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật (Trang 72)