Sau cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, du lịch Việt Nam liên tiếp đạt được nhiều thành công lớn. Trong năm 2009, lần đầu tiên du lịch Việt Nam đưa ra chương trình khuyến mãi trên quy mô toàn quốc mang tên “Ấn tượng Việt Nam” đã gây tiếng vang lớn đối với thị trường du lịch quốc tế, giúp ngành du lịch ngăn được đà suy giảm khách quốc tế và tạo cú “lội ngược dòng” vào cuối năm. Đặc biệt, thị trường du lịch
nội địa đạt được thành công ngoài mong đợi đạt 25 triệu lượt khách, tăng 20% so với các năm trước đó.
Sang năm 2010, với nhiều sự kiện trọng đại mang tầm cỡ quốc gia, đặc biệt là dịp đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, đã thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt hơn năm triệu lượt khách quốc tế, lượng khách du lịch nội địa đạt 28 triệu lượt khách, thu nhập ước đạt 96.000 tỷ đồng. Lượng khách du lịch đến từ các thị trường trọng điểm của Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Australia…đều tăng mạnh trở lại.
Trong ba tháng đầu năm 2011, thị trường du lịch Việt Nam tiếp tục tăng. Với slogan mới là “Việt Nam- sự khác biệt Á Đông”, chúng ta tiếp tục tổ chức nhiều sự kiện quan trọng mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế nhằm thu hút khách du lịch. Mục tiêu đến năm 2015 Việt Nam vẫn tiếp tục nằm trong nhóm nước có tốc độ tăng trưởng tích cực nhất.
Theo nhận định của các chuyên gia, thị trường khách sạn Việt Nam sẽ phát triển mạnh. Bởi vì, thứ nhất, Việt Nam được xem là điểm đến an toàn và không đắt đỏ của khách du lịch. Cuối năm 2010, Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới đã đánh giá Việt Nam là quốc gia đứng thứ 12 về tốc độ phát triển du lịch dài hạn. Thứ hai là nền kinh tế Việt Nam đã hồi phục trở lại, sức hấp dẫn đầu tư tại Việt Nam đang tiếp tục tăng. Vì vậy, sẽ có ngày càng nhiều chuyến di lịch kết hợp công tác của các thương gia.
Chương trình quốc gia phát triển du lịch giai đoạn 2011- 2015 sẽ đuợc xây dựng trên cơ sở kết hợp các nội dung dự kiến của chương trình hành động quốc gia về du lịch, chương trình xúcc tiến du lịch quốc gia và chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch. Do đó, trong giai đoạn 2011- 2020, ngành du lịch phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế từ 10- 15%/ 1 năm, khách du lịch nội địa từ 15- 18%/ 1 năm.
Hiện nay, kinh tế thế giới đang trên đà hồi phục, thu nhập tăng đồng nghĩa với việc nhu cầu cho du lịch cũng tăng lên. Với lợi thế chính trị ổn định, tài nguyên du lịch phong phú, rất nhiều khách quốc tế đã quan tâm tới Việt Nam khi họ có nhu cầu đi du lịch. Đây cũng chính là một cơ hội cho du lịch Việt Nam phát triển.