Bộ luật dân sự năm 1995 và Bộ luật dân sự năm 2005 ghi nhận việc buộc người gây thiệt hại "bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần" cho người bị thiệt hại, người thân của họ.
Pháp luật về dân sự nói chung, bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm nói riêng là những vấn đề rất nhạy cảm và vô cùng phức tạp, bởi vì những thiệt hại về tinh thần là những thiệt hại phi vật chất, không thể có công thức chung để quy ra tiền áp dụng cho các trường hợp. Việc giải quyết bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cũng chỉ nhằm an ủi, động viên làm dịu đi nỗi đau cho chính nạn nhân. Đây là vấn đề rất khó, nhưng cho đến nay, về căn bản các cơ quan có thẩm quyền chưa có ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể để áp dụng cho thống nhất, vì vậy khi vận dụng vào thực tiễn còn gây nhiều tranh cãi, chưa thống nhất.
Trên thế giới, thiệt hại về tinh thần đã được một số nước ghi nhận từ lâu như Liên Xô, Cộng hóa Liên bang Đức... Trong cuốn "Trách nhiệm phát sinh do gây thiệt hại" (Nhà xuất bản LGU, Lêningrat, 1973), tác giả Smirnốp T.V khẳng định: "Nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu vật chất, văn hóa, tinh thần của công dân Xô viết, về việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ chỉ là thực hiện đầy đủ khi người bị thiệt hại được bồi thường không những thiệt hại về vật chất mà cả thiệt hại về tinh thần" [36]. Tại khoản 3, Điều 307 Bộ luật dân sự Việt Nam 2005 quy định: "Người gây thiệt hại về tinh thần cho người khác do xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người đó thì ngoài việc chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai còn phải bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại" [34].
Như vậy, thiệt hại được hiểu là ngoài những thiệt hại vật chất còn có những thiệt hại về tinh thần.
Thiệt hại xảy ra được đánh giá một cách khách quan, trung thực, đảm bảo công bằng xã hội. Trên thực tế, mọi thiệt hại đều mang tính khách quan,
tuy nhiên, tiên lượng và đánh giá tính khách quan của sự thiệt hại lại thông qua ý thức chủ quan của con người. Điều đó có nghĩa là trong điều kiện, hoàn cảnh thực tế như vậy ai cũng công nhận thiệt hại là có và mọi người đều chấp nhận việc đánh giá mức độ thiệt hại. Nhưng nhìn chung thì người bị thiệt hại có thể phức tạp hóa vấn đề lên, như khai tăng giá trị thiệt hại còn người gây thiệt hại có chiều hướng đơn giản hóa. Vì vậy mà người có vai trò đánh giá thiệt hại, đại diện cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền là rất quan trọng. Nhìn nhận và đánh giá thiệt hại dựa trên cơ sở pháp luật quy định để xem xét có thiệt hại xảy ra hay không, mức độ thiệt hại như thế nào...
Thiệt hại phải tính toán được tương đương với một số lượng tiền xác định mới đảm bảo đầy đủ cơ sở cho việc bồi thường. Tuy nhiên, đối với thiệt hại về mặt tinh thần không thể tính toán bằng tiền. Hơn thế đây là khái niệm còn khá trừu tượng, bởi "tinh thần" thì làm sao có thể cân, đo, đong, đếm cụ thể để xác định thiệt hại, do vậy Tòa án chỉ có thể căn cứ vào từng trường hợp cụ thể xác định số tiền bù đắp tổn thất về mặt tinh thần, nhằm đảm bảo quyền lợi của người bị nạn và gia đình họ, khắc phục phần nào hậu quả xảy ra. Tòa án cũng chỉ chấp nhận những thiệt hại hợp lý mà thôi, những thiệt hại mang tính suy diễn như: "Tôi là người không bao giờ bị tai nạn, trong tháng này tôi bắt được 5 triệu đồng" hay "thu nhập của một người nông dân ở vùng quê nghèo là từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng /tháng".
Có thiệt hại tức là những tổn thất thực tế, tồn tại khách quan và phải tính được bằng một số tiền cụ thể nhất định, còn những thiệt hại mang tính suy diễn, chủ quan sẽ không được thừa nhận nếu không có căn cứ xác đáng.
Thiệt hại tinh thần là những thiệt hại phi vật chất, không thể có công thức chung để quy thành tiền áp dụng cho mọi trường hợp. Việc giải quyết bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần tùy vào từng trường hợp cụ thể nhằm mục đích an ủi, động viên và phần nào đó tạo điều kiện để có thể khắc phục khó khăn, làm dịu đi nỗi đau cho chính người bị thiệt hại hay cho những người thân thích của họ.
Thiệt hại về tinh thần là sự thiệt hại về giá trị tinh thần, tình cảm hoặc sự suy sụp về tâm lý, tình cảm của cá nhân. Hình thức biểu hiện thiệt hại về tinh thần rất đa dạng như: Sự suy sụp tâm lý của người bị thiệt hại sau khi sức khỏe bị xâm phạm làm cho bị tàn tật, bị biến dạng bề ngoài (ví dụ như bị sẹo ở mặt, bị gãy chân làm cho người bị thiệt hại đi cà nhắc...).
Ngoài những thiệt hại về tinh thần mà bản thân người bị thiệt hại phải gánh chịu thì có những trường hợp người thân thích của họ cũng phải gánh chịu tổn thất về tinh thần này. Đó có thể là sự suy sụp, hoang mang, lo lắng, sự đau thương của những người thân thích với cái chết của nạn nhân. Khác với thiệt hại vật chất, thiệt hại tinh thần không có tiêu chí chung để xác định cho mọi cá nhân bởi điều kiện, hoàn cảnh của từng cá nhân là không giống nhau, nhưng thiệt hại về tinh thần thường đi kèm với thiệt hại vật chất.
Ví dụ:
Vụ án hiếp dâm, cướp tài sản liên quan đến 3 thanh niên cùng ở xã Yên Nghĩa - Quận Hà Đông gồm: Nguyễn Đình Tình, Nguyễn Đình Lợi, Nguyễn Đình Kiên. Đã bị bắt giam từ năm 2000. Qua hai cấp xét xử họ bị kết án tổng cộng 41 năm tù giam. Gần 10 năm trong tù 3 thanh niên đã liên tục kêu oan. Đầu năm 2010, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết yêu cầu VKSNDTC rà soát lại vụ án. Ngày 26-1-2010, VKSNDTC ra quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án hình sự phúc thẩm số 583/ PTHS ngày 22-4- 2002 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại HN, theo đó cả 3 thanh niên Tình, Lợi, Kiên đều được trả tự do để chờ kết quả giám đốc thẩm. Cứ tưởng khi được trả tự do, một kết cục có hậu, công bằng sẽ chào đón ba chàng trai sau 10 năm trời kêu oan. Cứ tưởng họ đã đi đến cạn cùng sự đau khổ cả về thể xác và tinh thần thì cuộc đời còn lại sau này sẽ tốt đẹp hơn. Cứ tưởng ông trời không lấy đi hết của ai điều gì, vậy mà... Đấy là những trăn trở mà bất cứ ai biết về vụ án đều phải đặt ra. Bởi vì trước mắt họ còn cả một
chặng đường gian nan cho hành trình đòi lại công bằng, đòi lại cả tuổi thanh xuân chốn ngục tù, thậm chí là bản án trên cả mức tử hình. Cho đến thời điểm hiện nay Tòa án nhân dân tối cao vẫn chưa có quyết định giám đốc thẩm chính thức để giải oan cho 3 người. Đây cũng là văn bản mẫu chốt cần và đủ để những người bị oan làm căn cứ yêu cầu bồi thường thiệt hại theo Luật trách nhiệm bồi thường thiệt hại nhà nước. Và nếu giả sử khi có quyết định giám đốc thẩm đi chăng nữa thì việc xác định thiệt hại và mức bồi thường cho những người bị oan này liệu có dễ dàng? Và việc bồi thường đó có bù đắp được những tổn thất cho họ hay không? Những tổn thất về vật chất có thể đem ra đo bằng tiền nhưng những tổn thất về tinh thần trong suốt thời gian họ phải oan ức chốn ngục tù liệu có đo được bằng tiền, nhất là đối với số phận Nguyễn Đình Tình do sơ suất trong thời gian ngồi tù đã vô tình bị lây nhiễm căn bệnh thế kỷ HIV - biết lấy gì để bù đắp? [66].
Điều 710 Bộ luật dân sự của Nhật Bản quy định: "Một người chịu trách nhiệm về thiệt hại theo quy định của Điều 709 phải bồi thường cả về thiệt hại phi vật chất bất kể thiệt hại như vậy xảy ra đối với quyền lợi, uy tín, hoặc tài sản của người khác".
Ngoài ra, muốn bồi thường, sự thiệt hại phải thỏa mãn các điều kiện: thiệt hại phải chắc chắn, nhất định, thực tế và chưa được bồi thường.
Nói đến sự thiệt hại chắc chắn, nhất định, thực tế là nói đến một sự thiệt hại đã xảy ra, hoặc chưa xảy ra nhưng nhất định sẽ xảy ra và có thể ước lượng được. Để chứng minh sự thiệt hại chắc chắn, người bị thiệt hại phải đưa ra những chứng cứ cần thiết và tin cậy như: hóa đơn chứng từ thanh toán những chi phí hợp lý nhằm cứu chữa, phục hồi sức khỏe…Một sự thiệt hại không chắc chắn xảy ra hoặc chỉ có tính chất giả định hoặc chỉ là mất đi một cơ may thì không được bồi thường. (Theo Bộ luật dân sự Nhật Bản thì việc "mất đi một cơ may" được coi là một yếu tố cấu thành thiệt hại).
Pháp luật dân sự Việt Nam thừa nhận có thiệt hại về tinh thần, tuy nhiên có quan điểm cho rằng thiệt hại về tinh thần chỉ là khái niệm xã hội và ở phạm vi tình cảm. Nhưng có quan điểm cho rằng, bồi thường bằng tiền có thể khắc phục phần nào thiệt hại về tinh thần, không thể dùng tiền bù đắp được. Tuy nhiên, pháp luật dân sự Việt Nam quy định mức tiền bồi thường thiệt hại về tinh thần tại khoản 2 Điều 609 và khoản 2 Điều 610. Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ngày 08 tháng 7 năm 2006 hướng dẫn áp dụng một số qui định của Bộ luật dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cũng đã có sự hướng dẫn cụ thể về bồi thường tổn thất tinh thần.
Nhìn chung, thiệt hại về tinh thần bao gồm:
- Sự đau đớn về thân thể và tinh thần, sự tác động về tâm lý. Người bị thiệt hại phải chịu đựng đau đớn khi phải nằm hàng giờ để phẫu thuật, bị mất một phần cơ thể của mình, bị mang thương tích suốt đời, bị tàn phế...
- Thiệt hại do mất khả năng lao động xã hội bình thường, mất khả năng giải trí, vui chơi... Đó là sự tước đoạt tinh thần của người bị thiệt hại, mất đi niềm vui lạc quan trong sự tồn tại, làm giảm mất chất lượng cuộc sống. Người bị thiệt hại bị mất bộ phận khứu giác, mất cảm giác mùi vị mất khả năng hoạt động thể thao, khiêu vũ, không còn khả năng mang vác vật nặng, mất toàn bộ chức năng sinh dục hoặc những khó chịu trong đời sống tình dục...
- Thiệt hại về thẩm mỹ: Người bị thiệt hại bị biến dạng hoặc phải chịu đựng nhiều vết sẹo ở trên mặt, trên thân thể hoặc phải cắt bỏ một phần thân thể. Thiệt hại này còn gây ra những hậu quả về nghề nghiệp cho những người bị thiệt hại, nó có thể gây ra những rắc rối đối với khả năng thành đạt trong hoạt động nghề nghiệp của họ. Yếu tố thẩm mỹ đóng vai trò không thể phủ nhận được trong một số hoạt động nghề nghiệp nhất định như: tiếp viên hàng không, văn nghệ sĩ, bác sĩ, nhà giáo, các nhà hoạt động chính trị, thẩm phán... Một ca sĩ, một tiếp viên hàng không... sẽ đau khổ biết bao khi khuôn mặt xinh
đẹp bị đầy sẹo không thể lên sân khấu biểu diễn, không thể lên máy bay bay phục vụ hành khách được nữa, thẩm phán bị biến dạng khuôn mặt do bị tạt axít và không thể thực hiện hoạt động xét xử...
Qua nghiên cứu các bản án của các Tòa án địa phương cho thấy vấn đề bồi thường thiệt hại về tinh thần là vấn đề phức tạp trong việc xác định mức bồi thường cũng như diện được bồi thường. Nhiều vụ án xảy ra, người gây thiệt hại cho người bị thiệt hại để lại hậu quả nghiêm trọng không có gì hàn gắn được, để lại những đau thương mất mát về người và của nhưng khi xét xử có Tòa án đã áp dụng bồi thường một khoản tiền về tinh thần cho người bị thiệt hại và gia đình người bị thiệt hại, có Tòa án không áp dụng, nếu có cũng chỉ là một mức tiền không đáng kể, điều này đương nhiên sẽ không bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự.
Như vậy có thể đưa ra ba đặc điểm chính của bồi thường thiệt hại về tinh thần đó là:
- Không thể khắc phục được toàn bộ thiệt hại (sự đau đớn...).
- Không thể xóa bỏ được toàn bộ sự thiệt hại (sự buồn chán, khoảng trống về tình cảm, tinh thần...).
- Không thể lấy lại trọn vẹn cái đã mất (thân thể bị biến dạng, mất đi một phần cơ thể, bị mất đi sắc đẹp...)
Thiệt hại về tinh thần trong trường hợp sức khỏe, tính mạng bị xâm phạm có sự khác nhau:
- Người bị thiệt hại được quyền đòi bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu do sức khỏe của mình bị xâm phạm (Điều 609 Bộ luật dân sự).
- Người thân thích của người bị thiệt hại được bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do người bị thiệt hại chết (Điều 610 Bộ luật dân sự).
Thật khó có thể tính toán và đánh giá thiệt hại về tinh thần theo phương pháp toán học được. Vấn đề đặt ra là khi người bị thiệt hại mất một hoặc hai mắt, mất một hoặc hai cánh tay, mất một hoặc hai chân… những tổn hại khác về thân thể thì đáng giá bao nhiêu tiền? Sự đau đớn được trị giá bao nhiêu? Giá của những giọt nước mắt cao hay thấp... Đó là điều khó có khả năng tính toán một cách chính xác. Khoản 2 của các Điều 609, 610 cũng chỉ đưa ra mức bồi thường tổn thất về tinh thần tối đa chứ không quy định mức tối thiểu. Vì vậy, có thể nói rằng tất cả những thiệt hại về tinh thần hay những vật không xác định được chính xác giá trị bằng một số tiền cụ thể thì Luật cho phép các Thẩm phán khi giải quyết loại án này được quyết định, được quyền suy xét nhưng phải trên cơ sở xem xét đánh giá một cách khách quan, toàn diện tất cả các yếu tố của vụ án, và phải chú ý đến nguyên tắc hợp lý, bình đẳng, bảo đảm được mục đích của việc bồi thường thiệt hại.
Những yếu tố để xác định mức tiền bồi thường tổn thất về tinh thần có thể được xác định: mức bồi thường có quan hệ với tình trạng thể chất và tinh thần của ngươi bị thiệt hại, thể hiện ở mức độ và tính chất nghiêm trọng của sự tổn hại về tâm lý và về thân thể, lứa tuổi, quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản của người bị thiệt hại và của người gây thiệt hại.
Khi xem xét tổn thất về tinh thần phải xem xét đến mức độ tổn hại đến đời sống của người bị thiệt hại, mức độ, thời gian, tính chất dữ dội của sự đau đớn, thiệt hại, sự thương tổn, biến dạng thân thể, thời gian phải nằm điều trị, thời gian mất khả năng lao động, phải xa cách gia đình, hậu quả diễn biến tiếp theo của thương tật, sự nghi ngờ về khả năng có thể khắc phục chữa chạy điều trị khỏi thương tích hay không, mức độ lỗi của người bị thiệt hại…