Pháp luật về quyền xác định lại giới tính

Một phần của tài liệu Quyền xác định lại giới tính theo pháp luật Việt Nam (Trang 42)

Tại Điều 50 của Hiến pháp năm 1992 có quy định: “Ở Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội được tôn

trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và pháp luật” [12].

Pháp luật Việt Nam luôn tôn trọng, bảo vệ quyền con người, những giá trị nhân thân của con người ngày một nâng cao, điều này được thể hiện qua các quy định của pháp luật khác nhau như: Luật Dân sự, Luật Lao động, Hôn nhân và gia đình…Trong đó, Bộ Luật Dân sự được xem là Bộ Luật gốc quy định khá chi tiết, đầy đủ và toàn diện về nhân thân của mỗi cá nhân, về các quan hệ giữa cá nhân với nhau trong xã hội. Đặc biệt những quy định mới trong lĩnh vực nhân thân của con người đã đánh dấu một bước phát triển vượt bậc của ngành luật Việt Nam, thể hiện sự tiến bộ, văn minh và hiện đại phản ánh và điều chỉnh được những mối quan hệ xã hội đang phát sinh trong giai đoạn hiện nay.

Quyền nhân thân được quy định tại Mục 2, Chương III phần thứ I “Những quy định chung” của Bộ Luật Dân sự chiếm một lượng lớn các quy định chung về cá nhân. Trong đó, Quyền xác định lại giới tính là một quyền mới và quan trọng đối với cá nhân lần đầu tiên được quy định tại Điều 36 trong Mục này của Bộ luật Dân sự: “Cá nhân có quyền được xác định lại giới tính.

Việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ về giới tính.

Việc xác định lại giới tính được thực hiện theo quy định của pháp luật” [13].

Trên cơ sở quy định tại Điều 36 Bộ luật Dân sự về quyền xác định lại giới tính, ngày 05/8/2008 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 88/2008/NĐ – CP hướng dẫn cụ thể về quyền xác định lại giới tính của cá nhân như các vấn đề:

- Đối tượng được quyền xác định lại giới tính cho cá nhân là: các cá nhân, tổ chức trong nước và các cá nhân và tổ chức nước ngoài tại Việt Nam,

- Nguyên tắc xác định lại giới tính: Bảo đảm cho mỗi người được sống theo đúng giới tính của mình; việc xác định lại giới tính phải được tiến hành trên nguyên tắc tự nguyện, khách quan, trung thực khoa học và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc đã xác định lại giới tính, giữ bí mật về các thông tin liên quan đến người xác định lại giới tính, trừ trường hợp có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu cung cấp hồ sơ phục vụ cho việc kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố và xét xử liên quan đến việc xác định lại giới tính.

- Quy định chi tiết về thủ tục, hồ sơ để tiến hành xác định lại giới tính

Nghị định quy định các điều kiện đối với cơ sở khám, chữa bệnh được phép can thiệp y tế để xác định lại giới tính. Để làm rõ hơn các quy định về điều kiện, thủ tục và hồ sơ để một cơ sở y tế có thể tiến hành xác định lại giới tính cho cá nhân. Ngày 24 tháng 5 năm 2010, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 29/2010/TT-BYT để hướng dẫn chi tiết hơn một số điều của Nghị định số 88/2008/NĐ-CP. Theo đó, các điều kiện để một cơ sở, khám chữa bệnh có thể can thiệp để xác định lại giới tính cho cá nhân bao gồm:

Thứ nhất, về cơ sở vật chất:

+ Phải là Bệnh viện đa khoa, chuyên khoa ngoại, sản, nhi của Nhà nước tuyến trung ương hoặc bệnh viện đa khoa, chuyên khoa hạng 1 tuyến tỉnh hoặc bệnh viện tư nhân có điều kiện tương đương;

+ Có phòng xét nghiệm di truyền tế bào và di truyền phân tử. Trường hợp cơ sở khám, chữa bệnh chưa có phòng xét nghiệm này thì phải có hợp đồng hỗ trợ xét nghiệm với cơ quan, tổ chức có phòng xét nghiệm di truyền tế bào và di truyền phân tử hợp pháp

+ Phòng (buồng) khám xác định lại giới tính được bố trí riêng biệt, kín đáo;

Thứ hai, về điều kiện trang thiết bị y tế: phải có bộ dụng cụ phẫu thuật phù hợp cho phẫu thuật tạo hình và phẫu thuật thẩm mỹ.

Thứ ba, điều kiện về Nhân sự:

+ Phải có ít nhất 01 bác sĩ chuyên khoa nội tiết, 01 bác sĩ chuyên khoa ngoại, các cán bộ này phải có trình độ sau đại học hoặc ít nhất 05 năm kinh nghiệm trong chuẩn đoán, điều trị những khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc giới tính chưa định hình chính xác;

+ Trường hợp cơ sở khám, chữa bệnh chưa có bác sĩ chuyên khoa nội tiết thì có thể ký hợp đồng với bác sĩ đáp ứng đủ điều kiện được quy định tại điểm a khoản này.

Quy định về các điều kiện khám, chữa bệnh, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nhân sự được nêu trong các văn bản trên đã tương đối đầy đủ và phù hợp về mặt pháp lý cũng như thực tiễn. Qua đó có thể thấy, các cơ sở y tế nào mới được phép và không được phép can thiệp để xác định lại giới tính cho cá nhân. Những người có kinh nghiệm, trình độ, bằng cấp như nào mới được khám và điều trị cho một người có khuyết tật giới tính, dị dạng giới tính. Điều này đã tạo hành lang pháp lý rõ ràng để cá nhân có khuyết tật về giới tính và cả các cơ sở y tế có điều kiện để khám và điều trị cho những người muốn tìm lại giới tính của mình.

- Thủ tục can thiệp của y tế để xác định lại giới tính cũng được quy định khá chi tiết: quy trình đầu tiên là khám lâm sàng, các bác sĩ sẽ khám về ngoại hình, tiếp đến là bộ phận sinh dục ngoài và trong, sau đó người bệnh được làm các bài trắc nghiệm về tâm lý giới tính. Tiếp theo là khám cận lâm sàng, tùy theo từng trường hợp cụ thể các cán bộ chuyên môn có thể chỉ định các phương pháp khám cận lâm sàng như: Siêu âm, nội soi, chụp X quang,

chụp cộng hưởng từ, xét nghiệm nội tiết tố, xét nghiệm nhiễm sắc thể giới tính, sinh thiết xác định lại tuyến sinh dục là tinh hoàn hay buồng trứng. Sau khi có kết luận lâm sàng và cận lâm sàng, cơ sở khám, chữa bệnh phải tổ chức hội chẩn với sự tham gia của các cán bộ chuyên môn để có chỉ định phù hợp trong việc điều trị xác định lại giới tính. Sau khi làm các thủ tục để xem xét tình hình biểu hiện giới và trên cơ sở đề nghị của người xác định lại giới tính, cơ sở khám, chữa bệnh sẽ lựa chọn giới tính để có phương pháp điều trị thích hợp, bảo đảm nguyên tắc khi ở giới tính đó, người được xác định lại giới tính có thể hòa nhập cuộc sống về tâm, sinh lý và xã hội một cách tốt nhất. Ngoài ra, Thông tư 29 còn quy định cụ thể các quy trình về thẩm định và cho phép các cơ sở khám chữa bệnh được phép can thiệp y tế để xác định lại giới tính cho cá nhân.

Như vậy, về cơ bản các quy định của pháp luật về việc xác định lại giới tính của cá nhân là khá đầy đủ và toàn diện, tạo hành lang pháp lý cho phép cá nhân và cơ sở ý tế được phép tiến hành xác định lại giới tính. Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp đều được pháp luật cho phép xác định lại giới tính, hiện nay, pháp luật mới chỉ dừng lại ở việc cho phép một số trường hợp được xác định lại giới tính của mình. Vậy, để một người có khuyết tật về giới tính được xác định lại giới tính thì cần những điều kiện gì?

Một phần của tài liệu Quyền xác định lại giới tính theo pháp luật Việt Nam (Trang 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)