Tình yêu, hạnh phúc gia đình

Một phần của tài liệu Huyền thoại trong kịch Jean Giraudoux (Trang 48)

6. Cấu trúc luận văn

2.2. Tình yêu, hạnh phúc gia đình

Cuộc kiếm tìm sự thật có thể được coi là đề tài cơ bản của vở Électre. Từ nguyên Électre trong tiếng Hi Lạp “Elektra” nghĩa là “ánh sáng”. Sự thực, Électre có mặt trong vở kịch để soi rọi ánh sáng vào các biến cố, làm bật ra sự thật. Nhờ ở sự hiện diện của nàng mà nhiều nhân vật trong đó đã tự thức tỉnh và nhìn ra sự thật “của họ”, ví như nàng Agathe trong hồi II, cảnh 6. Nhân vật người ăn mày (vừa là thần, vừa là ăn mày đồng thời là đạo diễn trên

sân khấu) cũng góp phần vào việc thiết lập sự thật. Chính ông ta đã giải thích: “lịch sử quá trớn hoặc không quá trớn” khi kể lại việc mưu sát Agamemnon.

Électre được Giraudoux xây dựng như một con người kiên định, người bảo vệ sự thật, công lí dù phải hi sinh hạnh phúc cộng đồng, nếu điều đó là cần thiết. Nàng là hiện thân của người phụ nữ bảo vệ cho sự trong trắng, cho sự thật và công lí. Nhân vật sẽ được đọc theo nghĩa kép hiện diện trong suốt vở kịch, tính đa âm đó khiến cho khán / độc giả băn khoăn không biết nên coi nàng là hiện thân của một người con gái lí tưởng hay ích kỉ, luôn sẵn sàng hành động để đạt được mục đích của mình. Nếu sử dụng sơ đồ hành động của Greimas để áp dụng vào trường hợp của Électre với tư cách nàng thực hiện chức năng chủ thể, ta sẽ thấy nhân vật này mang trong mình hầu như toàn bộ các đề tài tâm đắc của Giraudoux về người phụ nữ: cuộc chiến cho các lí tưởng, tình yêu, định mệnh và tính tiền định, cũng là những đề tài vốn đã có trong huyền thoại Hi Lạp cổ đại.

Đây là những đề tài được Giraudoux rất quan tâm. Nhà văn gửi gắm những thông điệp về tình yêu lứa đôi, về hạnh phúc vợ chồng thông qua hình thức huyền thoại. Những yếu tố tính dục, sự tàn bạo, tình yêu thương đồng loại, chiến tranh, tội ác, sự kinh hoàng, niềm tin, sự sống, ngọn lửa sáng tạo, v.v. của loài người nói chung được thể hiện trong kịch dưới một giọng điệu khó tách bạch hư, thực giữa cái huyền thoại với đời sống đương đại.

Vở Amphitryon 38, công diễn lần đầu vào ngày 8 tháng 11 năm 1929 tại nhà hát kịch Sant Élissey. Con số 38 ở sau có dụng ý: đây là vở thứ 38 viết về huyền thoại Amphitryon. Giraudoux đưa lên sân khấu rất nhiều nhân vật: Chúa trời, các vị thần, các người anh hùng cùng những cảnh mang tính huyền thoại, bên cạnh đó là các nô lệ cùng những cảnh huống gây cười. Giraudoux đã khéo léo xếp đặt ngôn ngữ đời thường với thứ ngôn ngữ tinh tế, trang trọng. Vì vậy vở kịch này còn có thể gọi là một vở bi-hài kịch hiện đại. Trên

cơ sở phỏng theo thần thoại Hi Lạp, tác giả đưa lên sân khấu hai nhân vật - đôi vợ chồng hạnh phúc Amphitryon và Alcnène. Giraudoux mượn nhân vật Alcnène - một người phụ nữ “đầy nữ tính bình dị, một người phụ nữ lí tưởng”, luôn hết lòng vì chồng [12, tr. 211] để hướng tới mục đích cuối cùng là giải quyết vấn đề thân phận con người trong xã hội một cách dí dỏm và thông minh.

Ngược lại, trong kịch Giraudoux cũng có rất nhiều trường hợp những đôi vợ chồng không sinh hoạt như vợ chồng thực sự. Với vở Électre, Giraudoux đã đưa lên sân khấu ít nhất ba cặp vợ chồng tiêu biểu cho những trường hợp trên. Đầu tiên là vợ chồng Agamemnon và Clytemnestre. Cuộc hôn nhân của họ hoàn toàn gượng ép, cuối cùng đã dẫn đến một tấn thảm kịch đẫm máu. Agamemnon chiếm đoạt Clytemnestre bằng sức mạnh của quyền lực chứ không phải chinh phục bà bằng sức mạnh của tình yêu. Clytemnestre ngay từ đầu đã căm ghét và ghê sợ chồng. Cuộc sống gia đình trở nên nặng nề và đáng nguyền rủa đối với người phụ nữ nhiều tham vọng này. Không thỏa mãn với hạnh phúc của mình, Hoàng hậu Clytemnestre tìm đến người tình Égisthe - người đã cùng bà thực hiện hoàn hảo kế hoạch mưu sát chồng. Nhưng cuộc tình này cũng không đi đến một kết thúc có hậu. Vở Électre là bi kịch theo đúng nghĩa của nó khi mà hầu hết các cặp vợ chồng được đề cập đến đều không có được tiếng nói chung trên con đường kiếm tìm hạnh phúc.

Cặp vợ chồng thứ hai là Agathe và anh chồng thẩm phán của mình. Hai người này không yêu nhau, không thủy chung với nhau, cũng không hề có mối quan tâm chung nào. Agathe và Clytemnestre là những người phụ nữ loại bỏ chồng. Hứng thú chung của họ không phải ở tình yêu mà ở chỗ khác, cũng như Électre và người làm vườn (cặp thứ ba), không thể chia sẻ những hứng thú khác, càng không thể chia sẻ với nhau hứng thú tình yêu.

Thánh, được Giraudoux viết trong thời gian chiến tranh cũng tương ứng với giai đoạn khó khăn trong quan hệ vợ chồng của ông (cuộc hôn nhân của Giraudoux có nguy cơ tan vỡ) cũng đề cập đến vấn đề này: một bi kịch về những mối quan hệ giữa đàn ông - đàn bà và sự bất khả thỏa mãn giữa hai giới khi mỗi giới lại có những mối quan tâm, chờ đợi khác nhau.

Vở kịch được công diễn ngày 11 tháng 10 năm 1943 ở Nhà hát Hébertot và được diễn thêm 214 lần nữa cho đến tháng 5 năm 1944.

Một phần của tài liệu Huyền thoại trong kịch Jean Giraudoux (Trang 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(100 trang)