Tổng quan tình hình nghiên cứu

Một phần của tài liệu Nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn TX Cửa Lò - Nghệ An (Trang 28)

Trong những năm qua chúng ta đã quan tâm giải quyết tốt các vấn đề về kỹ thuật và kinh tế, tổ chức trong sử dụng đất nông nghiệp, việc nghiên cứu và ứng dụng được tập trung vào các vấn đề như: lai tạo các giống cây trồng mới ngắn ngày có năng suất cao, bố trí luân canh cây trồng phù hợp với từng loại đất, thực hiện thâm canh trên cơ sở ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Hà Học Ngô và các cộng sự (1999) đã tiến hành nghiên cứu đánh giá tiềm năng đất đai và đề xuất hướng sử dụng đất nông nghiệp tại huyện Châu Giang, Hưng Yên. Kết quả nghiên cứu cho thấy, vùng này có thể phát triển các loại hình sử dụng đất cho đạt hiệu quả như lúa - màu, lúa - cá, chuyên rau màu hoa cây cảnh và cây ăn quả (CAQ). Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, một trong những nguyên nhân làm cho sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá chưa được khai thác triệt để là do chưa xác định được hướng sử dụng lợi thế đất nông nghiệp, đồng thời chưa xây dựng được các

mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả kinh tế cao .

Đỗ Thị Tám (2001) tiến hành nghiên cứu đánh giá hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Kết quả nghiên cứu cho thấy, một số LUT điển hình không cho hiệu quả kinh tế cao, dễ áp dụng mà còn tạo được nhiều việc làm có giá trị ngày công lao động cao như: LUT cây ăn quả, LUT lúa – cá, LUT chuyên màu. Có thể nhận thấy rằng các nghiên cứu sâu về đất và sử dụng đất trên đây là những cơ sở cần thiết và có ý nghĩa quan trọng cho các định hướng sử dụng và bảo vệ đất.

Đinh Duy Khánh, Đoàn Công Quỳ (2006) đã sử dụng hệ thống chỉ tiêu như: giá trị sản xuất, giá trị gia tăng, chi phí trung gian, giá trị sản xuất/lao động, giá trị gia tăng/lao động để đánh giá hiệu quả kinh tế sử dụng đất canh tác ở huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình”.

Trần Đình Thao (2006) đã tiến hành đánh giá hiệu quả kinh tế sản xuất ngô hè thu tại Sơn La. Nghiên cứu sử dụng mô hình hàm sản xuất Cobb-Douglas phản ánh năng suất tối đa để đánh giá hiệu quả kỹ thuật và tính toán mức kỹ thuật giao động từ 50% đến 90%, mức bình quân là 82,08%. Nghiên cứu kết luận: trình độ giáo dục của chủ hộ, số lần tham gia tập huấn của chủ hộ về kỹ thuật canh tác ngô, cơ hội tiếp cận các dịch vụ khuyến nông, các biện pháp chống xói mòn đất và chất lượng ngô giống có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả kỹ thuật của hộ nông dân trồng ngô.

Nguyễn Văn Hoàn (2007) đã sử dụng các chỉ tiêu như: tổng giá trị sản phẩm, thu nhập thuần để đánh giá hiệu quả sử dụng đất và hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với đất đai của vùng núi tỉnh Bắc Giang. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tại vùng núi Bắc Giang: trên đất vàn thấp nơi thoát nước kém và hay có nguy cơ ngập úng vào mùa mưa chỉ sản xuất được 1 vụ lúa thì có thể áp dụng mô hình canh tác mới là: lúa - cá, hoặc chuyển hoàn toàn sang nuôi cá. Ở những vùng đất vàn tưới tiêu chủ động chế độ canh tác ba hay bốn vụ đã đem lại thu nhập cao từ loại hình trồng lúa kết hợp với cây trồng cạn với các công thức luân canh cải tiến. Trên chân đất vàn cao nơi tưới tiêu không chủ động, loại hình trồng lúa kết hợp với cây trồng cạn vẫn được áp dụng, nhưng công thức luân canh mới có hiệu quả cao nhất là: Lúa xuân - đậu tương hè - khoai tây. Trên địa hình đồi thấp có thể chuyển đổi từ trồng thuần cây sắn sang trồng xen cây lạc trong nương sắn để không ảnh hưởng đến đất và thu nhập cũng cao hơn. Trên địa hình đồi cao có thể chuyển một số diện tích trồng các cây lâm nghiệp như địa

phương thường làm sang trồng cây vải và xen cây dứa trong vườn vải ở giai đoạn đầu khi cây vải chưa khép tán để nâng cao hiệu quả kinh tế.

Trương Văn Tuấn (2007) sử dụng phương pháp đánh giá nông thôn có sự tham gia của người dân (PRA) và các phương pháp xác định lượng đất bị xói mòn, rửa trôi để đánh giá hiệu quả của một số biện pháp canh tác trên đất dốc của các cộng đồng trên địa bàn huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tuy trong thực tế, các cộng đồng đã áp dụng nhiều biện pháp để bảo vệ đất dốc nhưng hiệu quả của các biện pháp này như thế nào thì chưa có nghiên cứu nào xác định cụ thể. Do đó, tác giả tiến hành nghiên cứu, đánh giá các biện pháp canh tác trên dất dốc đang được sử dụng, từ đó đề xuất các giải pháp giúp bảo vệ, phục hồi đất dốc nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp trên dất dốc tại địa bàn. Quá trình tìm hiểu và nghiên cứu đã xác định được biện pháp canh tác xen canh cho hiệu quả cao nhất (cả hiệu quả kinh tế và hiệu quả môi trường). Kết quả bố trí thí nghiệm cho thấy LUT điều xen sắn có hiệu quả cao hơn các LUT khác trong hạn chế xói mòn rửa trôi. Quá trình nghiên cứu chỉ dừng lại ở việc đánh giá các biện pháp canh tác trên địa bàn, vì vậy cần có những nghiên cứu về các biện pháp canh tác mới có hiệu quả hơn nhằm phát triển một nền sản xuất nông nghiệp bền vững.

Nguyễn Văn Toàn, Nguyễn Ngọc Châu (2008) sử dụng một số chỉ tiêu như diện tích, năng suất cây trồng, hệ số sử dụng ruộng đất để đánh giá hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp tại huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2005 - 2007. Kết quả nghiên cứu cho thấy tình hình quản lý đất đai của địa phương ngày càng chặt chẽ hơn, hiệu quả sử dụng đất cao hơn thể hiện ở diện tích, năng suất của hầu hết cây trồng gia tăng đặc biệt là lúa, ngô và các cây trồng hàng hoá như rau, sắn. Hệ số sử dụng ruộng đất đều tăng nhanh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy tại A Lưới việc cấp thẻ giao đất cho các hộ dân vẫn còn rất hạn chế; cơ cấu cây trồng vẫn nặng về sản xuất tự cấp, tự túc, chưa phát triển mạnh sản xuất hàng hoá; năng suất cây trồng vẫn chưa ổn định;… Từ kết quả nghiên cứu, một số giải pháp phù hợp với địa phương cũng đã được đề xuất.

Phạm Văn Dư (2009) đã nghiên cứu và đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng. Theo kết quả nghiên cứu, tính đến năm 2006, đồng bằng Sông Hồng có diện tích xấp xỉ 15.000 km2, trong đó diện tích đất nông nghiệp là 855 ngàn hecta, bằng 57% tổng diện tích. Tổng dân số là 17,6 triệu người, trong đó 13,4 triệu là dân số nông nghiệp và nông thôn. Tuy nhiên,

trong những năm qua, do các thửa ruộng manh mún, cách làm ăn cá thể, nhỏ lẻ đã đẩy chi phí sản xuất lên rất cao, thậm chí bằng với giá bán. Trung bình mỗi hộ chỉ có 0,2 hecta đất nông nghiệp với từ 3-7 mảnh. Theo kết quả điều tra năm 2006, bình quân thu nhập của nông dân chỉ là 506 nghìn đồng/tháng. Một trong những nguyên nhân cơ bản là quy mô đất đai của các nông hộ hiện nay quá nhỏ và manh mún đã ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp, không áp dụng được cơ giới hoá đồng bộ, không áp dụng được nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật, giảm chi phí. Để khắc phục tình trạng này, đã có nhiều giải pháp đưa ra nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất như dồn điển đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tích tụ ruộng đất. Mỗi giải pháp đều gặp nhiều khó khăn và có mặt trái của nó, như năng suất, điều kiện tự nhiên giữa các đồng đất không đều, đầu ra sản phẩm không ổn định, hậu quả xã hội khi nông dân mất ruộng, … Nghiên cứu này đề nghị giải pháp xây dựng Tổ hợp tác xã sản xuất nông nghiệp trên cơ sở tự nguyện của các hộ, bỏ bờ thửa, cùng canh tác, đưa máy móc thiết bị vào sản xuất đã giảm được đến 50% chi phí, được bà con nông dân đồng tình hưởng ứng.

Nguyễn Duy Tính (1995), có 3 yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp là: năng suất cây trồng, hệ số quay vòng đất và thị trường cung cấp đầu vào và tiêu thụ đầu ra.

Nghiên cứu của của Đinh Phi Hổ và đồng nghiệp (2012) đã xây dựng mô hình về các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng đất tại Đồng Bằng Sông Cửu Long. Hiệu quả sử dụng đất trong nghiên cứu này được xác định dựa vào tỷ suất lợi nhuận/ha. Các biến số chính trong mô hình nghiên cứu bao gồm: chi phí sản xuất, diện tích đất đai, kiến thức nông nghiệp của nông hộ và có hay không việc tham gia tập huấn khuyến nông. Kết quả nghiên cứu cho thấy, qui mô diện tích sản xuất, kiến thức nông nghiệp và tham gia tập huấn khuyến nông đều có ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng đất của hộ gia đình tại khu vực này.

Theo Bùi Nữ Hoàng Anh (2013) đã nghiên cứu và đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế trong sử dụng đất nông nghiệp tại Yên Bái. Luận án là nghiên cứu đầu tiên về hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp tại tỉnh Miền núi Yên Bái có sự kết hợp các phương pháp nghiên cứu truyền thống với phương pháp nghiên cứu hiện đại, phương pháp nghiên cứu định tính kết hợp với phương pháp định lượng. Luận án đã luận giải nguyên nhân của thực trạng sử dụng đất nông nghiệp, đã xây dựng được mô hình hiệu ứng cố định (FEM) để phân tich các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế

trong sử dụng đất nông nghiệp đề xuất được một hệ thống các giải pháp khá toàn diện nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trong sử dụng đất nông nghiệp tại một tỉnh miền núi trong bối cảnh nền nông nghệp đang phải đối mặt với nhiều thách thức.

* Đánh giá chung về các công trình nghiên cứu liên quan

Nhìn chung, các nghiên cứu cho thấy có khá nhiều nhân tố tác động đến hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, bao gồm cả nhân tố tự nhiên và xã hội, nhân tố chủ quan và khách quan, nhân tố tác động tích cực và tiêu cực. Bên cạnh đó, các phương pháp để nghiên cứu về hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp rất đa dạng, từ đơn giản đến phức tạp, từ phương pháp truyền thống đến hiện đại. Mỗi phương pháp có những ưu điểm và hạn chế riêng. Tùy theo điều kiện nghiên cứu ở từng địa bàn khác nhau có thể lựa chọn áp dụng những phương pháp phù hợp. Những tiêu chí đánh giá hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp chủ yếu thường được sử dụng, như: năng suất bình quân, năng suất tính cho một đơn vị diện tích, năng suất lao động hay chỉ tiêu lợi nhuận….

Ngoài ra, để đánh giá tác động của các nhân tố các nghiên cứu có thể sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để ước lượng, như: phương pháp phân tích đường bao (biên), phương pháp hồi qui …

Một khía cạnh khác, đó là các nghiên cứu tùy vào đặc điểm của địa bàn nghiên cứu mà mô hình xây dựng để xác định các yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng đất là khác nhau, từ các đặc điểm nhân khẩu học của nông hộ đến các đặc điểm sản xuất và đặc điểm xã hội hay là sự kết hợp giữa phân tích định lượng và định tính, đồng thời đề cập một cách toàn diện tới tác động của tất cả các nhân tố kể trên.

Một phần của tài liệu Nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn TX Cửa Lò - Nghệ An (Trang 28)