Một số nguyên nhân chủ yếu của những vướng mắc,

Một phần của tài liệu Giải quyết tranh chấp về quyền sử dụng đất của vợ chồng khi ly hôn theo luật hôn nhân và gia đình năm 2000 (Trang 73)

6. Cơ cấu của luận văn

2.5.3.1. Một số nguyên nhân chủ yếu của những vướng mắc,

Trong thực tế giải quyết tranh chấp về quyền sử dụng đất của vợ chồng khi ly hôn, Toà án gặp phải rất nhiều vướng mắc, bất cập. Những vướng mắc, bất cập đó có thể do những nguyên nhân khách quan gây ra mà cũng có thể do nguyên nhân chủ quan.

* Nguyên nhân khách quan:

Một trong những nguyên nhân khách quan dẫn đến những vướng mắc, khó khăn của Toà án khi giải quyết tranh chấp là một số quy định của các văn bản luật chưa cụ thể, thiếu chặt chẽ đã dẫn đến nhiều cách hiểu không thống nhất, chẳng hạn như quy định tại khoản 1 Điều 96 Luật HN & GĐ năm 2000:

"Trong trường hợp vợ, chồng sống chung với gia đình mà ly hôn, nếu tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình không xác định được thì vợ hoặc chồng được chia một phần trong khối tài sản chung của gia đình căn cứ vào công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì phát triển khối tài sản chung cũng như vào đời sống chung của gia đình". Luật không quy định rõ "một phần" là bao nhiêu. Điều đó, một mặt tạo điều kiện cho việc xét xử của thẩm phán được độc lập trong thực tế giải quyết để phù hợp với từng hoàn cảnh, từng việc cụ thể, nhưng mặt khác lại có thể dẫn đến việc áp dụng pháp luật tuỳ tiện không thống nhất trên cả nước. Ngoài ra, theo các quy định tại khoản 2 Điều 28 và khoản 3 Điều 95 của Luật HN & GĐ năm 2000 thì nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng chưa được Luật quy định cụ thể. Bên cạnh đó, chưa có văn bản pháp luật nào quy định hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân có là tài sản chung của vợ chồng hay không?; "nhu cầu chung của gia đình" là gì?... Những thiếu sót này đã gây cho Toà án nhiều khó khăn trong thực tế giải quyết.

Trong thực tế giải quyết tranh chấp về quyền sử dụng đất của vợ chồng khi ly hôn, Toà án gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu thập, đánh giá chứng cứ, tài liệu liên quan đến quyền sử dụng đất. Việc xác định quyền sử dụng đất có là tài sản chung của vợ chồng hay không là rất khó. Thực tiễn xét xử hiện nay cho thấy, khó khăn nhất là việc xác định vợ hoặc chồng đã đưa quyền sử dụng đất là tài sản riêng của mình vào khối tài sản chung hay chưa, cha mẹ bên vợ, chồng cho chung hay cho riêng, cho hẳn hay mới chỉ cho mượn quyền sử dụng đất…Mặc dù đã có quy định: Nếu tài sản riêng của vợ, chồng là

quyền sử dụng đất thì khi nhập vào tài sản chung của vợ chồng phải bằng văn bản, có chữ ký của hai vợ chồng hoặc phải được công chứng, chứng thực. Tuy nhiên, trong thực tế của đời sống xã hội, các cặp vợ chồng thường không thực hiện đúng quy định của pháp luật, do đặc điểm của các quan hệ HN&GĐ là luôn xuất phát từ tình cảm, sự thương yêu gắn bó cùng nhau trong gia đình; vì vậy, vợ chồng thường (tự nguyện) sử dụng chung các loại tài sản, kể cả tài sản chung và tài sản riêng, miễn sao bảo đảm cho quyền lợi của gia đình. Điều đó đã dẫn tới hậu quả khi có tranh chấp thì việc xác định quyền sử dụng đất là tài sản chung hay là tài sản riêng của vợ chồng gặp nhiều khó khăn.

* Nguyên nhân chủ quan:

Trong đội ngũ cán bộ xét xử vẫn còn một số Thẩm phán có trình độ chuyên môn hạn chế, thiếu kinh nghiệm xét xử, có khi còn hiểu sai tinh thần điều luật dẫn đến việc áp dụng không đúng, không chính xác.

Bên cạnh đó, trình độ hiểu biết pháp luật của nhân dân còn thấp, ý thức tìm hiểu và chấp hành pháp luật chưa cao dẫn đến hiện tượng khiếu kiện không có cơ sở pháp lý xảy ra còn phổ biến.

Một nguyên nhân nữa là tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường. Nền kinh tế thị trường với những ưu điểm của nó đã làm cho xã hội ngày càng phát triển, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện rõ rệt… nhưng kéo theo là sự tăng lên đáng kể của một số tệ nạn xã hội như: tham nhũng, tham ô, nhận hối lộ… Đặc biệt là sự gia tăng của hiện tượng ly hôn.

Theo quy định của pháp luật thì trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng phải ghi tên cả vợ và chồng. Tuy nhiên, do phong tục, tập quán, trình độ hiểu biết pháp luật của người dân chưa cao nên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thường chỉ ghi tên một người. Điều này đã gây khó khăn cho Toà án trong việc xác định quyền sử dụng đất là tài sản chung hay là tài sản riêng của một bên vợ hoặc chồng.

Một phần của tài liệu Giải quyết tranh chấp về quyền sử dụng đất của vợ chồng khi ly hôn theo luật hôn nhân và gia đình năm 2000 (Trang 73)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(112 trang)