tổn hại về sức khỏe
Điều 609 Bộ Luật dân sự cũng như Nghị quyết 388 và Luật trách nhiệm bồi thường thiệt hại nhà nước thì thiệt hại về vật chất do tổn hại về sức khỏe được phân chia thành nhiều nhóm thiệt hại khác nhau gồm:
- Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại.
- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại..
- Chi phí hợp lý và thu nhập thực tế bị mất của ngươi chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị.
- Trường hợp người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại được bồi thường bao gồm chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại và khoản cấp dưỡng hàng tháng được xác định là mức lương tối thiểu, trừ trường hợp luật pháp có quy định khác hoặc đã được xác định theo quyết định có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền."
* Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại (người bị oan).
Điều 71 Hiến pháp 1992 quy định: "Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe" [30].
Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị oan bao gồm: tiền thuê phương tiện đưa người bị oan đi cấp cứu, tiền vé tàu xe thậm chí cả vé máy bay (nếu cần thiết) đi lại cứu chữa tại các cơ sở y tế, tiền thuốc và tiền mua các thiết bị y tế phục vụ cho việc cấp cứu, chi phí chiếu chụp Xquang, chụp cắt lớp, siêu âm, xét nghiệm, mổ, truyền máu, vật lý trị liệu… theo chỉ định của bác sĩ điều trị. Tiền viện phí, tiền mua thuốc bổ, tiếp đạm, tiền bồi dưỡng, tiền chăm sóc
phục hồi sức khỏe cho người bị oan (nếu có) và các chi phí cho việc lắp chân tay giả, mắt giả, mua xe lăn, xe đẩy, nạng chống, khắc phục thẩm mỹ, chi phí cho việc cấy ghép bộ phận cơ thể bị mất, chi phí giải phẫu về mặt thẩm mỹ do bị bỏng biến dạng cơ thể… để hỗ trợ thay thế một phần chức năng của cơ thể bị mất hoặc bị giảm sút của người bị oan (nếu có).
Trong trường hợp, ở những địa phương vùng sâu vùng xa, do phương tiện đi lại khó khăn, chủ yếu bằng xe máy, xe ngựa…, khi thuê các phương tiện này không thể có hóa đơn, chứng từ, nhưng mặc dầu vậy nếu người bị oan đưa ra chứng cứ chứng minh yêu cầu này thì đây phải được coi là chi phí hợp lý. Hay hiện nay nước ta có nhiều cơ sở y tế tư nhân hoạt động, khi người bị thiệt hại (bị oan) được đưa vào những cơ sở này cấp cứu, điều trị thì cũng cần phải buộc người gây thiệt hại bồi thường những chi phí cần thiết cho việc cấp cứu, điều trị của người bị thiệt hại (bị oan) tại các cơ sở đó. Ngược lại, có những chi phí mà cơ sở y tế ở địa phương có đủ điều kiện cấp cứu, chữa trị không cần thiết phải đưa đi cấp cứu, chữa trị ở những cơ sở khám chữa bệnh tuyến trên nhưng người bị oan lại yêu cầu, thì những chi phí này phải được coi là chi phí không hợp lý. Ngoài ra còn có những chi phí mà người bị thiệt hại (bị oan) yêu cầu vượt quá hoặc không liên quan đến việc chữa trị thương tích thì cũng không được bồi thường.
* Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút là phần thu nhập tương ứng với thu nhập của người bị oan trước khi sức khỏe bị xâm phạm mà người bị oan không thu nhập được. Phần thu nhập thực tế bị giảm sút là phần chênh lệch giữa thu nhập trước và sau khi sức khỏe bị xâm phạm. Nếu người bị oan có việc làm nhưng không ổn định thì có thể tính các khoản thu nhập bị giảm sút như sau: Ví dụ, trước khi sức khỏe bị xâm phạm, người bị oan có thu nhập 50.000 đồng/ngày; sau khi sức khỏe bị xâm phạm họ chỉ thu nhập được 30.000 đồng/ngày. Vậy người gây thiệt hại phải có trách nhiệm bồi thường số tiền chênh lệch là 20.000đồng/ngày.
Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị oan, nếu trước khi sức khỏe bị xâm phạm người bị oan có thu nhập thực tế nhưng do sức khỏe họ phải đi điều trị và do đó không có được khoản thu nhập đó. Nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức trung bình của lao động cùng loại ở từng địa phương. Tuy nhiên, trên thực tế, việc xác định thu nhập thực tế của người bị oan gặp khó khăn, bởi vì việc cung cấp tài liệu, chứng cứ của các bên rất khác nhau và một thực tế nữa là việc quản lý thu nhập công dân của nước ta chưa được chặt chẽ, phần nào khó khăn cho công tác xét xử và giải quyết loại án này. Cần phải xem xét người bị oan sau khi điều trị về nhà thì khả năng lao động của họ có còn hay không, nếu còn thì cần xác minh thu nhập hàng tháng sau đó đối chiếu với thu nhập của họ trước khi sức khỏe bị xâm phạm để xác định thu nhập bị giảm sút.
Khi tính thời gian hưởng thu nhập thực tế và thu nhập bị giảm sút cũng có nhiều quan điểm khác nhau nên dẫn đến cách tính khác nhau.
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Chỉ tính thu nhập thực tế bị mất, bị giảm sút trong thời gian người bị oan nằm điều trị để phục hồi sức khỏe.
Quan điểm thứ hai thì cho rằng: Thu nhập thực tế bị mất và bị giảm sút tính từ khi sức khỏe bị xâm phạm cho đến khi người bị oan chết, ý kiến này căn cứ vào khoản 1 Điều 612 Bộ luật dân sự: "Trong trường hợp người bị thiệt hại mất hoàn toàn khả năng lao động thì người bị thiệt hại được hưởng bồi thường cho đến chết" [34].
Theo tôi thì thời gian hưởng thu nhập thực tế được tính theo hai cách sau: - Trường hợp người bị oan mất hoàn toàn khả năng lao động thì thời hạn bồi thường thiệt hại được tính từ khi sức khỏe bị xâm phạm cho đến khi người bị oan chết (áp dụng theo khoản 1 Điều 612 Bộ luật dân sự).
- Trường hợp người bị oan không mất hoàn toàn khả năng lao động thì thời điểm tính bồi thường thiệt hại từ khi sức khỏe bị xâm phạm cho đến khi
thu nhập được khôi phục bằng thu nhập trước khi bị oan. Trong thực tiễn, các Tòa án thường quyết định buộc người gây thiệt hại phải bồi thường cho người bị thiệt hại một khoản tiền và đều được các bên chấp nhận.
* Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế của người chăm sóc người bị thiệt hại (bị oan) trong thời gian điều trị.
Thông thường chỉ chi phí cho một người, trường hợp đặc biệt không quá hai người (nạn nhân nằm một chỗ, bị hôn mê sâu, liệt dây thần kinh... phải có người trực tiếp theo dõi thường xuyên). Nếu người bị oan về sức khỏe bị giảm sút thiệt hại từ 81% trở lên thì người gây thiệt hại phải chịu chi phí cho người cấp dưỡng người bị oan cho đến khi người bị thiệt hại chết.
Thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị oan trong thời gian điều trị do người chăm sóc phải nghỉ việc để chăm sóc người bị oan.
Nếu người bị oan mất hoàn toàn khả năng lao động (bị liệt, bị chấn thương não mất trí nhớ…) và cần có người thường xuyên chăm sóc, thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị oan và khoản tiền cấp dưỡng cho những người bị oan có nghĩa vụ cấp dưỡng. Chi phí hợp lý và khoản thu nhập thực tế của người chăm sóc người bị oan trong thời gian điều trị theo chúng tôi thì đó là những khoản chi phí bù đắp cho người chăm sóc người bị oan do họ phải nghỉ không làm việc, sản xuất, lao động... để dành thời gian chăm sóc người bị oan, ngoài ra còn các khoản khác như: tiền tàu xe, tiền thuê nhà nghỉ (theo giá trung bình ở địa phương đó)…mà nếu như không phải chăm sóc người bị oan thì họ không phải chi.
Theo tôi thì chỉ nên coi những người mà người bị oan có nghĩa vụ phải cấp dưỡng và thực tế họ đang được cấp dưỡng là người mà người bị oan có nghĩa vụ cấp dưỡng cần căn cứ vào mức thu nhập của người bị oan và thực tế người đó cấp dưỡng cho người được cấp dưỡng trước khi bị oan để quyết định.