Trong bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thông thường thì khi áp dụng các quy định của pháp luật về mức bồi thường thiệt hại, cần phải xem xét thực tế và tùy vào từng trường hợp cụ thể mà quyết định: mức độ lỗi của người gây ra thiệt hại và người bị thiệt hại, khả năng kinh tế thực tế của người gây thiệt hại để Tòa án quan tâm xem có nên giảm mức bồi thường hay giữ nguyên mức bồi thường, như vậy thì quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự mới được bảo đảm tuyệt đối. Người gây thiệt hại phải bồi thường toàn bộ thiệt hại do lỗi cố ý mà mình gây ra, còn nếu vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài thì có thể được giảm mức bồi thường hoặc có thể chỉ phải bồi thường thấp hơn mức thiệt hại hoặc người bị thiệt hại cũng có lỗi.
Việc xét mức bồi thường thiệt hại như thế nào cũng là một vấn đề cần bàn đến, đó là khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì các đương sự có quyền làm đơn yêu cầu thay đổi mức bồi thường. Thông thường những khoản mà đương sự đưa ra đề nghị được thay đổi là thu nhập bị mất, thu nhập bị giảm sút, tiền cấp dưỡng. Trong luật dân sự thì tiền cấp dưỡng là khoản tiền kéo dài theo thời gian (có trường hợp cho đến khi trưởng thành, có trường hợp cho đến khi chết) cho nên không thể tính toán được chính xác trong một thời gian dài như vậy được, trường hợp yêu cầu thay đổi mức bồi
thường có thể xảy ra do yêu cầu của người gây thiệt hại, có thể do yêu cầu của người bị thiệt hại.
Đối với trường hợp người gây thiệt hại vì một lý do khách quan họ có thể có thu nhập cao hơn thời điểm xét xử hoặc họ có thể được thừa kế tài sản... nên người bị thiệt hại có quyền yêu cầu người gây thiệt hại đền bù một khoản tương xứng với hậu quả đã gây ra. Ngược lại, nếu người gây thiệt hại lâm vào hoàn cảnh khó khăn phải nuôi dưỡng bố, mẹ già, con nhỏ dại… họ có quyền yêu cầu được giảm mức bồi thường để vừa có khả năng chấp hành bản án vừa đảm bảo được cuộc sống cho gia đình.
Đối với người bị thiệt hại có thể bản thân họ hay phía gia đình họ có nguồn thu nhập cao trong khi đó thì người phải cấp dưỡng khó khăn hoặc mức cấp dưỡng không còn phù hợp với thực tế vì thế mà không bảo đảm cho người được cấp dưỡng một mức sống tối thiểu.
Còn trong bồi thường thiệt hại do cơ quan tiến hành tố tụng gây ra thì: Việc giải quyết bồi thường phải tuân theo các nguyên tắc sau đây:
- Kịp thời, công khai, đúng pháp luật;
- Được tiến hành trên cơ sở thương lượng giữa cơ quan có trách nhiệm bồi thường với người bị thiệt hại hoặc đại diện hợp pháp của họ;
- Được trả một lần bằng tiền, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Đây là yếu tố có ảnh hưởng nhiều đến các quy định về bồi thường trong pháp luật của các quốc gia vì nó liên quan đến "túi tiền" của Nhà nước (ngân sách) và có mối liên hệ chặt chẽ với tính hợp pháp hoặc bất hợp pháp của hành vi gây thiệt hại [25].
Trên nguyên tắc chung, thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời, tuy nhiên các quốc gia lại có cách quy định rất khác nhau. Pháp luật của Nhật Bản trên cơ sở tiếp cận trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Nhà nước trên hai góc độ: một là, bồi thường trong trường hợp hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật; hai là, đền bù cho nạn nhân của hoạt động tố tụng hình sự trên cơ sở mức đền bù được ấn định rõ ràng trong Luật. Đối với trường hợp thứ nhất, hành vi gây thiệt hại là trái pháp luật, vì vậy mức bồi thường là toàn bộ thiệt hại; trường hợp thứ hai, các hoạt động tố tụng hình sự dù đúng Luật nhưng xét về hậu quả vẫn gây ra thiệt hại cho người dân nên mức đền bù sẽ là cố định. Pháp luật Việt Nam, cụ thể là Nghị quyết số 388 thì lại quy định giới hạn mức bồi thường tổn thất về tinh thần cho nạn nhân của hoạt động tố tụng hình sự (Điều 5). Pháp luật của Philippine cũng quy định mức bồi thường tối đa (không quá 10.000 peso) trong mọi trường hợp.