Bản chất của kỹ thuật hay công nghệ áp dụng vào nông nghiệp có ảnh hưởng rất lớn đến năng suất đất đai và hiệu quả kinh tế. Như chúng ta đã biết, đổi mới công nghệ trong nông nghiệp có thể hướng vào việc tiết kiệm các nguồn lực, phát triển các công nghệ đòi hỏi mức đầu tư thấp, ít sử dụng chất hóa học trong sản xuất nông nghiệp, phát huy kiến thức cổ truyền của nông dân và thực hiện mục tiêu đa dạng sinh học. Hiệu quả sử dụng các nguồn lực trong nông nghiệp nói chung và hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp nói riêng phụ thuộc nhiều vào công nghệ áp dụng trong sản xuất. Có khi cùng chủng loại và số lượng đầu vào nhưng đổi mới cách thức, kỹ năng sử dụng cũng có thể dẫn đến sự thay đổi lớn trong kết quả cũng như hiệu quả kinh tế.
Biện pháp kỹ thuật canh tác cũng có ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh tế trong sử dụng đất nông nghiệp. Biện pháp kỹ thuật canh tác là các tác động của con người vào đất đai, cây trồng, vật nuôi nhằm tạo nên sự hài hoà giữa các yếu tố của quá trình sản xuất để hình thành, phân bổ và tích luỹ năng suất kinh tế. Theo Đường Hồng Dật, biện pháp kỹ thuật canh tác là những tác động thể hiện sự hiểu biết sâu sắc của con người về đối tượng sản xuất, về thời tiết, về điều kiện môi trường, thể hiện những dự báo thông minh và sắc sảo, sự lựa chọn các tác động kỹ thuật, lựa chọn chủng loại cũng như cách sử dụng đầu vào phù hợp với các quy luật tự nhiên của sinh vật nhằm đạt mục tiêu đề ra.
Theo một số nhà nghiên cứu về đất đai, ở các nước phát triển, khi có tác động tích cực của kỹ thuật, giống mới, thuỷ lợi, phân bón tới hiệu quả thì yêu cầu đối với tổ chức sử dụng đất cũng được đặt ra. Thực tế cũng cho thấy, ứng dụng công nghệ sản xuất tiến bộ là một đảm bảo vật chất cho kinh tế nông nghiệp tăng trưởng nhanh. Cho đến giữa thế kỷ XXI, trong nông nghiệp Việt Nam, quy trình kỹ thuật có thể góp phần đến 30% của năng suất kinh tế. Như vậy, nhóm các biện pháp kỹ thuật đặc biệt có ý nghĩa quan trọng trong quá trình khai thác đất theo chiều sâu và nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp.