Thứ nhất, đối với tư liệu sản xuất, tư liệu tiêu dùng cần căn cứ vào thời giá thị trường của vật đó và tại nơi vật đó bị gây thiệt hại để xác định mức bồi thường. Khi xác định thiệt hại về tài sản sự cần thiết phải xác định những hao mòn của vật, để có sự phân biệt vật đó khi còn mới (chưa sử dụng) và vật đó đã qua sử dụng (đã cũ). Có những vật đã bị tiêu hủy do bị gây thiệt hại, thì căn cứ xác định thiệt hại của vật đó với vật tương tự đang lưu thông trên thị trường để xác định mức bồi thường.
Thứ hai, đối với vật nuôi, cây trồng thì việc căn cứ vào không gian và thời gian của thiệt hại để xác định mức thiệt hại là rất quan trọng. Vì những thiệt hại trên được xác định một cách khách quan và chính xác, có cơ sở; những thiệt hại đã xảy ra trên thực tế và những thiệt hại chắc chắn xảy ra, xác định được. Những thiệt hại do suy đoán đều không được xem là thiệt hại.
Thứ ba, sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, danh dự, uy tín của cá nhân khi bị gây thiệt hại, xét về bản chất không thể bồi thường được bằng tiền. Con người không phải là tài sản, theo đó không thể quy đổi con người dưới bất kỳ hình thức vật chất, là tài sản. Tuy nhiên, trên thực tế những thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật đời tư không phải bao giờ cũng xác định được một cách cụ thể. Những quyền nhân thân này, xét về bản chất không phải là tài sản, do vậy không thể dùng tài sản để làm vật đo ngang với những thiệt hại về nhân thân. Việc xác định thiệt hại về nhân thân thực chất
là xác định những lợi ích vật chất mà người bị thiệt hại phải chi ra để điều trị những thương tích về thể xác bị gây thiệt hại. Những khoản tiền bồi dưỡng hợp lý, những thu nhập bị giảm sút khi người bị thiệt hại về sức khỏe do phải điều trị mà không lao động được, không có thu nhập. Tuy nhiên, pháp luât cũng quy định buộc người gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, uy tín, danh dự, nhân phẩm… ngoài khoản tiền bồi thường thiệt hại và vật chất xác định được là khoản tiền bồi thường về nhân thân cho người bị gây thiệt hại bằng một số tiền cụ thể cho mỗi vụ việc gọi là khoản tiền đền bù do bị tổn thất về tinh thần.
Việc xác định thiệt hại về tinh thần được thể hiện ở việc kiểm tra, xác minh cá biệt hóa từng trường hợp cụ thể nhằm giải quyết có hiệu quả từng vụ việc có liên quan đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tinh thần. Việc nghiên cứu vụ việc luôn phải chủ động theo kế hoạch cụ thể, tình tiết, chứng cứ mà cơ quan xét xử thấy cần thiết để có cơ sở xác định mức bồi thường về tinh thần cho người bị hại.
Trong đời sống hiện đại cũng như trong quá trình thực thi quyền lực của nhà nước đã có không ít cán bộ công chức, người tiến hành tố tụng có hành vi trái pháp luật dẫn đến gây oan sai cho người khác. Vậy trách nhiệm bồi thường thiệt hại nhà nước có gì đặc biệt so với các quy định chung về Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, đặc biệt là vấn đề thiệt hại, xác định thiệt hại và mức bồi thường cho người bị oan trong tố tụng hình sự. Khi xảy ra bất kỳ một vụ oan, sai thì không chỉ có công dân là người duy nhất bị thiệt hại mà luôn kéo theo những tổn thất của Nhà nước. Một mặt, Nhà nước phải bồi thường vật chất, tinh thần cho người bị oan. Mặt khác, thiệt hại của Nhà nước tưởng chừng như vô hình nhưng hậu quả trên thực tế vẫn có thể dễ dàng nhận thấy được. Đó là sự giảm sút uy tín của Nhà nước, là sự xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Nhà nước.