Một số giải pháp khác

Một phần của tài liệu Nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn TX Cửa Lò - Nghệ An (Trang 76)

Tiếp tục tăng cường xây dựng và tu bổ các công trình thuỷ lợi: Các công trình thuỷ lợi của Thị Xã Cửa Lò đa số đã cung cấp đủ nước tưới tiêu toàn bộ diện tích đất canh tác, nhưng vẫn còn một phần không lớn diện tích đất canh tác ở đây còn phụ thuộc vào nguồn nước mưa tự nhiên. Do đó cần mở rộng hệ thống kênh mương dẫn tới từng cánh đồng và thường xuyên tu bổ lòng ngòi giữ và thoát nước để đảm bảo tưới tiêu cho toàn bộ diện tích đất canh tác.

Nâng cao trình độ dân trí, đào tạo cán bộ cho địa phương: Nâng cao trình độ dân trí để nhanh chóng đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất - đây được coi là khâu then chốt trong sản xuất nông nghiệp.

Cần đào tạo đội ngũ cán bộ nông nghiệp là người địa phương, gắn bó với địa phương, đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất để nâng cao năng suất cây trồng, tăng thu nhập cho các hộ nông dân góp phần làm cho đời sống của người dân ngày càng đi lên.

Thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà nước về các chính sách, pháp luật về đất đai: Hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, quản lý chặt chẽ trong việc chuyển mục đích sử dụng đất, đảm bảo ổn định quỹ đất trồng cây hàng năm đặc biệt là cây lúa. Đồng thời có chính sách khuyến khích khai thác đất mặt nước chưa sử dụng vào thành đất canh tác sản xuất một vụ trong nông nghiệp.

Đất đai là tài nguyên có hạn nhưng khả năng sinh lời của nó thì rất cao và là yếu tố không thể thiếu trong sự nghiệp phát triển của đất nước. Do vậy, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn tài nguyên quý giá này, có vai trò rất lớn tới nền kinh tế đất nước trong tương lai và đảm bảo cho mục tiêu ổn định chính trị và phát triển kinh tế xã hội.

Đẩy mạnh tín dụng vay vốn và hướng dẫn cách sử dụng vốn: Qua điều tra chúng tôi thấy các hộ nông dân rất thiếu vốn sản xuất, chỉ đủ ăn hoặc có hộ dư nhưng không đáng kể. Vì vậy, để tạo vốn các hộ cần phải phát huy sức mạnh tổng hợp của các thành phần kinh tế hiện có của gia đình của vùng nhằm tạo điều kiện vay thêm vốn phát triển sản xuất. Đảng và Nhà nước cũng như lãnh đạo địa phương cần có những chính sách ưu đãi, tạo điều kiện cho các hộ nông dân vay vốn dưới nhiều hình thức không lãi hoặc lãi suất thấp, dài hạn theo hướng tín chấp. Đặc biệt là các hộ nghèo cần được hỗ trợ, cấp vốn để đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Hiện nay các nông hộ làm kinh tế vườn của thị xã thiếu vốn và rất cần vốn vay để quy hoạch lại vườn quả, trồng mới, thâm canh và mở rộng quy mô vườn. Thực tế nông hộ được vay vốn so với nhu cầu cần vay vốn của các hộ chiếm tỷ lệ thấp lại tập trung vào các hộ có điều kiện kinh tế hơn là các hộ kinh tế còn thiếu, ở vùng sâu vùng xa và khả năng tiếp cận mức vốn được vay hạn chế. Do vậy, cần có chính sách và giải pháp về vốn cho nông hộ như: Thu hút vốn đầu tư của Nhà nước thông qua các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, chương trình 135, chương trình 661. Khuyến khích mở rộng các hình thức tương trợ, tự nguyện giúp nhau trong sản xuất ở trong dân: Hội Cựu chiến binh, Hội làm vườn, Nhóm phụ nữ tiết kiệm. Tăng cường cho các nông hộ vay vốn trung và dài hạn, lượng vốn vay phải đáp ứng được yêu cầu đầu tư của hộ tuỳ thuộc vào từng mô hình vườn. Ngoài ra để sử dụng đồng vốn đúng mục đích có hiệu quả cao thì cần phải hướng dẫn cho người nông dân quản lý và sử dụng vốn trong phát triển kinh tế một cách tối ưu.

Một phần của tài liệu Nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn TX Cửa Lò - Nghệ An (Trang 76)