6. Cấu trúc luận văn
3.2.1. Lố bịch hóa các biểu tượng mang tính siêu nghiệm
Các biểu tượng mang tính siêu nghiệm đã bị chế giễu. Ngai vàng vốn tượng trưng cho quyền lực, sức mạnh, nhưng trong kịch Giraudoux, ngai vàng bị lố bịch hóa. Khi Égisthe bước vào giữa tiếng hoan hô, đám người hầu đưa vào đồng thời một ngai vàng và… một chiếc ghế đẩu. Ghế đẩu dành cho người ăn xin, “thật hoàn hảo là ăn xin” nhưng có thể ngay lập tức trở thành một vị thần (Hồi I, cảnh 3: Égisthe nói “Để cái ghế đẩu đấy (…). Có thể đó là đại diện những vị thần trong lễ kết hôn với Électre” [2, tr. 45] anh ta ngồi xuống, giữa đất và trời, ngang hàng với Égisthe và thường ngắt lời Égisthe bằng những câu bâng quơ. Ngồi trên ghế đẩu, anh ta có những đánh giá xác đáng - đó là dư luận quần chúng.
Rõ ràng, Giraudoux đã “hạ bệ” sự vật biểu trưng cho sự cao quý, sang trọng, đồng thời lại nâng cao giá trị cho những thứ tưởng như tầm thường.
Chính vì lẽ đó, vở bi kịch Électre đã có những dấu hiệu hài kịch hết sức hóm hỉnh, thông tuệ, phá vỡ tính cứng nhắc của bi kịch cổ đại truyền thống.
Các tiểu nữ thần Euménides được ví như những cái nấm, rồi như những con rắn độc: “Mắt tôi đã trông thấy nấm mọc. Nó lớn ngay trước mắt… với tốc độ một cái nấm amanít” [2, tr. 23], “Đồ rắn độc nhãi ranh” (lời người làm vườn đối thoại với các tiểu nữ thần) [2, tr. 27].
Agathe lơ đễnh bởi những con chim kền kền đang bay lượn: “Tôi hếch mũi lên. Tôi nhìn con chim đang lượn trên đầu Égisthe” [2, tr. 205].
Sức mạnh của các thần bị cáo giác bởi Égisthe bằng cách thiếu tôn kính, vô lễ, gọi họ là: “những tay đấm bốc mù”, “những cái mông mù”. Ông ta còn giễu cợt họ bằng cách không hướng sự chú ý của họ vào các tội phạm nghiêm trọng: “Ta có biết một người mẹ có bảy con, người ấy có thói quen lúc nào cũng đánh một đứa, đó là một người mẹ thiên thần. Việc ấy tương ứng với điều chúng ta suy nghĩ về các vị thần, đó là những đấu thủ quyền mù, những kẻ phết vào đít không có mắt, thích thú lại đấm trúng vẫn những má cũ, đánh vào những mông xưa” [2, tr. 49].
Ngay cả sự tồn tại của các thần cũng bị đưa ra tranh cãi: Égisthe nghi ngờ: “Tôi tin ở các thần. Hoặc đúng ra là tôi tin rằng tôi tin ở các thần”. Thật là một câu nói thiếu tôn kính được diễn đạt bằng sự lặp lại đức tin giống hệt như sự phủ định! Người làm vườn cũng nghi ngờ: “Ngay cả nếu chỉ còn có một vị ở đó, và ngay cả nếu vị này vắng mặt”: nghĩa là rất loanh quanh! Có cũng được mà không cũng được, hết sức mơ hồ bằng cách diễn đạt thế này cũng được mà thế kia cũng được đã cho thấy sự vô nghĩa của thế giới các thần mà các nhân vật của Giraudoux thể hiện. Thậm chí cả Électre khi thông báo với Égisthe rằng “nữ sứ giả của các thần” sẽ không đến cũng tỏ ra hết sức châm chọc: “Nếu quy chế thánh thần là một Égisthe được xá tội vì tình yêu thành phố, được kết hôn với Clytemnestre vì sự khinh thường việc nói dối và để
cứu vớt giới thị dân và các lâu đài, thì đúng là lúc nữ sứ giả phải đứng giữa hai người, với các văn bằng và huy hiệu của bà ta. Bà ta không đến” [11, tr. 221] (đầu Hồi II, cảnh 8); Nàng tranh luận đanh thép: “Tôi không nghi ngờ gì cả! Trong sự thành thật của ngài, tôi nhận ra sự đạo đức giả của các vị thần, trò ma quỷ của họ. Họ đã chuyển người ăn bám thành người công minh, kẻ ngoại tình thành chồng, kẻ chiếm ngôi thành vua! (…). Đối với các người mà ta khinh bỉ, họ tạo thành một khối danh dự. Nhưng có một sự lột xác đã hỏng trong tay họ, đó là việc chuyển kẻ tội phạm thành người lương thiện” [2, tr. 221-223]; “Trong đất nước này là tổ quốc của tôi, người ta không dành cho thánh thần việc trông nom sự công bằng. Thánh thần chỉ là những nghệ sĩ” [2, tr. 231].
Tóm lại, sự biến mất của các thần đã kéo theo sự biến mất của điều khủng khiếp mà đây lại là sức mạnh làm nên bi kịch cổ đại. Các nhà soạn kịch hiện đại đã tìm cách né tránh gợi ra lòng xót thương cũng như sự khủng khiếp mà Aristote đã chỉ ra là những nền tảng quan trọng của bi kịch. Anh ta không nhắm tới sự thanh lọc (catharsis) thông qua sự thống thiết, cảm động, mà ngược lại. Anh ta không hướng đến trái tim, tình cảm của con người hiện đại mà là nhắm tới trí tuệ của họ, khơi gợi ở họ sự suy tư về hiện sinh.