Cải cách bộ máy nhà nước

Một phần của tài liệu Cải cách hành chính trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài ở Việt Nam (Trang 74)

- Chính phủ, các bộ, Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện vai trò chức

3.2.2. Cải cách bộ máy nhà nước

Bước vào nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong một thế giới đang toàn cầu hóa, quan hệ giữa Nhà nước và thị trường, giữa Nhà nước và xã hội, giữa Nhà nước trung ương và địa phương cần có nhiều thay đổi theo hướng cái gì thị trường có thể làm được và làm tốt hơn, cái gì xã hội có thể lo được và lo tốt hơn, cái gì Nhà nước địa phương có thể làm được và làm tốt hơn thì nên để dành cho thị trường, xã hội, địa phương chia sẻ với Nhà nước, do đó mà chức năng của Nhà nước và Chính phủ đương nhiên phải giảm đi đáng kể. Tuy nhiên, chức năng có hạn chế và giảm bớt, song trong giai đoạn trước mắt vai trò Nhà nước lại phải tăng cường hơn trong nhiệm vụ hình thành các loại thị trường và kiến tạo các điều kiện để cơ chế thị trường có thể vận hành và phát huy hiệu quả, đồng thời, vai trò phục vụ phúc lợi của nhân dân theo định hướng xã hội chủ nghĩa phải ngày càng được nhấn mạnh hơn. Như vậy, chức năng có thể thu hẹp nhưng nhiệm vụ Nhà nước và Chính

phủ chắc chắn không thể giảm thấp. Theo đó, bộ máy của Chính phủ có thể điều chỉnh theo hướng như sau:

- Xác định lại chức năng của Nhà nước và Chính phủ. Trong đó, cần tập trung vấn đề phân cấp quản lý, đổi mới cơ chế và phương thức hoạt động hành chính, hiện đại hóa công việc hành chính bằng kỹ thuật hiện đại như Chính phủ điện tử và nhất là động viên sự tham gia rộng rãi của nhân dân vào việc hoạch định chính sách của Nhà nước và giám sát việc thực hiện. Từ đó, tạo điều kiện để thị trường được kiến tạo và vận hành lành mạnh, hiệu quả. Bảo đảm an ninh chính trị và an toàn đời sống, thi hành luật pháp công bằng; bảo đảm sự đóng góp công bằng trong nghĩa vụ đóng thuế cho Nhà nước.

- Thực hiện tốt việc phân cấp quản lý nhà nước đối với đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong việc phê duyệt, cấp Giấy chứng nhận đầu tư, quản lý tốt các dự án đầu tư nước ngoài, gắn với việc tăng cường hợp tác, hỗ trợ, phối hợp hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật về đầu tư trên các lĩnh vực chủ yếu nhất: quản lý quy hoạch, kế hoạch, đầu tư phát triển; Ngân sách Nhà nước; đất đai, tài nguyên; Doanh nghiệp nhà nước; hoạt động sự nghiệp, dịch vụ công; tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức. Trên cơ sở phân định rõ, cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của mỗi cấp trong bộ máy chính quyền nhà nước, bảo đảm sự quản lý tập trung, thống nhất và thông suốt của Chính phủ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước phục vụ tốt hơn nhu cầu và lợi ích của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương. Trong đó, đảm bảo:

Thứ nhất, quyền lực nhà nước là thống nhất, bảo đảm quản lý thống nhất của Chính phủ về thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, thanh tra, kiểm tra; đồng thời phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền cấp tỉnh trong việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, tuân thủ nguyên tắc kết hợp chặt chẽ giữa quản lý theo ngành với quản lý theo lãnh thổ, phân định rõ những nhiệm vụ quản lý nhà nước của bộ, ngành với nhiệm vụ quản lý nhà nước của chính quyền cấp tỉnh đối với các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn lãnh thổ.

Thứ ba, bảo đảm nguyên tắc hiệu quả, việc nào, cấp nào sát thực tế hơn, giải quyết kịp thời và phục vụ tốt hơn các yêu cầu của tổ chức và nhân dân thì giao cho cấp đó thực hiện; phân cấp phải rõ việc, rõ địa chỉ, rõ trách nhiệm, gắn với chức năng, nhiệm vụ của mỗi cấp.

Thứ tư, phải phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn, đặc thù của ngành, lĩnh vực, điều kiện và khả năng phát triển của từng khu vực, vùng lãnh thổ, với từng loại hình đô thị, nông thôn, với xu thế hội nhập khu vực và quốc tế.

Thứ năm, phải bảo đảm tương ứng giữa nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm với nguồn lực tài chính, tổ chức, nhân sự và các điều kiện cần thiết khác; phải đồng bộ, ăn khớp giữa các ngành, lĩnh vực có liên quan.

Thứ sáu, phân cấp phải thể hiện được sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống thể chế, Văn bản quy phạm pháp luật gắn với đổi mới cơ chế và bảo đảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị cơ sở.

- Đơn giản hóa và công khai quy trình, thủ tục hành chính đối với đầu tư nước ngoài, thực hiện cơ chế "một cửa" trong việc giải quyết thủ tục đầu tư. Đảm bảo sự thống nhất, các quy trình, thủ tục tại các địa phương, đồng thời, phù hợp với điều kiện cụ thể.

- Xử lý dứt điểm, kịp thời các vấn đề vướng mắc trong quá trình cấp phép, điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư.

- Tăng cường cơ chế phối hợp quản lý đầu tư nước ngoài giữa Trung ương và địa phương và giữa các Bộ, ngành liên quan.

- Các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tiếp tục rà soát, cập nhật bổ sung danh mục kêu gọi đầu tư phù hợp với nhu cầu đầu tư phát triển và quy hoạch phát triển ngành, địa phương.

- Triển khai nhanh việc thành lập bộ phận xúc tiến đầu tư tại một số địa bàn trọng điểm.

+ Xây dựng quy chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại và xúc tiến du lịch các cấp, bao gồm cả trong nước lẫn đại diện ở nước ngoài nhằm tạo sự đồng bộ và phối hợp nâng cao hiệu quả giữa các hoạt động này.

+ Thực hiện tốt Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia giai đoạn 2007- 2010 để đảm bảo kinh phí cho vận động thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Việt Nam, kết hợp chặt chẽ các chuyến công tác của lãnh đạo cấp cao Đảng và Nhà nước với các hoạt động xúc tiến đầu tư-thương mại-du lịch.

+ Tổ chức hiệu quả các cuộc hội thảo ở trong nước và nước ngoài. Nâng cấp trang thông tin điện tử về đầu tư nước ngoài cập nhật và chất lượng tài liệu xúc tiến đầu tư bằng một số ngôn ngữ đáp ứng nhu cầu của số đông nhà đầu tư (tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Trung, tiếng Hàn, tiếng Nga).

+ Tăng cường các đoàn vận động đầu tư theo phương thức làm việc trực tiếp với các tập đoàn lớn, tại các địa bàn trọng điểm (Nhật Bản, Mỹ và EU) để kêu gọi đầu tư vào các dự án lớn, quan trọng. Chủ động tiếp cận và hỗ trợ các nhà đầu tư tiềm năng có nhu cầu đầu tư vào Việt Nam.

- Tiếp tục nâng cao hiệu quả việc chống tham nhũng, tiêu cực và tình trạng nhũng nhiễu đối với nhà đầu tư. Đề cao tinh thần trách nhiệm cá nhân trong xử lý công việc, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở các cơ quan quản lý nhà nước.

Một phần của tài liệu Cải cách hành chính trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài ở Việt Nam (Trang 74)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(95 trang)