- Kết quả nổi bật trong cải cách tài chính công để thu hút đầu tư nước
2.2.4. Về cải cách tài chính công
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quá trình thực hiện cải cách tài chính công ở Việt Nam còn tiềm ẩn những yếu tố chưa ổn định:
Thứ nhất: Chất lượng, hiệu quả và tính bền vững của sự phát triển còn thấp; nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển lớn, nhưng mức đáp ứng vốn còn hạn chế, nhiều tiềm năng vốn trong nước và vốn nước ngoài chưa được khai thác tốt.
Thứ hai: Vốn đầu tư thực hiện tăng, nhưng tỷ trọng vốn đầu tư nước ngoài trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội có xu hướng giảm do tốc độ tăng vốn
đầu tư nước ngoài thực hiện chậm hơn tốc độ tăng vốn đầu tư của các thành phần kinh tế khác.
Thứ ba: Cơ cấu đầu tư nước ngoài còn mất cân đối cả về cơ cấu vùng và ngành. Đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ có xu hướng giảm sút so với các năm trước. Mặc dù, Chính phủ đã áp dụng chính sách ưu đãi, nhưng đầu tư nước ngoài vào các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn chưa đáng kể.
Chưa chú ý khai thác vốn thông qua các "kênh" gián tiếp và thông qua thị trường vốn. Phạm vi đánh thuế còn hạn hẹp, hệ thống thuế chưa bao quát hết các nguồn thu nhập, bỏ sót nguồn thu và đối tượng nộp thuế.
Nguyên nhân:
Một là, trong quá trình hoàn chỉnh hệ thống pháp luật theo hướng tiến tới một mặt bằng pháp lý chung đã có những thay đổi bất lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài. Chưa có sự kết hợp chặt chẽ giữa chiến lược phát triển các ngành kinh tế với chiến lược tài chính, chiến lược thuế... dẫn đến sự chắp vá trong việc hình thành cơ chế, chính sách; đồng thời làm cho chính sách thường xuyên thay đổi, gây mất ổn định trong môi trường đầu tư.
Chẳng hạn, việc thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp đã giảm ưu đãi về thuế, nhất là đối với các dự án đầu tư vào khu công nghiệp, khu chế xuất tại các trung tâm đô thị lớn và các dự án thuộc danh mục đặc biệt khuyến khích đầu tư.
Việc giảm ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các dự án đầu tư nước ngoài cũng như chính sách đối với ô-tô, xe máy đã làm cho nhiều nhà đầu tư lo ngại về sự thiếu nhất quán của chính sách đầu tư nước ngoài của nước ta, đồng thời, cản trở việc quyết định đầu tư của một số dự án, trong đó có những dự án quy mô lớn, sử dụng công nghệ cao.
Hai là, nhiều dự án đầu tư vào các lĩnh vực dịch vụ gặp ách tắc do chủ trương chưa rõ ràng, các vướng mắc trong công tác quy hoạch ngành chưa
được tháo gỡ, cản trở các nhà đầu tư. Việc suy giảm đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ đã làm hạn chế kết quả thu hút đầu tư nước ngoài.
Ba là, nhận thức về vai trò của tài chính và thị trường vốn trong việc mở đường, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế, nên tư duy trong hoạch định chính sách tài chính và phát triển thị trường tài chính chậm đổi mới, thiếu tính đột phá trong hoạch định chính sách.
Bốn là, công tác phân tích dự báo chưa được coi trọng đúng mức khi nghiên cứu hoạch định chính sách, dẫn đến thường xuyên phải bổ sung, sửa đổi, tạo ra sự không đồng bộ, không nhất quán.
Tư tưởng bao cấp, tâm lý muốn được Nhà nước bảo hộ còn nặng nề; thói quen và dấu ấn quản lý theo kiểu cũ vẫn tồn tại và không dễ xóa bỏ đã gây cản trở không nhỏ cho quá trình đổi mới trong lĩnh vực tài chính.
Năm là, chưa kiên quyết trong việc đẩy nhanh tiến trình sắp xếp, chuyển đổi sở hữu và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước làm tiến trình cổ phần hóa chậm so với kế hoạch, nhất là các doanh nghiệp nhà nước lớn, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của nhiều lĩnh vực, đặc biệt là làm hạn chế sự phát triển của thị trường chứng khoán. Chưa kiên quyết trong việc chuyển nhanh các đơn vị sự nghiệp sang thực hiện cơ chế tự chủ tài chính. Triển khai thực hiện cải cách hành chính trong ngành tài chính tiến triển chậm, công tác tổ chức, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có năng lực quản lý trong các lĩnh vực tài chính đã được tăng cường, nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đòi hỏi thực tiễn.
Sáu là, công tác quy hoạch còn bất hợp lý, còn nặng về xu hướng bảo hộ sản xuất trong nước, chưa kịp thời điều chỉnh để phù hợp với các cam kết quốc tế. Danh mục dự án quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài còn thiếu thông tin và chưa bao quát hết nhu cầu kêu gọi đầu tư nước ngoài trong giai đoạn mới.
Mặc dù trong Luật và các nghị định liên quan đến đầu tư nước ngoài không hạn chế về hình thức và lĩnh vực tham gia của đầu tư nước ngoài trong một số ngành, nhưng gần đây, một số quy hoạch ngành được phê duyệt, không ít văn bản của một số ngành ban hành đã hạn chế sự tham gia của đầu tư nước ngoài. Việc ban hành Nghị định 158/2003/NĐ-CP về thuế VAT và Nghị định 164/2003/NĐ-CP về thuế thu nhập doanh nghiệp là bước tiến mới trong lộ trình xây dựng mặt bằng pháp lý chung cho đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, nhưng đã làm giảm ưu đãi của đầu tư nước ngoài so với trước đây, làm cho các nhà đầu tư lo ngại về sự thiếu nhất quán của chính sách đầu tư.
Chương 3