Giai đoạn trước khi ban hành Bộ luật Hình sự

Một phần của tài liệu Các biện pháp tư pháp áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội theo quy định của pháp luật hình sự (Trang 39 - 41)

Bộ luật Hình sự 1985 ra đời trên cơ sở tổng kết, kế thừa các quy định pháp luật hình sự qua thực tiễn 40 năm vận dụng thi hành để tạo cơ sở pháp lý có hiệu quả cho cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm. Trước năm 1985, các quy định của pháp luật hình sự nói chung, các quy định của pháp luật hình sự đối với người chưa thành niên còn hạn chế.

Khái niệm người chưa thành niên đã được đề cập trong pháp luật từ năm 1950 tại Sắc lệnh số 97-SL ngày 22-5-1950 sửa đổi một số quy lệ và chế định trong dân luật, Điều 7 quy định "người vị thành niên là con trai hay con

gái chưa đủ 18 tuổi", tuy nhiên khái niệm người chưa thành niên phạm tội

chưa được quy định trong văn bản pháp lý. Mặc dù vậy, qua thực tiễn xét xử, Tòa án tối cao đã có sự hướng dẫn:

Nói chung, đối với trẻ em hư dưới 14 tuổi thì không đưa ra tòa án xét xử, từ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi, nếu trường hợp phạm pháp cần thiết phải đưa ra xét xử thì có châm chước đến tuổi còn non trẻ của chúng, riêng đối với loại từ 14 tuổi đến 16 tuổi, chỉ nên xét xử những trường hợp phạm tội nghiêm trọng [40].

Qua đó cũng phần nào thể hiện quan điểm hình sự về việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội. Người chưa thành niên phạm tội là người thuộc độ tuổi từ 14 tuổi đến 18 tuổi, việc xử lý người chưa thành niên phạm tội nhẹ hơn so với trách nhiệm hình sự của người đã thành niên và khi chủ thể của tội phạm là người từ 14 tuổi đến 16 tuổi cũng chỉ xét xử những trường hợp phạm tội nghiêm trọng. Những trường hợp phạm tội nghiêm trọng được hiểu là những tội như giết người, cướp của, hiếp dâm… Riêng về hiếp dâm nói chung thì đường lối xử lý vẫn chủ yếu là giáo dục.

Như vậy, trước khi Bộ luật Hình sự năm 1985 ra đời, có thể thấy trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên phạm tội qua thực tiễn xét xử. Trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội được xác định dựa trên độ tuổi, mức độ nhận thức của người chưa thành niên. Nguyên tắc xử lý người chưa thành niên phạm tội cũng xuất phát từ mục đích giáo dục, cải tạo người chưa thành niên phạm tội. Việc xử lý người chưa thành niên phạm tội dựa trên nguyên tắc giảm nhẹ hơn so với trách nhiệm hình sự của người đã thành niên. Theo hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao số 329-HS2 ngày 11 tháng 2 năm 1967, hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên ở thời kỳ này "chỉ vào khoảng một phần hai mức án đối với người lớn". Đối với trẻ em từ 9 đến 17 tuổi, đi lang thang, trộm cắp nhiều

lần, có lối sống sa đọa trụy lạc đã được gia đình, đoàn thể, nhà trường và chính quyền tận tình giúp đỡ nhiều lần, nhưng không chịu sửa chữa sẽ bị đưa vào trường phổ thông công nông nghiệp trong thời gian 02 năm. Đây là những trường giáo dục thiếu niên hư.

Như vậy, có thể thấy trước Bộ luật Hình sự năm 1985, mặc dù không được quy định thành văn bản luật nhưng cũng đã có hướng dẫn của Tòa án áp dụng biện pháp giáo dục bắt buộc đối với đối tượng thanh thiếu niên hư có hành vi vi phạm pháp luật nhiều lần và có sự cân nhắc về nhân thân.

Một phần của tài liệu Các biện pháp tư pháp áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội theo quy định của pháp luật hình sự (Trang 39 - 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(90 trang)