Biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng

Một phần của tài liệu Các biện pháp tư pháp áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội theo quy định của pháp luật hình sự (Trang 51)

Ngoài biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, người chưa thành niên còn có thể bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng. Khác với

biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, người chưa thành niên có cơ hội sửa chữa sai lầm ngay trong cộng đồng của mình, khi áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng người chưa thành niên bị cách ly khỏi môi trường sống một thời gian. Theo Nghị định 52/2001/NĐ-CP ngày 23/8/2001 của Chính phủ về việc hướng dẫn thi hành biện pháp tư pháp đưa vào trường giáo dưỡng thì biện pháp này được định nghĩa như sau:

Biện pháp tư pháp đưa vào trường giáo dưỡng đối với người chưa thành niên phạm tội (sau đây gọi tắt là biện pháp giáo dưỡng) được quy định trong Bộ luật Hình sự, là biện pháp do Tòa án quyết định, áp dụng đối với người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội, nếu thấy không cần thiết phải áp dụng hình phạt đối với họ, nhưng do tính chất của hành vi phạm tội, do nhân thân và môi trường sống của người đó mà cần phải đưa người đó vào trường giáo dưỡng [9].

So với biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn thì biện pháp giáo dưỡng nghiêm khắc hơn. Tính nghiêm khắc của biện pháp này thể hiện ở chỗ người chưa thành niên phạm tội khi chấp hành biện pháp này sẽ bị cách ly khỏi môi trường xã hội trong một thời hạn nhất định để vào một tổ chức giáo dục có kỷ luật chặt chẽ. Tuy nhiên, đây không phải là sự vi phạm quyền của người chưa thành niên hay mang tính trừng trị cao nhằm tách người chưa thành niên khỏi xã hội bình thường mà ngược lại, biện pháp giáo dưỡng nhằm giúp các em phạm tội có môi trường tốt hơn để khắc phục những sai lầm của mình, tách họ khỏi những điều kiện xấu tác động đến việc phạm tội của họ.

Chúng ta đều biết rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc phạm tội của người chưa thành niên chính là nguyên nhân khách quan, chính những điều kiện của môi trường như bạn bè xấu lôi cuốn, rủ rê vào con đường phạm tội, việc quản lý không chặt chẽ, không quan tâm của gia đình… là những tác động dẫn đến việc phạm tội của các em. Trong những trường hợp

này thì biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng sẽ có ý nghĩa, giúp các em tránh được môi trường sống tiêu cực. Các em có cơ hội học tập, rèn luyện tại trường từ đó có những tiến bộ và phát triển lành mạnh thành những công dân lương thiện có ích cho xã hội.

Bên cạnh đó, biện pháp giáo dưỡng cũng không là một dạng của hình phạt tù. Tuy giống nhau ở cách thức cách ly người chưa thành niên phạm tội khỏi xã hội nhưng bản chất của hai quy định này hoàn toàn khác nhau.

Hình phạt tù mang tính trừng trị cao, là chế tài nghiêm khắc nhất của pháp luật hình sự, việc áp dụng hình phạt tù sẽ tước quyền tự do của người phạm tội trong thời hạn nhất định và sẽ để lại án tích. Trong khi đó, biện pháp tư pháp đưa vào trường giáo dưỡng cũng cách ly người chưa thành niên phạm tội trong một thời hạn nhất định nhưng đó là khoảng thời gian ngắn và như đã phân tích ở trên thì biện pháp này nhằm tách người chưa thành niên khỏi điều kiện xấu có nguy cơ tái phạm, giúp các em sống kỷ luật hơn, biện pháp này không để lại án tích. Ngoài ra, nội dung giáo dục, chế độ sinh hoạt của trường giáo dưỡng cũng hoàn toàn khác so với chế độ kỷ luật, chế độ giáo dục, cải tạo trong nhà tù.

Biện pháp giáo dưỡng được áp dụng đối với người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi, như vậy về chủ thể chấp hành biện pháp giáo dưỡng mở rộng hơn so với biện pháp giáo dục tại xã, phường thị trấn, điều này có thể nhận thấy quan điểm của nhà làm luật khi xây dựng quy định này, biện pháp giáo dưỡng có tính nghiêm khắc hơn so với biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn nên áp dụng khi tội phạm mang tính nguy hiểm hơn vì người từ đủ 14 tuổi nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng.

"Biện pháp này được áp dụng từ một đến hai năm đối với người chưa thành niên phạm tội, nếu thấy do tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm

tội, do nhân thân và môi trường sống của người đó mà cần đưa người đó vào một tổ chức có kỷ luật chặt chẽ [28].

Như vậy, có thể thấy ngoài tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội thì nhân thân và môi trường sống có yếu tố quyết định trong việc áp dụng biện pháp này.

Tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội tuy chưa được quy định cụ thể trong điều luật nhưng đây là căn cứ để Tòa án áp dụng biện pháp này. Tùy từng trường hợp trên thực tế, Tòa án sẽ xem xét, quyết định trên cơ sở các yếu tố phạm tội như tính chất hành vi phạm tội, nhận thức của người chưa thành niên đối với hành vi phạm tội, động cơ và mục đích khi thực hiện hành vi, hình thức phạm tội.

Nhân thân phạm tội của người chưa thành niên là một phạm trù rộng, bao gồm nhiều yếu tố.

Nhân thân người chưa thành niên phạm tội là tổng hợp các đặc điểm về mặt pháp lý hình sự, xã hội - nhân khẩu học, xã hội - sinh học và đạo đức - tâm lý học của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi đã có lỗi (cố ý hoặc vô ý) trong việc thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội bị luật hình sự cấm, có ý nghĩa quan trọng để giải quyết vấn đề trách nhiệm hình sự đối với họ một cách công minh, có căn cứ và đúng pháp luật, đồng thời góp phần đấu tranh chống tình trạng phạm tội của họ [6].

Như vậy, nhân thân của người chưa thành niên có một ý nghĩa quan trọng trong việc quyết định áp dụng trách nhiệm hình sự đối với họ. Nhân thân là tổng hòa các điểm thuộc các mặt khác nhau của con người. Một người có nhân thân tốt hay xấu phải được xem xét trong một quá trình, đây là công việc rất khó khăn trong việc cân nhắc để đưa ra phán quyết của Tòa án. Trong trường hợp áp dụng biện pháp tư pháp đưa vào trường giáo dưỡng yêu cầu về

nhân thân của người chưa thành niên cần phải cách ly họ, điều này có nghĩa là người chưa thành niên có nhân thân xấu, hay nói cách khác là về mặt pháp lý hình sự, đạo đức, tâm lý của người đó chưa đạt được tiêu chuẩn tối thiểu của xã hội.

Cùng với nhân thân của người phạm tội thì môi trường sống cũng có ý nghĩa quyết định đối với việc áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng. Môi trường sống là toàn bộ những điều kiện tự nhiên, xã hội, trong đó con người tồn tại, phát triển, trong quan hệ với con người. Môi trường sống có tác động có tác động quan trọng tới con người, đặc biệt là người chưa thành niên, môi trường sống ảnh hưởng đến việc hình thành tính cách, quan điểm, cách thức cư xử của các em. Nếu môi trường sống lành mạnh, sẽ là cái nôi thuận lợi để người chưa thành niên phát triển với nhân sinh quan đúng đắn, ngược lại, nếu môi trường sống không tốt, có nhiều tệ nạn, quan hệ giữa các thành viên trong cộng đồng thờ ơ với nhau sẽ ảnh hưởng không tốt đối với người chưa thành niên. Trong nhiều trường hợp, người chưa thành niên phạm tội có cả cha, mẹ hoặc anh chị em đều đang chấp hành án trong trại giam, bản thân không được sự chăm sóc, quan tâm, thường xuyên bỏ học, có quan hệ với những bạn bè xấu, đây chính là những tác nhân dẫn tới việc phạm tội của người chưa thành niên. Đối với những hoàn cảnh này, việc cách ly người chưa thành niên khỏi môi trường sống không lành mạnh có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo điều kiện giúp các em có cơ hội phát triển.

Để áp dụng biện pháp giáo dưỡng, ngày 23/8/2001 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/2001/NĐ-CP hướng dẫn thi hành biện pháp tư pháp đưa vào trường giáo dưỡng. Theo đó, người chưa thành niên đang chấp hành biện pháp giáo dưỡng (sau đây gọi là học sinh) phải chịu sự giám sát, quản lý, giáo dục, phân công lao động của cán bộ, giáo viên nhà trường và chấp hành nghiêm chỉnh nội quy của nhà trường. Học sinh học trong trường giáo dưỡng được phân thành các lớp, đội và có người phụ trách. Học sinh được học văn

hóa, giáo dục hướng nghiệp, học nghề theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Học sinh chưa đạt trình độ phổ cập giáo dục tiểu học thì việc học văn hóa là bắt buộc. Hàng tháng, mỗi học sinh được cấp kinh phí mua sách vở, đồ dùng học tập. Ngoài giờ học tập, học sinh phải tham gia lao động do nhà trường tổ chức. Tổng thời gian học tập trên lớp và lao động của học sinh không quá 7 giờ trong một ngày và không quá 35 giờ trong tuần, trong những trường hợp thật cần thiết và theo quy định của pháp luật về lao động thì trường có thể sử dụng học sinh làm thêm giờ hoặc làm ban đêm.

Ngoài giờ học văn hóa, học nghề, lao động, học sinh được tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, đọc sách báo, xem truyền hình và các hoạt động vui chơi giải trí khác do trường tổ chức.

Trên cơ sở giới tính, lứa tuổi, đặc điểm nhân thân, tính chất, mức độ phạm tội của học sinh, trường sắp xếp chỗ ở, sinh hoạt phù hợp trong các buồng tập thể. Diện tích nơi ở tối thiểu cho mỗi học sinh là 2,5 m2, đảm bảo thoáng mát về mùa hè, kín gió về mùa đông, hợp vệ sinh môi trường.

Trong thời gian học tập tại trường giáo dưỡng, học sinh được gặp thân nhân và được gửi, nhận thư, nhận quà.

Bên cạnh đó, với tính chất của biện pháp này mang tính giáo dục cao và xuất phát từ mục đích của áp dụng biện pháp tư pháp với người chưa thành niên, trong thời gian học tập tại trường giáo dưỡng, học sinh đã chấp hành được một phần hai thời hạn và thực sự ăn năn hối lỗi, nhận rõ việc làm sai trái của bản thân, tích cực học tập, lao động, tu dưỡng và chấp hành tốt nội quy của trường thì Hiệu trưởng có thể đề nghị Tòa án nhân dân cấp huyện nơi trường đóng quyết định chấm dứt thời hạn chấp hành biện pháp này cho học sinh đó. Đây là hình thức khen thưởng cao nhất có thể áp dụng đối với người chưa thành niên, ngoài ra người chưa thành niên được khen thưởng dưới các

hình thức khác như: biểu dương, cho đi tham quan do trường tổ chức hoặc thưởng tiền, hiện vật. Tuy nhiên, nếu không chịu học tập hoặc có hành vi khác vi phạm nội quy của trường thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm Hiệu trưởng sẽ quyết định kỷ luật bằng các hình thức: khiển trách, cảnh cáo, giáo dục tại buồng kỷ luật 05 ngày.

Người phải chấp hành biện pháp giáo dưỡng có thể được tạm hoãn thi hành biện pháp này trong một số trường hợp sau:

Đang ốm nặng, đang phải cấp cứu hoặc vì lý do sức khỏe khác mà không thể đi lại được và được cơ quan y tế hoặc bệnh viện từ cấp huyện trở lên chứng nhận;

Có lý do chính đáng khác cản trở việc thi hành biện pháp giáo dưỡng được Trưởng công an cấp huyện xác nhận.

Thời gian áp dụng biện pháp giáo dưỡng theo quy định của pháp luật từ 01 đến 02 năm. So với Bộ luật Hình sự 1985 thì thời gian áp dụng biện pháp này đã được rút ngắn lại, thời gian học tập quy định trong trường giáo dưỡng theo quy định của Bộ luật Hình sự 1985 từ 01 đến 03 năm. Việc rút ngắn thời gian cách ly người chưa thành niên khỏi môi trường xã hội là hoàn toàn hợp lý, thể hiện tinh thần nhân đạo của pháp luật trong nước. Thời hạn cách ly người chưa thành niên phạm tội từ 01 đến 02 năm là khoảng thời gian cần thiết để giáo dục người chưa thành niên phạm tội, đảm bảo khi họ trở về tái hòa nhập cộng đồng không bị cảm giác xa lạ do thời gian cách ly quá lâu. Đồng thời, quy định rút ngắn thời gian áp dụng biện pháp giáo dưỡng là phù hợp với chuẩn mực quốc tế về tư pháp người chưa thành niên, "chỉ được đưa ra những hạn chế tự do cá nhân đối với người chưa thành niên sau khi đã cân nhắc kỹ lưỡng và phải giới hạn ở mức tối thiểu có thể được" [20].

Cùng với chế tài hình sự trong xử lý vi phạm hành chính cũng có biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và đưa vào trường giáo dưỡng, tuy

nhiên về bản chất cũng như điều kiện áp dụng các biện pháp này ở hai hệ thống là hoàn toàn khác nhau. Biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và đưa vào trường giáo dưỡng là biện pháp xử lý hành chính sẽ do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định. Các biện pháp này được áp dụng đối với các cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong khi đó, biện pháp tư pháp đưa vào trường giáo dưỡng và giáo dục tại xã, phường, thị trấn là một chế tài hình sự áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội nên được thực hiện theo trình tự tố tụng và do Tòa án quyết định. Đây là điểm đáng chú ý trong khi nghiên cứu hai biện pháp tư pháp áp dụng riêng đối với người chưa thành niên để tránh sự nhầm lẫn trong khi áp dụng. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Một phần của tài liệu Các biện pháp tư pháp áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội theo quy định của pháp luật hình sự (Trang 51)