Quyền sử dụng đất là tài sản riêng của vợ, chồng

Một phần của tài liệu Giải quyết tranh chấp về quyền sử dụng đất của vợ chồng khi ly hôn theo luật hôn nhân và gia đình năm 2000 (Trang 31)

6. Cơ cấu của luận văn

1.2.2.Quyền sử dụng đất là tài sản riêng của vợ, chồng

Khoản 1 Điều 32 Luật HN&GĐ năm 2000 quy định:

Vợ, chồng có quyền có tài sản riêng.

Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ chồng theo quy định tại khoản 1 Điều 29 và Điều 30 của Luật này, đồ dùng, tư trang cá nhân”

Quyền sử dụng đất là quyền tài sản, vì vậy nó có thể là tài sản chung của vợ chồng hoặc là tài sản riêng của mỗi bên vợ hoặc chồng. Trước khi kết hôn, cá nhân bằng sức lao động và nghề nghiệp của mình có thể tạo ra được khối tài sản lớn như quyền sử dụng đất, hoặc quyền sử dụng đất cũng có thể được tặng, cho, thừa kế riêng, những tài sản này được tạo lập trước thời kỳ hôn nhân và không thể coi là tài sản chung của vợ chồng nếu không có sự đồng ý của chủ sở hữu quyền sử dụng đất đó. Tuy nhiên, do một số yếu tố khách quan nên trước đây Luật HN&GĐ năm 1959 quy định những tài sản mà vợ, chồng có được đều là tài sản chung của vợ chồng, không phân biệt nguồn gốc và thời điểm xác lập quyền sở hữu (Chế độ cộng đồng toàn sản). Điều này dẫn đến tình trạng một số người mưu cầu lợi ích kinh tế để hưởng lợi cho riêng mình chứ không vì mục đích cao đẹp của hôn nhân là xây dựng một gia đình ấm no, hạnh phúc.

Điều 57 Hiến pháp năm 1992 quy định: mọi người có quyền tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật. Điều 30 Luật HN&GĐ năm 2000 cũng quy định: Vợ, chồng có quyền đầu tư kinh doanh riêng, do đó có quyền yêu cầu toà án hoặc tự thoả thuận với nhau chia tài sản chung để lấy tài sản riêng đó sử dụng vào mục đích kinh doanh của mình. Quyền sử dụng đất là tài sản có giá trị thực tế và giá trị sử dụng lớn. Khi kinh doanh riêng thua lỗ dẫn đến phá sản doanh nghiệp, trước hết người vợ hoặc người chồng phải lấy tài sản riêng của mình để chịu trách nhiệm về tài sản. Chỉ khi nào tài sản riêng không đủ thì mới lấy phần tài sản của người đó trong khối tài sản chung để thực hiện

nghĩa vụ của mình. Như vậy, quyền lợi của mỗi bên vợ, chồng cũng như mọi người khác trong xã hội được bảo vệ. Trước khi kết hôn, vợ và chồng đều là những chủ thể pháp lý độc lập với các quyền và nghĩa vụ hoàn toàn độc lập không có sự ràng buộc pháp lý trong mối quan hệ hôn nhân và gia đình. Do vậy, quyền sử dụng đất đương nhiên là tài sản riêng của mỗi bên. Quyền sử dụng đất này cũng có thể do vợ, chồng được tặng, cho riêng hay thừa kế riêng.

Quyền sử dụng đất được thừa kế, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân, nếu vợ hoặc chồng không tự nguyện nhập vào khối tài sản chung thì đương nhiên vẫn là tài sản riêng của mỗi người.

Quyền sử dụng đất là tài sản riêng của vợ, chồng được chia riêng cho vợ, chồng theo khoản 1 Điều 29 và Điều 30 (chia tài sản chung của vợ chồng khi hôn nhân còn tồn tại). Vợ hoặc chồng có thể sử dụng quyền sử dụng đất là tài sản riêng đó để đầu tư kinh doanh, thực hiện nghĩa vụ dân sự riêng.

Một nguyên tắc rất quan trọng đã được Luật HN&GĐ năm 2000 kế thừa từ Luật HN&GĐ năm 1986 là “vợ, chồng có quyền nhập hoặc không

nhập tài sản riêng vào khối tài sản chung”. Như vậy, quyền sử dụng đất của

vợ chồng có trước khi kết hôn, được thừa kế riêng, tặng cho riêng sẽ là tài sản riêng của một bên vợ hoặc chồng, nó chỉ có thể là tài sản chung khi vợ chồng có thoả thuận.

Mặc dù pháp luật Việt Nam tôn trọng, thừa nhận và bảo vệ quyền sở hữu riêng về tài sản của vợ chồng nhưng không thừa nhận (và không cho phép) việc vợ, chồng xác lập chế độ biệt sản trong hôn nhân như phần lớn các nước tư bản. Vì thế, nguyên tắc sở hữu chung hợp nhất luôn là nguyên tắc chủ đạo, chi phối toàn bộ chế độ tài sản trong quan hệ vợ chồng theo pháp luật HN&GĐ Việt Nam. Theo Nghị định số 70/2001/NĐ-CP, việc nhập tài sản riêng của vợ hoặc chồng là nhà ở, quyền sử dụng đất và những tài sản khác có giá trị lớn vào khối tài sản chung của vợ chồng phải được lập thành văn bản

có chữ ký của cả vợ và chồng. Văn bản này có thể được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật. Đây là căn cứ pháp lý để giải quyết tranh chấp về tài sản chung, tài sản riêng. Tranh chấp về quyền sử dụng đất thường xẩy ra khá phức tạp, vì vậy, một khi giữa vợ và chồng đã có văn bản thoả thuận (có chữ kí của hai bên) tài sản riêng của một bên nhập vào khối tài sản chung của vợ chồng, thì được xác định là tài sản chung.

Một phần của tài liệu Giải quyết tranh chấp về quyền sử dụng đất của vợ chồng khi ly hôn theo luật hôn nhân và gia đình năm 2000 (Trang 31)