MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG TÍN DỤNG ĐỐI VỚI SMEs TẠI NHN0&PTNT CHI NHÁNH SÔNG CẦU
3.2.1 Hoàn thiện quy trình cho vay đối với SMEs
Cơ cấu tổ chức và quy trình tín dụng của Chi nhánh Sông Cầu bộc lộ một số hạn chế, chưa phát huy hết hiệu quả, năng lực, sở trường của cán bộ tín dụng. Một thực tế vẫn đang diễn ra tại NHN0&PTNT Chi nhánh Sông Cầu, đó là một cán bộ tín dụng phải đảm bảo nhận cùng lúc rất nhiều công việc từ tìm kiếm khách hàng, hướng dẫn khách hàng lập hồ sơ, đi tới cơ sở DN thẩm định tài sản đảm bảo, phỏng vấn
khách hàng vay vốn và tìm hiểu thông tin, phân tích tình hình DN... Bên cạnh đó, hiện nay Ngân hàng chỉ có một quy trình nghiệp vụ áp dụng chung cho tất cả các khách hàng DN mà không có sự phân biệt giữa các loại hình sở hữu DN, giữa DN nhỏ và DN lớn, giữa DN sản xuất với DN kinh doanh... Thực trạng này ảnh hưởng tới chất lượng tín dụng Ngân hàng của Chi nhánh Sông Cầu. Do vậy Ngân hàng cần phải củng cố và hoàn thiện hơn nữa quy trình và thủ tục cho vay đối với SMEs theo hướng:
Thứ nhất, có sự ràng buộc chặt chẽ trong quy trình phân cấp phê duyệt khoản vay, bảo đảm rõ trách nhiệm về thời gian, xử lý thông tin và trách nhiệm phê duyệt. Mở rộng, tăng cường phân quyền có điều kiện, thay thế phân quyền hiện tại (chỉ quan tâm tới mức phán quyết theo Chi nhánh, không quan tâm tới hạn mức đối với khách hàng vay tại nhiều Chi nhánh, nhóm ngành quan hệ...).
Thứ hai, đó là cần phải tách rời các khâu, các bước của quy trình tín dụng đối với các SMEs giao cho các bộ phận khác nhau đảm nhận với nhiệm vụ yêu cầu cụ thể, là một việc làm hết sức cần thiết. Giải pháp này được thực hiện trên cơ sở chuyên môn hoá từng bộ phận tín dụng, cũng như từng cán bộ tín dụng với mục đích chất lượng và phát triển tín dụng tốt nhất.
Thứ ba, Ngân hàng nên xem xét, thiết kế thủ tục cho vay đơn giản, phù hợp với pháp luật hiện hành, đảm bảo mục tiêu an toàn trong kinh doanh, thích ứng với từng nhóm khách hàng, từng loại cho vay.