- Thứ nhất, về mặt lý luận:
Như đã phân tích, quyền nhân thân nằm trong quyền dân sự, là một phần của quyền công dân, quyền con người. Việc quy định quyền nhân thân của cá nhân trong Bộ luật Dân sự và các văn bản pháp luật khác của nước ta thể hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước luôn tôn trọng, bảo vệ quyền tự do của mỗi cá nhân. Tôn trọng quyền con người, quyền công dân, thể hiện tính nhân văn, nhân đạo và mang đậm dấu ấn của bản sắc dân tộc, đạo đức con người. Một mặt thể hiện sự tiến bộ, theo kịp thời đại của các nhà làm luật.
- Thứ hai, về mặt thực tiễn: Mục đích và tôn chỉ của Đảng và Nhà nước là mong muốn đưa đất nước đi lên con đường xã hội chủ nghĩa. Chúng ta đang phấn đấu từng ngày, từng giờ để có được một nền dân chủ thực sự, một nhà nước do dân, vì dân. Vậy thì việc tôn trọng và bảo vệ những giá trị con người, nhân thân của cá nhân là điều không thể bỏ qua. Một Đất nước càng văn minh, tiến bộ thì giá trị con người càng cần được tôn trọng và nâng lên. Chúng ta không thể chạy theo thời thế, đua tranh để có một nền kinh tế phát triển, một xã hội với đầy đủ tiện nghi, hiện đại nhưng giá trị, nhân phẩm của con người thì bị coi thường, xuống cấp. Đấy không phải là một xã hội tiến bộ, văn minh mà thực chất xã hội đó đang bị đi xuống. Xét đến cùng thì tất cả mọi cố gắng về kinh tế cũng nhằm phục vụ con người, đáp ứng nhu cầu, mục đích của con người, lợi ích về mặt tinh thần và vật chất. Vì vậy, cần phải quy định cụ thể, đầy đủ hơn về các quyền liên quan đến nhân thân của cá nhân trong xã hội.
Sự thay đổi về kinh tế, dẫn đến thay đổi về chính trị, cơ sở hạ tầng quyết định đến kiến trúc thượng tầng, quan điểm của Chủ nghĩa Mác – Lê Nin về vấn đề này đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Nhìn vào quá trình phát triển của đất nước và quá trình lập pháp của chúng ta có thể chứng minh được nhận định trên. Kinh tế càng phát triển, thì hệ thống luật pháp ngày càng được đầy đủ, đồng bộ và tiến bộ hơn. Một loạt các văn bản pháp luật mới ra đời điều chỉnh các lĩnh vực của đời sống xã hội, quyền công dân ngày một được mở rộng, nâng cao. Các quyền gắn với cá nhân như quyền sở hữu tài sản, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận và đặc biệt là quyền nhân thân được pháp luật ghi nhận một cách đầy đủ hơn, tiến bộ hơn. Việc quy định các quyền năng này của cá nhân, giúp họ được sống đúng với mình hơn, hạn chế những tiêu cực dẫn đến hậu quả đáng tiếc như sống buông thả, bất cần, trở thành tội phạm, thậm chí có trường hợp là tự tử để giải thoát mình đối với những người không tìm lại được giới tính thật của mình. Đặc biệt đối với các quyền mới như: quyền hiến các bộ phận cơ thể; quyền hiến xác, bộ phận sau khi chết; quyền nhận bộ phận cơ thể, quyền xác định lại giới tính là những quyền mới, thể hiện sự nhân đạo của pháp luật Việt Nam. Nó khuyến khích những người có tấm lòng nhân ái để trước khi chết họ vẫn làm được việc thiện như hiến bộ phận cơ thể mình cho những người còn sống, thể hiện tinh thần tương thân tương ái của con người Việt Nam, mặt khác thể hiện lòng nhân đạo đối với những người khuyết tật, thiệt thòi không có đủ điều kiện về kinh tế để thay các bộ phận cơ thể khi chúng không còn khả năng hoạt động nữa.
Việc quy định các quyền mới thuộc về nhân thân của cá nhân trong thời gian qua thực sự đã đem lại rất nhiều lợi ích cho xã hội. Có ý nghĩa lớn lao trong việc tuyên truyền giáo dục cho thanh thiếu niên sống tốt hơn, có lý tưởng hơn, mở rộng và khuyến khích lòng nhân ái của con người trong việc chia xẻ, đồng cảm với đồng bào, với những người khuyết tật. Và hơn hết là
tạo một tâm lý ổn định, tin tưởng vào chế độ của chúng ta, tin tưởng vào con đường của Đảng và Nhà nước đã chọn là đi lên xây dựng xã hội chủ nghĩa. Một đất nước Việt Nam trong tương lai giàu mạnh, tiến bộ, dân chủ và văn minh.