+ Chính phủ đã tập trung chỉ đạo xây dựng và hoàn thiện thể chế phục
vụ trực tiếp cho cải cách hành chính để thu hút đầu tư nước ngoài. Mỗi năm trung bình Chính phủ ban hành gần 200 Nghị định… Quốc hội đã thông qua và Chủ tịch nước đã ban hành gần 100 văn bản luật, pháp lệnh. Trong đó, "Luật Đầu tư nước ngoài kể từ khi ban hành năm 1987 đến nay đã được sửa đổi, bổ sung 4 lần với các mức độ khác nhau vào các năm 1990, 1992, 1996, 2000; cùng với các văn bản dưới Luật đã được cộng đồng quốc tế đánh giá là một đạo luật thông thoáng, hấp dẫn, về cơ bản phù hợp với thông lệ quốc tế" [35].
+ Pháp luật đầu tư nước ngoài và các văn bản pháp luật liên quan đến đầu tư nước ngoài được ban hành đã tạo môi trường pháp lý đồng bộ cho các hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, tạo "một sân chơi" bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa các nhà đầu tư; đơn giản hóa thủ tục đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư; đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế; tăng cường sự quản lý của nhà nước đối với hoạt động đầu tư.
+ Các luật và văn bản pháp luật đã ban hành thể hiện rõ các quan điểm, chủ trương về tạo điều kiện và nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài: tạo sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp; giảm thiểu sự can thiệp bằng các biện pháp hành chính của các cơ quan Nhà nước vào các quan hệ đầu tư.
+ Chính quyền địa phương các cấp cũng tăng cường cải cách thể chế, trong đó nhiều tỉnh như Thành phố Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Bình Dương… đặc biệt quan tâm đến thu hút đầu tư nước ngoài.