Định hướng thu chi NSNN ở Việt Nam thời gian tới

Một phần của tài liệu Bội chi Ngân sách Nhà nước ở Việt Nam giai đoạn 2006 – 2010 _ Thực trạng và giải pháp (Trang 54)

Dự thảo văn kiện Đại hội XI đã đưa ra 2 mục tiêu lớn cho nhiệm vụ thu chi NSNN ở Việt Nam giai đoạn 5 năm tiếp theo 2011 – 2015:

Thứ nhất: Giảm tỷ lệ thu ngân sách so với GDP xuống còn 22 – 23%/năm (giai đoạn vừa qua tỷ lệ này đều ở mức trên dưới 28%). Tỷ lệ thu ngân sách so với GDP giảm do nhiều nguyên nhân như:

(1) Trong cơ cấu thu ngân sách có một số khoản không trực tiếp phản ánh hiệu quả sản xuất kinh doanh và thời gian tới sẽ không còn chiếm tỷ trọng cao như cũ nữa như: (1.1) nguồn thu chiếm khoản trên dưới 20% tổng thu ngân sách là thu từ hải quan sẽ giảm nhanh khi Việt Nam thực hiện cam kết song và đa phương khi gia nhập WTO; hay (1.2) khoản thu từ dầu thô chiếm khoảng 25% tổng thu ngân sách cũng sẽ giảm do nguồn này không phải là vô tận, do chủ trương tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên của đất nước và giảm dần tỷ trọng xuất khẩu nhiên liệu thô; (1.3) một khoản thu khác chiếm tỷ trọng không nhỏ là thu từ nhà đất (thuộc khoản thu nội địa và chiếm khoảng 7% tổng thu) sẽ không còn thật lớn khi nguồn đất thu hồi là hữu hạn, khi phải trừ đi chi phí đền bù giải phóng mặt bằng để xây dựng các công trình công cộng.

(2) Thực hiện chủ trương khoan thư sức dân trong lĩnh vực (2.1) nông nghiệp: thể hiện qua miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp do diện tích đất nông nghiệp bình quân đầu người tiếp tục có xu hướng giảm dần trong quá trình công nghiệp hóa đất nước và do cần có thời gian để đánh giá chính xác và đầy đủ hơn đối với lãi lỗ của nghề nông, thực hiện tốt hơn chính sách tam nông bởi trong lịch sử thì nông nghiệp, nông dân và nông thôn đã có những đóng góp lớn đối với đất nước (nhất là khi rơi vào khủng hoảng kinh tế - xã hội những năm 70 hay chịu tác động bất ổn từ bên ngoài như sự sụp đổ của Liên Xô cũ những năm 90, cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ Châu Á năm 1997) nhưng cho đến nay vẫn trong tình trạng “lấy công làm lãi”, việc tiếp cận với kinh tế thị trường chưa nhiều, tiếp cận nguồn vốn gặp khó khăn, tỷ trọng đầu tư thấp, tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn…; và (2.2) khoan thư sức cho doanh nghiệp do thực tế vừa qua cho thấy khi cuộc khủng hoảng trên thế giới cộng hưởng với các yếu tố trong nước đã đã làm cho kinh tế Việt Nam bị suy giảm, rơi xuống đáy vào quý I năm 2009 khiến Chính phủ phải thực hiện giảm và cấp bù lãi suất nên tăng trưởng kinh tế đã thoát đáy vượt dốc đi lên và đang trên đường tiến tới hồi phục nhưng chỉ ngay khi dừng cấp bù, lãi suất vay cao lên, tỷ giá VNĐ/ngoại tệ tăng, làm cho chi phí đẩy tăng, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh không cao, thậm chí còn bị giảm. Vì thế việc giảm tỷ lệ thu ngân sách so với GDP cũng sẽ có tác động khoản thư sức cho doanh nghiệp – theo nghĩa rộng cũng là khoan thư sức dân.

(3) Cần nuôi dưỡng nguồn thu GDP bởi nó là tiền đề cơ bản cho việc động viên GDP vào NSNN. Thu ngân sách sẽ khó đạt cao khi hiệu quả của toàn bộ nền kinh tế không cao; ngược lại nếu thu ngân sách đạt cao đến mức mà doanh nghiệp và người nông dân không còn hoặc còn quá ít lợi nhuận (sau thuế) để tích lũy, đầu tư tái sản xuất mở rộng với quy mô cao hơn, với lợi nhuận cao hơn thì cũng chẳng có nguồn để ngân sách thu hoặc nguồn không tăng để ngân sách tăng thu. Mặc dù tỷ lệ động viên tài chính giảm, nhưng nếu quy mô nguồn cao hơn thì quy mô

tuyệt đối của việc động viên tài chính vẫn tăng lên, đó là nguyên tắc chiến lược để đạt được tăng thu trong tương lai xa hơn.

Thứ hai: Giảm tỷ lệ bội chi NSNN năm 2011 xuống còn 5,3%, việc huy động Trái phiếu Chính phủ giảm còn non một nửa so với 2010 và tiến tới đưa tỷ lệ bội chi NSNN xuống mức thấp hơn trong cả giai đoạn 2011 – 2015. Cân đối thu chi ngân sách là một trong những cân đối vĩ mô có tầm quan trọng hàng đầu bởi bội chi ngân sách là yếu tố tiềm ẩn của lạm phát, là yếu tố làm tăng tỷ lệ nợ công, nợ chính phủ, nợ quốc gia, tác động xấu đến chất lượng tăng trưởng và phát triển bền vững. Muốn giảm bội chi cần phải tăng thu và giảm chi.

Về tăng thu, với chủ trương giảm tỷ lệ thu ngân sách so với GDP nên chỉ còn hai hướng phải giả quyết. Một là phải tăng quy mô GDP, nhưng không phải bằng cách chạy theo tốc độ tăng với bất cứ giá nào, mà phải bằng nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh, trên cơ sở tăng hiệu quả đầu tư, nâng cao năng suất lao động để tăng quy mô và tỷ suất lợi nhuận trước thuế. Hai là phải làm tốt công tác hành thu, chống thất thu do các hành vi buôn lậu, trốn thuế, gian lận thương mại, gian lận trong việc hoàn thuế, chuyển giá.

Về giảm chi, một mặt phải chống lãng phí, thất thoát ngân sách trong quá trình chi ngân sách cho đầu tư, chi tiêu thường xuyên; mặt khác phải rà soát cơ cấu chi, chuyển bớt việc chi đầu tư cho các doanh nghiệp, nếu đó là chi sản xuất kinh doanh, hoặc chuyển bớt cho các thành phần kinh tế khác theo chủ trường xã hội hóa. Chi thường xuyên có thể giảm về tổng quy mô, nhưng mức bình quân một công chức viên chức vẫn có thể cao, nếu giảm được biên chế hành chính sự nghiệp trên cơ sở xác định được chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước trong nền kinh tế.

Một phần của tài liệu Bội chi Ngân sách Nhà nước ở Việt Nam giai đoạn 2006 – 2010 _ Thực trạng và giải pháp (Trang 54)