Kịch huyền thoại Giraudoux gợi ra những suy ngẫm

Một phần của tài liệu Huyền thoại trong kịch Jean Giraudoux (Trang 73)

6. Cấu trúc luận văn

3.2.3. Kịch huyền thoại Giraudoux gợi ra những suy ngẫm

Sử dụng huyền thoại cổ vào kịch như một phương tiện giải trí, Giraudoux còn muốn gợi ra những suy tư cho con người hiện đại. Ông đã dựa vào trò chơi về các biểu tượng khác nhau: những yếu tố về cảnh trí như lâu đài hoặc đám cháy vào cuối vở kịch; các đạo cụ như chiếc ghế đẩu (Hồi I, cuối cảnh 2) hoặc thanh kiếm (Hồi I, cảnh 12); con chim kền kền. Bản thân các nhân vật cũng trở các thành biểu tượng: các tiểu nữ thần Euménides và sự lớn lên dần của chúng, chúng vừa quấy rầy vừa bảo vệ, lại vừa thông báo định mệnh đang tiến triển thông qua sự lớn lên của chúng; người ăn mày, đó chính là biểu tượng về bước đi không thể tránh khỏi của định mệnh, nhưng y là chúa trời hay kẻ say rượu?

Các biểu tượng cũng khó hiểu, mập mờ, đa nghĩa: tính hai mặt của mặt tiền tòa lâu đài (hạnh phúc / đau khổ); các trò chơi về ánh sáng trên sân khấu cũng có thể đọc thành hai cấp độ: phá hủy / canh tân; chiếc ghế đẩu là ngai

vàng, nhưng nhuốm màu giễu nhại. Việc đưa lên sân khấu mĩ học của sự mập mờ, lưỡng lự đã mang lại tính vấn đề cao. Nó gợi lên nhiều suy nghĩ cho khán giả.

Không chỉ dừng ở đó, Giraudoux còn khơi gợi về một cách đọc hiện đại đối với huyền thoại. Một lối đọc phân tâm học có thể giúp nắm được sự phức tạp trong tâm lí của các nhân vật: phức cảm Oedipe ở phụ nữ đã được Freud đặt ra: như tình cảm của Électre đối với cha và với em trai mình; thậm chí tình cảm lẫn lộn giữa Oreste với mẹ (Hồi I, cảnh 11); mối cừu địch giữa con gái với mẹ đẻ;... các phức cảm đó thường được tô phớt qua, thận trọng, dè dặt.

Những ám chỉ về thời sự chính trị của nửa đầu thế kỉ XX cũng gợi cho người đọc suy nghĩ về một cách đọc khác: đó là thái độ thuận theo trước nguy cơ về một chủ nghĩa toàn trị cực quyền mà đỉnh điểm của phái tả dâng lên từ sau 1934; nó gợi ra những suy nghĩ về trách nhiệm của cá nhân giữa tập thể; trật tự đã được thiết lập (quyền lực của nhà nước, ở đây là của người chồng hay của nhà thờ) liệu có bị mang ra tranh cãi hay không? Đâu là sứ mệnh và trách nhiệm của người lãnh đạo? Vở kịch còn gợi ra suy nghĩ về cấu trúc xã hội: vị trí của người phụ nữ trong xã hội chúng ta như thế nào?

Bên cạnh đó, kịch Giraudoux còn gợi ra những suy ngẫm về tính chất triết học: ta có thể phân biệt Thiện và Ác được không? Égisthe muốn làm điều Thiện vì tập thể; Électre cũng muốn điều Thiện, nhưng đó là cái Thiện tuyệt đối, và được biểu lộ ra trong con mắt những người Argos là cái Ác. Đồng thời, kịch Giraudoux còn cho thấy sự mong manh của thân phận con người: hệ đề tài về hạnh phúc không thể đạt được (xem: những đối thoại của Oreste hoặc của người làm vườn); về sự tự do ý chí; về sự hiện diện hoặc vắng mặt của Chúa trời; về tính tiền định bên ngoài (định mệnh bị áp đặt bởi các thần linh) đã được thay thế bằng tính tiền định bên trong ở các nhân vật (lòng thù hận không thể lí giải được đã dẫn dắt Électre đến chỗ trả thù).

Tóm lại, Giraudoux đã làm sống dậy huyền thoại cổ xưa qua việc đem lại cho nó một tầm vóc mới mang tính chất toàn thế giới (chẳng hạn sự mong manh của con người) hay những vấn đề của thế kỉ XX (sự biến mất của lòng tin, sự độc tài,...). Những vấn đề hết sức quan trọng của thời đại chúng ta đã được Giraudoux hình tượng hóa chúng trên sân khấu và làm say mê lòng người. Khán giả tìm thấy mình trong mỗi hình tượng đó: thân phận của con người hiện đại.

Huyền thoại trong kịch Giraudoux đã đến được với tất cả mọi tầng lớp người (tư sản, người bình dân); nó gợi ra tính chất bi thảm của tồn tại: sự cô đơn của con người trước những chọn lựa; sự không thể hiểu nhau giữa con người với con người, sự thiếu vắng niềm tin,... Từ đó, kịch Giraudoux là kịch của sự lưỡng lự, lập lờ: ông không hề đặt ra đề tài nào đó một cách rõ ràng, nhưng hầu như người ta đều thấy được sự hiện diện của chúng (ví dụ như sự hiện diện của Chúa trời đã gây băn khoăn, nhưng nó lại không bị phủ nhận).

Một phần của tài liệu Huyền thoại trong kịch Jean Giraudoux (Trang 73)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(100 trang)