Ngôn ngữ, giọng điệu trữ tình, lãng mạn

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật trong ký của Hà Minh Đức (Trang 65)

5. Cấu trúc của luận văn

3.2.2.Ngôn ngữ, giọng điệu trữ tình, lãng mạn

Có ý kiến nhận định rằng trong các tác phẩm kí của Hà Minh Đức, dù viết ở đề tài nào đi chăng nữa vẫn đậm chất thơ. Chính chất thơ này khiến cho tác phẩm trở nên mềm mại, uyển chuyển và dễ đi vào lòng người.

Điều này hoàn toàn không hề mâu thuẫn với giọng điệu phê bình, bình luận đã được thể hiện. Bởi vì bên cạnh vai trò là một nhà phê bình, nghiên cứu xuất sắc, ông còn là một nhà thơ, nhà văn khá thành công. Với các tập thơ như: Đi hết một mùa thu (1999), Ở giữa ngày đông (2001),

Khoảng trời gió cát bay (2003), Những giọt nghĩ trong đêm (2002), có

thể thấy, thơ ca cũng là một mạch nguồn trong tâm hồn ông, biểu hiện cho một tâm hồn giàu xúc cảm, nhiều suy tư với cuộc đời. Có thể dễ dàng tìm thấy chất trữ tình lãng mạn trong bất kì tác phẩm nào của ông. Biểu hiện đầu tiên của chất trữ tình, lãng mạn trong các tác phẩm kí đó là những bài thơ nhỏ đã được tác giả sáng tác bổ sung cho các bài viết của mình. Đó là bài thơ Một thoáng Nữu Ước viết về những cảm nhận và những ấn tượng còn đọng lại khi đến Nữu ước trong chuyến đi thăm Mỹ:

Nữu Ước những khối nhà chồng chất Như núi cao

Bóng mỗi con người sao bé nhỏ Thành phố thao thức trong đêm Chan hòa ánh sáng và bóng tối

63

[12;190]

Đó còn là bài viết về những bài thơ tình của tác giả chứa đựng những suy nghĩ, cách nhìn khác nhau về những vấn đề của cuộc sống: tình yêu, cuộc đời con người. Với tác giả, tình yêu là những gì trong trẻo nhất trong tâm hồn mỗi con người:

Trong vườn nhà em dưới bóng hoàng lan Anh trồng cây si gầy guộc

Đã hai năm rồi Cây si tươi tốt

Nhưng không vướng một cành hoàng lan Anh buồn nhưng anh chỉ yêu em

Cây si không thể trồng trên đất khác Xin đừng nhìn anh vô tình

Đừng nhìn anh thương hại Anh tin vào những gì sẽ tới Xin bình tâm

Cho anh đợi chờ

(Anh trồng cây si [12; 218, 219])

Bên cạnh đó, chúng ta còn thấy được những nuối tiếc của tác giả cho những gì đã qua với cái nhìn của một người còn nhiều quan điểm có phần cổ điển.

Biểu hiện thứ hai của chất trữ tình, lãng mạn trong các tác phẩm của ông, đó là những câu văn giàu hình ảnh và âm điệu mà chúng ta bắt gặp rất nhiều trong các tác phẩm. Đặc biệt, khi tác giả viết về khung cảnh và con người nơi đã từng đi qua. Đó là đêm trắng ở nước Nga với nhiều điều kỳ diệu: “Tôi đã hình dung trong trí tưởng tượng những đêm trắng của nước Nga được kể trong văn chương và đêm nay đang được sống với những giờ phút lãng mạn của đêm trắng. Không phải ánh sáng của ban

64

ngày tỏ tường đã có thể nhìn rõ đường nét của bàn tay mình hay tay bạn. Không phải ánh sáng mờ của đêm trăng. Đêm trắng với ánh sáng thiên về ban ngày nhưng mờ ảo. Bầu trời như vào một buổi sáng phủ đầy sương loãng, không dày đặc nhưng mơ hồ và ám ảnh. Tiếng những con quạ nhỏ vẫn chơi vơi trong sương không báo điềm dữ mà chỉ gợi nỗi buồn trong cuộc sống thường nhật” (Hội thảo Euro Viêt và những ngày ở St.

Peterburg). Đó là một Pari vào chớm đông với chút mùa thu còn sót lại ở

công viên Lucxembourg nên thơ: “Lá cây vàng ươm, vàng tươi, vàng đến non tơ vẫn tỏa bóng mát bên các lối đi. Trong gió đã có chút xào xạc rất nhẹ của những chiếc lá vàng khô…Các bồn hoa được đặt trên cao với nhiều màu sắc đỏ thắm, vàng tươi rạng rỡ. Những chú chim bồ câu khi đậu trên vai tượng, khi chao nghiêng cánh bay lượn trên không trung”.

(Một thoáng mùa thu Pari). Hoặc khi viết về những câu chuyện của

những con người rất gần gũi trong cuộc sống đời thường: “Như một sức cuốn hút không định trước, bàn tay tôi nắm lấy tay Lan, Lan để yên và bàn tay tôi trở nên bối rối. Đêm trăng sáng nhạt nhưng trong khoang nhỏ của chiếc xe trâu lại là bóng tối dày đặc. Không có một âm thanh nào ngoài tiếng xe trâu lăn đi gập ghềnh trên con đường đá. (Nhịp võng xe trâu). Hay: “Những cây phượng vĩ vào mùa thi nở những chùm hoa thắm đỏ. Các dải hoa bìm bìm màu tím thơm. Ve ran ran lên điệu nhạc mở đầu cho những ngày nắng hạ…Những con bướm hồng xinh xinh ngủ suốt ngày bên bóng lá, thỉnh thoảng như tỉnh giấc đập khe khẽ đôi cánh mỏng. Bướm ngũ sắc xòe đôi cánh rộng bay khắp khu vườn. Chuồn chuồn kim như sợi chỉ đỏ bay là là trên tán lá cây” (Tình yêu đầu ngọn gió). Đọc những câu văn ấy, chúng ta cảm thấy như có những nốt nhạc đang ngân vang, tạo ra sự lay động đến tâm hồn con người. Tác giả đã nhìn cuộc sống bằng đôi mắt của tâm hồn nhiều rung cảm. Chính vì vậy, dường như ở đây, chúng ta không phải đang tiếp cận với các tác phẩm kí mà đang

65

được đọc những dòng văn của các tác phẩm truyện ngắn lãng mạn. Và không chỉ có thế, ngay cả việc kể lại cuộc gặp gỡ giữa một chàng trai và một cô gái trong một khu vườn đẹp như cổ tích hay mối tình của một cô gái gốc Hà Nội và anh giáo viên trẻ tuổi giữa vùng trung du đầy nắng và gió, với những lá thư được đánh số cẩn thận, với nụ hôn tha thiết trên ngọn đồi cao giữa buổi hoàng hôn của vùng đất xa lạ cũng đã là một biểu hiện rõ rệt cho chất trữ tình và lãng mạn trong các tác phẩm của Hà Minh Đức. Mặc dù được biểu hiện khá đậm nét trong các tác phẩm nhưng chất trữ tình, lãng mạn vẫn không làm mờ, không lấn át chất hiện thực, không làm thay đổi tính chất, đặc trưng của thể loại ký cũng như bản chất cuộc sống. Ngược lại, nó khiến cho tác phẩm ký trở nên mềm mại, uyển chuyển hơn, truyền tải đến người đọc một cách dễ dàng và biểu cảm hơn những ý nghĩa mà nhà văn muốn thể hiện. Không những thế, chất trữ tình và lãng mạn trong các tác phẩm ký còn tạo sự khác biệt giữa ký văn học và ký báo chí. Chỉ ở ký văn học, chúng ta mới có thể bắt gặp lối viết này bởi vì bên cạnh việc tôn trọng và nhấn mạnh đến các sự kiện trong tác phẩm, ký văn học còn cho phép người viết được thể hiện những suy tư, cảm nghĩ rất riêng của mình về những sự kiện, con người được phản ánh.

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật trong ký của Hà Minh Đức (Trang 65)