Những cách tân nghệ thuật kịch của Giraudoux

Một phần của tài liệu Huyền thoại trong kịch Jean Giraudoux (Trang 75)

6. Cấu trúc luận văn

3.2.4. Những cách tân nghệ thuật kịch của Giraudoux

3.2.4.1. Làm phong phú các tình tiết kịch

- Người làm vườn với đoạn độc thoại dài kỉ lục

Trong tiểu thuyết, truyện ngắn: độc thoại thông thường là lời nói trong lòng, là suy nghĩ chưa được phát biểu thành lời. Còn đặc trưng của kịch là để diễn, nên độc thoại được phát biểu thành lời để khán giả xem và nghe.

Về mặt lí thuyết, yếu tố có ý nghĩa quyết định trong kịch là các phát ngôn của nhân vật, biểu thị hành động ý chí và sự tự khám phá của họ. Lời nói ở kịch và sân khấu nhằm vào loại địa chỉ hai phía: diễn viên (nhân vật) nói với bạn diễn, đồng thời đấy cũng là độc thoại gửi tới khán giả. Yếu tố độc thoại ở kịch có thể ngầm ẩn trong đối thoại dưới dạng những câu hỏi không có lời đáp hoặc dưới dạng những độc thoại thật sự, bộc lộ những cảm xúc và suy nghĩ kín đáo của nhân vật, từ đó làm tăng kịch tính, mở rộng phạm vi và ý

nghĩa của sự miêu tả. Nếu kịch thế kỉ XIX thiên về đối thoại do chủ yếu tập trung vào đời sống cá nhân và sinh hoạt gia đình thì sang thế kỉ XX, do chỗ các sáng tác kịch đề cập nhiều đến các xung đột chính trị xã hội sâu sắc của thời đại nên yếu tố độc thoại lại tái sinh. Điều hiếm thấy trong các vở kịch là những đoạn độc thoại dài, có hiệu ứng: gây nên biến đổi trong cấu trúc của vở kịch. Thời gian nghỉ giữa hai hồi vừa là thời gian giải lao vừa là lúc để người đọc, người xem có dịp suy nghĩ, chiêm nghiệm.

Trong huyền thoại cổ đại về Électre không xuất hiện nhân vật này. Đây ban đầu là hư cấu của Euripide. Để đưa Électre ra khỏi lâu đài và truất ngôi của các con nàng nếu nàng có, Égisthe và Clytemnestre tìm cách gả nàng cho một anh nông dân bình thường. Ở đây, đám cưới chưa được định đoạt dứt khoát nên nó không diễn ra. Sở dĩ như vậy là vì hai lí do: Clytemnestre phản đối (Hồi I, cảnh 4 và cảnh 7), và do Oreste đã trở về thế chỗ người làm vườn (Hồi I, cảnh 5). Như vậy, người làm vườn chỉ là cơ hội cho một đám rước theo phong tục diễn ra (ở Hồi I, cảnh 1, anh mặc quần áo ngày lễ, có khách mời trong làng đi cùng); tiếp đó là những bài ca quyến rũ về tình yêu vườn tược và về đạo lí của những người nghèo (Hồi I, cảnh 4). “Anh khác hẳn các nhân vật bi kịch vì lẽ đó, anh không hành động gì, và lúc giải lao, anh có nhiệm vụ đứng trước màn bình luận, tạo ra sự đối lập giữa sức chịu đựng và lòng tin của nhân vật có tính chất bi ca và mục đồng ca của mình với sự kiêu hãnh thuần khiết và khắc nghiệt của những nhân vật bi kịch” [2, tr. 279].

Thực chất vai người làm vườn là cái cớ để Giraudoux bày tỏ những suy nghĩ của mình về tình yêu, hạnh phúc, về các giá trị cuộc sống thông qua cái nhìn và giọng điệu của một con người bình dân trên một sân khấu kịch trang trọng, mà những nhân vật chính của vở kịch là giới quý tộc. Đoạn giải lao giữa hai hồi, Giraudoux đặt tên là Điệu ca ai oán của người làm vườn với

“Tất nhiên, không có cái gì biến đi, có cái gì tự thu xếp, nhưng đôi khi, các vị nên thấy rằng có cái biến đi, có cái tự thu xếp thật mĩ mãn” [2, tr. 139]. Cũng chính con người bình dân này đã có những bình luận đúng nhất về mối quan hệ giữa Hoàng hậu và Électre, về cuộc sống trong Hoàng tộc, về chính trị - đạo đức, và hơn hết, về bi kịch của niềm tin và tình yêu.

Vai người làm vườn mới xong tạm thời, từ đó trở đi, như Giraudoux giải thích trong Visitation (tr79), vai ấy ám ảnh trí tưởng tượng của tác giả: “Trên đời này nếu tôi không có vườn tược, thì ít nhất tôi cũng có một người làm vườn đi theo tôi khắp mọi nơi”. Về sau này, nhân vật người làm vườn lại xuất hiện trong Sodome và Gomorrhe với một đoạn độc thoại dài nối giữa hai hồi.

- Thêm vào một số tình tiết mới

Vở Électre của Giraudoux là một vở bi kịch thấm đẫm nhất của

Giraudoux lấy đề tài từ huyền thoại Hi Lạp cổ đại. Song đây không chỉ là một vở bi kịch thuần túy. Bằng cách mượn lối diễn tả của tiểu thuyết trinh thám, Giraudoux đã đem lại sức sống mới cho “tấm sợi ngang đã lỗi thời của bi kịch cổ điển” [2, tr. 269]. Đó là điều rất mới lạ so với các vở kịch về Électre và Oreste trước đó: cả hai chị em Électre và Oreste đều không biết nguyên nhân cái chết của cha họ. Trên cơ sở đó, Giraudoux đã xây dựng hai hồi của vở kịch là chuyện một cuộc điều tra do nữ nhân vật chính tiến hành. Trong huyền thoại Hi Lạp cổ, chi tiết Agamemnon bị ám sát được miêu tả kỹ càng và công khai ngay từ đầu, Oreste và Électre đều đã xác định được kẻ tội phạm là ai. Đến Giraudoux, tình tiết vụ mưu sát bị đẩy xuống cuối vở kịch, và cũng không phải do nhân vật chính truy tìm ra.

Trong Électre, Giraudoux đã bỏ đi dàn đồng ca và thay vào đó là vai

Người ăn mày và các tiểu nữ thần Euménides: các Euménides, thần báo thù, đầu vở kịch chỉ là các cô bé, cuối vở đã lớn bằng Électre: chúng biểu diễn cho sự vận hành của định mệnh. Người ăn mày - chứng nhân, thám tử, bà đỡ

cho sự thật, đóng vai trò phát ngôn của định mệnh mà anh ta đưa ra ánh sáng. Anh ta bình luận về lời nói và hành động của các nhân vật khác. Là người đối thoại xen vào hai vai chính (Égisthe và Électre), anh ta dẫn dắt và soi sáng con đường đưa họ đến việc thực hiện định mệnh tương hỗ của họ. Trong giờ giải lao, người làm vườn đã phá vỡ sự ảo tưởng về sân khấu bằng cách gợi ra cho các khán giả những gì mà vở kịch không diễn, khẩu hiệu về cuộc sống, với anh ta, là “Niềm vui và Tình yêu”. Giraudoux vẫn giữ các nhân vật với cái nền của huyền thoại cổ đại nhưng làm rỗng đi ý nghĩa đầu tiên của chúng bằng cách thay thế sự phóng túng giễu cợt vào chỗ xúc động thần thánh. Tính bất lịch sự của việc làm sai trật niên biểu, sự tục tĩu của con người và trò chơi nhại đã làm giảm đi tính chất uy nghi thần thánh. Chính sự vắng mặt của các thần lại chỉ ra sự thờ ơ khủng khiếp của họ.

Giraudoux đã thay âm hưởng bi kịch bằng bút pháp kịch đặc biệt của ông: tính chất kiểu cách. Tính chất này được thể hiện trong sự tìm tòi từ ngữ chính xác của ông, trong ẩn dụ và phản đề. Ông coi chúng như những phương thức phong cách để tạo ra những hình ảnh mang tính thơ của đời sống bằng cách đối lập nó với tính chất văn xuôi dung tục hằng ngày. Giraudoux thường mở rộng nghĩa của ngôn ngữ, tung hứng các từ, chơi chữ với các từ đồng nghĩa,... Sự khôi hài có mặt trong khắp các vở kịch của Giraudoux: nói về các vấn đề cao thượng bằng giọng bình dân. Sự hài hước được sinh ra từ trò chơi về những sự mất cân đối, được nhấn mạnh ở những sai trật niên biểu; kiểu ông nói gà bà nói vịt hay các đối thoại rời rạc là những thủ pháp mà Giraudoux hay sử dụng.

Bằng những phương thức đó, Giraudoux đã đem lại bài học về sự sáng suốt, khôn ngoan cho con người qua việc nỗ lực giải trừ cái bi, mang lại tiếng cười sảng khoái.

3.2.4.2. Tái tạo lại các mẫu cổ huyền thoại

Huyền thoại là sự trung chuyển (trung gian) cho phép sự tự do của phát ngôn, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà văn trong quá trình sáng tạo. Những mẫu gốc và những huyền thoại cổ đại đã có mặt trong tiềm thức của độc giả, do vậy, khi tái tạo lại các mẫu gốc hay huyền thoại đó, tác giả có thể đi thẳng vào câu chuyện một cách sống động, và nhanh chóng đi đến các nhánh phái sinh của câu chuyện. Đối với những huyền thoại vốn đã phổ biến và nổi tiếng, nhà văn cần phải tôn trọng văn bản gốc và hình tượng gốc nhiều hơn để bớt đi phần tô vẽ. Còn đối với các huyền thoại ít được các thế hệ sau đề cập đến, một mặt nhà văn sẽ gặp không ít khó khăn trong việc tái hiện lại, mặt khác, họ lại được tự do sáng tạo. Như vậy, việc sử dụng huyền thoại rất co giãn ở các tác giả khác nhau. Ở đây chúng tôi muốn đề cập đến vấn đề mẫu gốc và sáng tạo trong các vở kịch huyền thoại của Jean Giraudoux.

Mẫu gốc (archétype: siêu mẫu, cổ mẫu, mẫu gốc) là “những hình ảnh

hoặc ý niệm đầu tiên, nguyên khởi, được di truyền từ thế hệ nọ sang thế hệ kia” [9, tr. 201]. Theo Jung, những mẫu gốc này là những môtip có đặc tính

bản chất phổ quát: nhất là những sơ đồ tâm lí bền vững, được tái hiện lại một cách vô thức và tìm thấy nội dung trong các nghi lễ, thần thoại tượng trưng, tín ngưỡng cổ xưa, trong những hành vi tâm lí (giấc mơ) và cả trong sáng tác nghệ thuật ngay đến thời nay [20, tr. 972-973].

Văn hoá cổ đại, đặc biệt là những văn bản lớn về bi kịch có ảnh hưởng suốt chiều dài sự nghiệp sáng tác của Jean Giraudoux. Được thừa hưởng nguồn tư liệu phong phú thời cổ đại, cộng với niềm ham thích, say mê đối với các giá trị truyền thống, trong các vở kịch của mình, Giraudoux có sự chăm lo đặc biệt đến việc tái hiện và chuyển tải sang thời hiện đại những vấn đề muôn thuở của con người. Tham vọng của ông rất khiêm tốn, ít nhất ông cũng làm phục sinh một vài gương mặt lớn trong huyền thoại cổ đại và đưa

nó về gần với chúng ta. Trong những gương mặt lớn đó thì Électre cùng với số phận bi kịch của cô đã ám ảnh hầu hết các vở kịch lớn của Giraudoux.

Dưới đây, chúng tôi sẽ chỉ ra những điểm kế thừa và những điểm sáng tạo của Giraudoux khi tái hiện lại hình tượng Électre.

Như đã trình bày ở trên (Mục 1.3 - Chương 1), qua từng thời kì, Électre đã trở thành đề tài chính cho nhiều vở kịch. Ở mỗi tác giả, hình tượng Électre lại được khai thác ở từng góc độ khác nhau với mục đích chuyên chở những ý tưởng khác nhau. Nét độc đáo của Giraudoux khi sử dụng lại huyền thoại này là: ông quay trở về với cội nguồn, đồng thời phát hiện ra từ bi kịch của Électre bản chất bi kịch của con người nói chung. Xem xét các vở kịch của Giraudoux, có thể nhận thấy: hầu hết mỗi nhân vật trong thế giới kịch của ông đều gửi một thông điệp đến cho con người đương đại, từ đó có thể quy chiếu đến tư tưởng của nhà văn.

Xét riêng vở Électre, về cơ bản, Giraudoux dựa trên truyền thuyết về

Électre, có bổ sung thêm một số chi tiết mới, chẳng hạn:

- Bổ sung thêm huyền thoại về các tiểu nữ thần. Họ có trách nhiệm đẩy con người đến chỗ trả thù nhau và phạm những tội ác mà các thế hệ trước đó phạm phải. Mặt khác họ cũng được gọi là những người thiện tâm.

- Thêm vào những nhân vật mang tính chất tượng trưng như người làm vườn, người ăn mày.

- Thêm vào những nhân vật hiện đại hơn như gia đình thẩm phán.

Thay vì việc sử dụng dàn đồng ca quen thuộc trong kịch truyền thống, Giraudoux đưa vào nhân vật người làm vườn và các tiểu nữ thần. Nhiệm vụ của họ là thông báo các sự kiện đã xảy ra, sắp xảy ra.

Trong thần thoại Hi Lạp, Électre là nhân vật phụ, còn Oreste là nhân vật trung tâm, người đảm nhận nhiệm vụ báo thù. Những chi tiết trong thần thoại này phần nào phản ánh bước phát triển của xã hội loài người: Giai đoạn quá độ từ

chế độ công xã thị tộc phụ quyền sang chế độ chiếm hữu nô lệ. Đó là cuộc đấu tranh giữa chế độ mẫu quyền đang suy tàn với chế độ phụ quyền vừa nảy sinh.

So với thần thoại Hi Lạp và kịch của các tác giả khác cũng viết về Électre, Giraudoux đã không cho thấy sự lặp lại nào. Tên của nàng, Électre - có nghĩa là tia sáng, nàng muốn mình là toàn bộ ánh sáng, nàng sẽ thực hiện điều đó cho đến khi có “bình minh” máu, hoả hoạn và chiến thắng. Nàng là “người nội trợ của sự thật”, là “công lí hoàn toàn”, là quyền lực tinh thần chống lại quyền lực tạm thời, là trạng sư của những người vô sản, thuộc tất cả các nước” [2, tr. 285]. Sự xuất hiện của nàng “khuấy trộn ánh sáng và đêm tối, gây mờ ảo ngay cả vầng trăng tròn” [2, tr. 87].

Nhân vật Électre trong thần thoại Hi Lạp là một thiếu nữ không nổi bật, thậm chí khá “im hơi lặng tiếng”. Còn trong kịch của Giraudoux, nàng được phú cho tính cách mạnh mẽ: “Cần thẳng thắn thì nàng là người ngay thẳng. Như mọi bông hoa không hề tin vào mặt trời”, đồng thời lại “thuộc loại đàn bà lắm chuyện”. Chính tính cách mạnh mẽ, có phần quyết liệt và cực đoan cùng những ẩn ức tâm lí sâu kín của nàng đã đẩy bi kịch lên tới mức cao trào. Trí nhớ và sự bảo thủ của nàng luôn ra sức khẳng định rằng: mẹ nàng đã đẩy em Oreste ngã mặc dù khi đó nàng chỉ mới mười lăm tháng tuổi. Hai mẹ con tranh cãi và đổ lỗi cho nhau. Cuộc tranh cãi này đã bộc lộ rõ nét nhất tính cách của Électre: “được trực giác trí tuệ dẫn dắt hơn là có những dấu hiệu, nàng tiến hành cuộc chất vấn, lột mặt nạ những kẻ phạm tội và chỉ bằng lòng sau khi trừng phạt chúng” [2, tr. 287]. Mặt khác, cuộc cãi cọ này có thể dẫn tới sự liên hệ đến một vấn đề quan trọng hơn, nặng nề hơn: liệu có phải Hoàng hậu Clytemnestre định phế bỏ quyền kế thừa ngôi báu của con trai mình không? Clytemnestre dù bề ngoài là một phụ nữ cao sang nhưng thực ra là một người thất vọng, hạnh phúc duy nhất của đời bà là được thú tội trước khi chết, nói lên sự hổ thẹn về trọng tội của mình.

Nàng trinh nữ Électre trong sáng tác của Giraudoux có những vùng tối thuộc lĩnh vực phân tâm học: những tổn thương tâm thần thời thơ ấu, sự muộn màng về tính dục, lòng hận thù mẹ, tình yêu bệnh hoạn đối với người cha chuyển sang em trai (nàng từ chối tất cả những người đàn ông khác, mà chỉ yêu người em trai vốn là bản coppy của cha nàng). Électre mang trong mình một phức cảm lớn: giết mẹ lấy cha, trái ngược với phức cảm Oedipe: giết cha lấy mẹ. Vở kịch của Giraudoux cho thấy hình ảnh những người phụ

nữ gắn liền với những mơ mộng về quyền lực. Électre đã chiến đấu vì một lí do vĩ đại - Công Lí. Nàng đòi hỏi sự thật, nọc độc duy nhất không có thuốc chữa, cuối cùng nàng cũng đạt được công lí, mà nhờ có công lí đó, người vô tội chém giết lẫn nhau và tất cả đều đổ vỡ.

Thông qua việc tái tạo nhân vật Électre, Giraudoux đã làm sáng tỏ bi kịch của một gia đình thần thoại (Agamemnon - Clytemnestre) - đồng thời đó cũng là bi kịch của chính xã hội loài người. Việc Clytemnestre giết chồng và rồi lại bị chính con trai giết cho thấy: Những tội lỗi mà thế hệ trước gây ra, thế hệ sau sẽ phải gánh chịu, thậm chí, thế hệ sau tiếp tục phạm phải tội lỗi lớn hơn.

Bên cạnh việc tái tạo lại các mẫu cổ, Giraudoux còn ra sức gia công các nhân vật cũ trong huyền thoại cổ đại. Vẫn những nhân vật đã quen thuộc ấy nhưng họ bước vào kịch Giraudoux với tấm áo mới và đại diện cho những ý tưởng riêng của tác giả.

Các tiểu nữ thần: “Euménides” tiếng Hi lạp có nghĩa là khoan dung, tiếng cầu phúc dành cho các nữ thần ác nghiệt Érinyes. Trong chùm ba vở kịch của Eschyle, họ là các nàng tiên chuyên báo thù, theo đuổi Oreste để trừng phạt

Một phần của tài liệu Huyền thoại trong kịch Jean Giraudoux (Trang 75)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(100 trang)