Qua bảng số liệu ta thấy, hệ số thanh khoản của Ngân hàng là khá thấp. Nguyên nhân chính là do cho vay ngắn hạn của Ngân hàng luôn cao hơn tài sản thanh khoản của Ngân hàng. Với đặc điểm là Chi nhánh ngân hàng trực thuộc và cũng mới thành lập, Ngân hàng không chỉ cho vay bằng nguồn vốn tự có của mình, do đó tài sản thanh khoản của Ngân hàng chỉ là tiền mặt và có số dư thấp. Ngân hàng có thể giải quyết những phát sinh thanh khoản bằng nguồn vốn điều chuyển khá nhanh chóng. Hệ số thanh khoản của Ngân hàng thể hiện sự đánh đổi giữa lợi nhuận và rủi ro thanh khoản, do đó có thể thấy OCB Đồng Tháp hoạt động theo tiêu chí lợi nhuận. Điều đó tiềm ẩn nguy cơ rủi ro thanh khoản nếu tình trạng thiếu hụt thanh khoản xảy ra cho toàn hệthống Ngân hàng.
Hệ số thanh khoản năm 2008 của OCB Đồng Tháp là -0,72 lần, tức là tài sản hiện tại của Ngân hàng không đủ đáp ứng các khoản rút tiền của khách hàng nếu nhu cầu phát sinh đột ngột. Đến năm 2009, hệ số này lại thấp hơn nữa là do tài sản thanh khoản của Ngân hàng giảm, mặc khác cho vay ngắn hạn lại tăng lên. Và năm 2010, hệ số này lại tiếp tục giảm vì trong thời gian này ngân hàng đang thực hiện kế hoạch mở rộng hoạt động huy động vốn và tín dụng cho khách hàng. Tuy hệ số thanh khoản thấp nhưng cho đến hiện nay tình trạng thanh khoản mà cụ thể là khả năng chi trả của ngân hàng vẫn được đảm bảo tốt,.. Ngoài nguyên nhân nguồn tiền điều chuyển đã nói thì còn do đa số bộ phận tiền gửi được huy động tại OCB Đồng Tháp có thời hạn ổn định và các khoản tiền gửi không kỳ hạn được khách hàng lưu lại khá lâu. Do đó, các nhà quản trị Ngân hàng hoàn toàn có thể có kế hoạch tài trợ kịp thời nguồn thanh khoản đáp ứng nhu cầu rút tiền gửi này của khách hàng.