Thẩm phán và Hội thẩm xét xử chỉ tuân theo pháp luật

Một phần của tài liệu Nguyên tắc thẩm phán, Hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật (Trang 27)

Nội dung không kém phần quan trọng của nguyên tắc, đó là việc xét xử của Thẩm phán và Hội thẩm chỉ tuân theo pháp luật. "Cấp trên của quan tòa là luật pháp" (Các Mác) có nghĩa là, khi xét xử, Tòa án không có cấp trên, cấp trên của Hội đồng xét xử chính là pháp luật. Khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân không bị ràng buộc, không bị chi phối bởi bất kỳ ý kiến của ai. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân không được can thiệp hoặc tác động vào các thành viên của Hội đồng xét xử để ép họ phải xét xử vụ án theo ý chủ quan của mình. Mọi hành động can thiệp dưới bất kỳ hình thức nào đều làm ảnh hưởng tới tính khách quan của vụ án và đều bị coi là bất hợp pháp. Khi xét xử Thẩm phán và Hội thẩm độc lập không có nghĩa là xét xử tùy tiện mà việc xét xử phải tuân theo pháp luật, có thể tham khảo ý kiến của các cơ quan chuyên môn, của bất kỳ ai và phải nắm bắt dư luận xã hội, nhưng khi quyết định, Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân phải thể hiện bản lĩnh nghề nghiệp của mình, xem xét mọi vấn đề một cách độc lập, không được để cho ý kiến bên ngoài làm ảnh hưởng tới tính khách quan của vụ án. Khía cạnh này của nguyên tắc đòi hỏi Thẩm phán và Hội thẩm không một bước xa rời pháp luật, không có bất kỳ một sự lẩn tránh nào đối với pháp luật, không tha thứ cho bất kỳ một hành vi vi phạm pháp luật nào. Đó là đòi hỏi có tính chất bắt buộc đối với Thẩm phán và Hội thẩm. Như vậy có thể nói "hoạt động của Thẩm phán và Hội thẩm luôn phải trên cơ sở pháp luật" [36]. Việc xét xử của Thẩm phán và Hội thẩm chỉ dựa trên những quy định của pháp luật và pháp luật là căn cứ duy nhất để quyết định các vấn đề giải quyết vụ án. Pháp luật là tối thượng như lời của Luật sư Xixeron thời La mã cổ đại đã từng nói: "Quan tòa - đó là một đạo luật biết nói, còn đạo luật là một vị quan tòa câm". Nội dung Thẩm phán và Hội thẩm chỉ tuân theo pháp luật biểu hiện ở những vấn đề sau:

- Sự tuân theo pháp luật hình sự: Pháp luật hình sự nói chung thường bao gồm luật thực định (Bộ luật hình sự) và khoa học về luật hình sự, chúng có sự bổ trợ lẫn nhau.

24

Bộ luật hình sự có hai phần: Phần chung và phần các tội phạm. Phần chung quy định về phạm vi áp dụng, các trường hợp phạm tội, tình tiết tăng nặng giảm nhẹ, tổng hợp hình phạt, tuổi chịu trách nhiệm hình sự… Phần các tội phạm quy định cụ thể các hình vi như thế nào thì bị coi là tội phạm và các khung hình phạt, mức hình phạt tương ứng với các trường hợp phạm tội.

Tuy nhiên, muốn áp dụng đúng các quy định của Bộ luật hình sự buộc Thẩm phán và Hội thẩm phải có kiến thức về định tội danh, về quyết định hình phạt...và khoa học luật hình sự thể hiện ý nghĩa của mình ở chỗ đó.

- Sự tuân theo pháp luật tố tụng hình sự: Có thể chia hoạt động xét xử của Thẩm phán và Hội thẩm thành hai giai đoạn: thứ nhất là từ khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử đến trước ngày mở phiên tòa và thứ hai là tại phiên tòa.

Giai đoạn trước khi mở phiên tòa là giai đoạn Hội thẩm nghiên cứu hồ sơ để xem xét lại các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, từ đó xây dựng kế hoạch xét hỏi và những tình huống xảy ra tại phiên tòa để có kế hoạch ứng phó thích hợp và những công việc khác cần thiết cho phiên tòa.

Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử cần phải nắm chắc các quy định của bộ luật tố tụng hình sự từ thủ tục bắt đầu phiên tòa đến khi kết thúc phiên tòa, đặc biệt là trong phần xét hỏi, tranh luận và nghị án. Trong phần xét hỏi, về phạm vi và trình tự hỏi đã được quy định tại Điều 207 Bộ luật tố tụng hình sự. Hội đồng xét xử phải xác định đầy đủ các tình tiết về từng việc và từng tội trong vụ án theo thứ tự xét hỏi hợp lý. Khi xét hỏi, chủ tọa phiên tòa hỏi trước rồi đến các Hội thẩm, sau đó đến Kiếm sát viên và người bào chữa,… Về nội dung hỏi, pháp luật không quy định hỏi cụ thể như thế nào nhưng mục đích của hoạt động xét hỏi nhằm làm sáng tỏ các vấn đề được quy định tại Điều 63 Bộ luật tố tụng hình sự. Đó là phải làm rõ có hành vi phạm tội xảy ra hay không, thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội; Ai là người thực hiện hành vi phạm tội, có lỗi hay không có lỗi, do cố ý hay vô ý, có năng lực trách nhiệm hình sự hay không, mục đích, động cơ phạm tội;

25

những tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo và những đặc điểm về nhân thân của bị cáo. Tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra. Đối với các đối tượng cụ thể cần có cách hỏi phù hợp, đảm bảo khách quan, không được dùng các câu hỏi có tính chất "mớm cung" để buộc những người tham gia tố tụng khai theo làm mất tính khách quan trong việc khai báo của họ. Đối với bị cáo được khai nhận thực hiện hành vi phạm tội có thể có nhiều động cơ khác nhau nên đồng thời với việc hỏi bị cáo cần phải kết hợp với việc hỏi những người khác, xem xét vật chứng cụ thể xác định phù hợp hay không phù hợp với lời nhận tội của bị cáo.

"Chỉ có thể kết luận bị cáo phạm tội khi lời nhận tội của họ phù hợp với các chứng cứ khác trong vụ án. Không được dùng lời nhận tội của bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội" [16, tr. 199], bởi vì có nhiều trường hợp, bị cáo nhận tội chỉ là do quá sợ hãi, hoặc do có người chỉ đạo, xúi giục, và thậm chí là nhận tội thay.

Việc xét hỏi phải mang tính toàn diện, khách quan, không được có định kiến trước là bị cáo có tội.Trong phần tranh luận, Hội đồng xét xử phải xác định mục đích của tranh luận, chủ thể thực hiện việc tranh luận. Chủ thể tranh luận là Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Mục đích tranh luận là làm sáng tỏ các vấn đề có tội hay không có tội, ai là người thực hiện hành vi phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ,… Chủ tọa là người điều khiển phần tranh luận cho phép ai được phát biểu, ai không, phát biểu ở giới hạn nào, Hội đồng xét xử không tham gia tranh luận. Khi kiểm sát viên trình bày lời luận tội, Hội đồng xét xử phải chú ý lắng nghe, ghi chép để nắm bắt những điểm chính thể hiện quan điểm giải quyết vụ án của Viện kiểm sát, quan điểm đó dựa trên những tài liệu, chứng cứ nào. Hội đồng xét xử cũng phải lắng nghe lời trình bày ý kiến của những người tham gia tố tụng khác, phần nào họ đồng ý với luận tội của Kiểm sát viên, phần nào không đồng ý và nếu không đồng ý thì dựa trên

26

những lập luận nào, chứng cứ nào. Hoạt động tranh luận tại phiên tòa rất quan trọng, không phải ngẫu nhiên mà Nghị quyết 49/NQ-TW của Bộ Chính trị xác định phải nâng cao chất lượng tranh tụng tại tất cả phiên tòa xét xử, coi đây là khâu đột phá của cải cách tư pháp. Mô hình tố tụng hình sự của nước ta là mô hình tố tụng pha trộn giữa tố tụng thẩm vấn với tố tụng tranh tụng. Đây là mô hình tố tụng ưu việt nhất trong bốn loại mô hình tố tụng từ xưa đến nay trên thế giới (tố tụng tố cáo, tố tụng thẩm vấn, tố tụng tranh tụng, tố tụng pha trộn giữa thẩm vấn với tranh tụng), xuất hiện từ cuối thế kỷ thứ 18, đầu thế kỷ 19 tại Pháp. Nó kết hợp được các ưu điểm của hai mô hình tố tụng thẩm vấn và tranh tụng ra đời trước đó: nhà nước kiểm soát được tội phạm nhưng cũng đảm bảo được quyền lợi hợp pháp của nghi can. Ở nước ta, từ chủ trương của Đảng và Nhà nước đến các văn bản pháp luật cụ thể đều đã tạo một nền móng vững chắc cho việc đảm bảo chất lượng tranh tụng, một khi đã xác định Tòa án có vị trí trung tâm và xét xử là hoạt động trọng tâm trong cải cách tư pháp thì việc phải nâng chất hoạt động tranh tụng là một điều tất yếu, đó chính là sự kết hợp nâng chất đồng bộ cả Hội đồng xét xử, kiểm sát viên lẫn luật sư... Thực sự, tranh tụng tại phiên tòa có ảnh hưởng rất lớn đến việc ra quyết định, ra bản án nên Hội đồng xét xử cần nắm rõ những quy định về tranh luận để điều khiển việc tranh luận có hiệu quả, tránh trường hợp Hội đồng xét xử tranh luận với bị cáo và những người tham gia tố tụng khác như một số trường hợp xảy ra trong thực tiễn xét xử.

Khi nghị án, Hội đồng xét xử cần nghiêm túc tuân thủ những quy định về thủ tục nghị án, nội dung nghị án và việc biểu quyết. Chỉ Thẩm phán và Hội thẩm mới có quyền nghị án. Các thành viên của Hội đồng xét xử phải giải quyết tất cả các vấn đề của vụ án bằng cách biểu quyết theo đa số từng vấn đề một. Thẩm phán giải quyết sau cùng. Người có ý kiến thiểu số có quyền trình bày ý kiến của mình bằng văn bản và được đưa vào hồ sơ vụ án. Nếu có căn cứ xác định bị cáo không có tội thì Hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo không có tội. Khi nghị án chỉ được căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra

27

tại phiên tòa trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện ý kiến của Kiếm sát viên, bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa. Khi nghị án phải lập biên bản ghi lại các ý kiến đã thảo luận và quyết định của Hội đồng xét xử. Biên bản nghị án phải được tất cả các thành viên Hội đồng xét xử ký tại phòng nghị án trước khi tuyên án. Nghị án là giai đoạn mà tính độc lập và tuân theo pháp luật của Thẩm phán và Hội thẩm được biểu hiện một cách rõ ràng và tập trung nhất. Vì vậy, Thẩm phán và Hội thẩm cần phát huy những quyền năng của mình để giải quyết các vấn đề của vụ án một cách khách quan, chính xác trên cơ sở những quy định của pháp luật. Thẩm phán không được tác động đến quá trình tư duy của Hội thẩm khi họ thực hiện việc chứng minh tội phạm cũng như khi quyết định các vấn đề khác của vụ án. Hội thẩm cũng phải ý thức được việc phải độc lập và chỉ tuân theo pháp luật đã được quy định thành một nguyên tắc cơ bản.

- Sự tuân theo các văn bản pháp luật khác có liên quan:

+ Pháp luật dân sự: Khi giải quyết vụ án hình sự, cùng với việc quyết định vấn đề tội danh, mức hình phạt, xử lý vật chứng, Hội đồng xét xử còn phải giải quyết phần dân sự trong vụ án hình sự, chủ yếu là giải quyết việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Yêu cầu giải quyết những vấn đề trên đòi hỏi Hội đồng xét xử phải nắm rõ những quy định của các văn bản pháp luật dân sự về căn cứ bồi thường, mức bồi thường, nguyên tắc bồi thường. Các quyết định này phải dựa vào luật dân sự và các văn bản hướng dẫn trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc tự định đoạt của đương sự, không được phép quyết định theo cảm tính, chủ quan, dựa vào tình cảm cá nhân để ấn định mức bồi thường.

+ Pháp luật chuyên ngành khác: Hoạt động định tội danh là một hoạt động khá phức tạp đòi hỏi những người làm công tác xét xử phải có kiến thức tổng hợp về pháp luật chứ không đơn thuần là chỉ hiểu biết các quy định của luật hình sự. Một số tội danh không được mô tả trực tiếp tại điều luật của Bộ luật hình sự mà hành vi cụ thể được quy định tại các luật, văn bản pháp luật

28

chuyên ngành như nhiều tội trong chương "Các tội phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng", các tội xâm phạm liên quan đến những lĩnh vực cụ thể như y tế, xây dựng,… Muốn định tội danh đều phải nắm rõ các quy định của văn bản pháp luật chuyên ngành. Nếu không am hiểu phải trưng cầu ý kiến của chuyên gia về các lĩnh vực cụ thể.

Ngoài ra, Thẩm phán và Hội thẩm cũng phải nắm chắc các văn bản hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao, các thông tư liên ngành để giải quyết chính xác từng trường hợp cụ thể.

Một phần của tài liệu Nguyên tắc thẩm phán, Hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật (Trang 27)