Giọng điệu trữ tình, hoài niệm

Một phần của tài liệu Yếu tố tự thuật trong tiểu thuyết của Ma Văn Kháng (Qua Đám cưới không có giấy giá thú Ngược dòng nước lũ Một mình một ngựa (Trang 94)

6. Bố cục khoá luận

3.3.1 Giọng điệu trữ tình, hoài niệm

Hành trình của văn học sau đổi mới là đi từ phơi bày tố cáo chuyển sang hướng nội, con người tự đặt mình trước con mắt cật vấn của chính mình một cách quyết liệt. Ngày từ những năm đầu đổi mới, Lê Ngọc Trà đã nhận thấy cái mà nền văn học Việt Nam hôm nay cần có là những tác phẩm diễn tả sâu sắc thế giới nội tâm và đời sống tinh thần con người, bởi vì “tính chất hướng nội”, sự phát triển tâm lí phức tạp, chiều sâu và sư phong phú của các quá trình ý thức và vô thức là đặc điểm của tinh thần con người hiện tại. Các tiểu thuyết có yếu tố tự thuật lấy câu chuyện cuộc đời, số phận cá nhân làm đối tượng trung tâm tức là đã xác định phạm vi hướng nội của tác phẩm.

Trong nhiều tác phẩm, những sự kiện, nhân vật, chi tiết, vận động cơ bản của cốt truyện được diễn ra trong thế giới nội tâm nhân vật. Bởi vậy, giọng điệu mang tính chất hướng nội nhiều hơn. Đó là giọng trữ tình, hoài niệm sâu lắng trong các tiểu thuyết Đám cưới không có giấy giá thú, Ngược dòng nước lũ và Một mình một ngựa của Ma Văn Kháng.

Đám cưới không có giấy giá thú, bắt nguồn từ cảm hứng thế sự, đời tư, giọng điệu trữ tình thiết tha sâu lắng của tác giả trước hết được bộc lộ ở thái độ trân trọng nhân cách đẹp đẽ của con người. Khi miêu tả thầy giáo Đặng Trần Tự với niềm đam mê văn chương, Ma Văn Kháng đã viết: “Chao ôi! Vào cái thời buổi gạo châu củi quế, người người đang lao đầu quyết tử vào cuộc giành giật danh lợi hỗn mang, ở cái gác xép chật chội (…) mà lại còn cao đàm khoát luận về cái sâu xa, thâm thúy của văn chương, lại còn say sưa mày mò tìm kiếm cái gọi là ngữ pháp nghệ thuật (…) thì hắn phải kẻ đam mê cao cả có bản lĩnh mạnh mẽ vô cùng” [28,7]. Tự là một hình ảnh của con người đẹp đẽ, mô phạm, đối lập hẳn với cái thế giới xô bồ ngoài kia. Chỉ là trên căn gác chật hẹp, “cái hang động” đó mới có thể giúp cho tâm hồn anh thư thái, tĩnh tại. Đã bao lần, “Tự chợt buông trang sách, nằm nghe gió mùa về đập cành quả me trên cành khô nơi sân thượng, ngẩn ngơ một nuối tiếc hoặc phiêu diêu vào đám sương hồi ức hoặc lãng đãng buồn lo về thực tại. Nằm một chỗ mà tâm hồn tỏa bốn phương, có thú thẩm mỹ nào bằng! Còn hạnh phúc nào hơn” [28,314]. Người đọc còn thực sự cảm động khi được chứng kiến những lúc Tự đắm mình trong không gian giữa sân trường, thả hồn mình vào những kỉ niệm êm đềm, khung trời rợp cây, màu đỏ hoa phượng rực rỡ, tiếng ve lanh lảnh da diết nỗi niềm “chưa bao giờ Tự cảm thấy trong sáng và xúc động như thế”. Tự sung sướng nhận ra mình vẫn còn vẹn nguyên “những rung động non tơ, những ham mê say đắm” giữa cuộc đời đầy bất cập, bất ổn. Giống như Tự, Khiêm trong Ngược dòng nước lũ nổi bật lên là một tên trí thức tấm lòng nhân hậu và tâm hồn yêu say mê văn chương. Khiêm là hiện thân của một vẻ đẹp cao khiết, trái ngược hẳn với thế giới ô tạp xung quanh: “Năm mươi tuổi, trằn mình vào cuộc sống, giáp mặt với cái chết và sự sống đa tạp, với các trạng thái phức tạp, mà tâm hồn vẫn trong ngần tha thiết, chưa bao giờ Khiêm mắc phải một lầm lỗi lớn về thể xác và tâm hồn, chưa một lần Khiêm sống thấp hèn và xấu xa. Đó chỉ có thể là cuộc sống của một tài năng được thanh lọc qua ngọn lửa của lý tưởng thẩm mỹ, của một kẻ

được cái đẹp thấm nhuần, bồi đắp đầy đặn đến mức cái xấu không thể xâm nhập, xuyên qua” [29,106]. Giọng điệu trữ tình được cất lên từ sự trân trọng, đồng cảm của tác giả đối với một tâm hồn thuần khiết như Khiêm. Từ nhân vật, Ma Văn Kháng lại tiếp tục thể hiện quan niệm của mình trước cái đẹp. Cái đẹp thanh cao, tuy không thể chiến thắng cái xấu xa, nhưng bản thân nó lại tự tìm cho mình một vị thế riêng. Khi viết Hòn đất, Anh Đức đến với cảm hứng sử thi để lựa chọn giọng điệu trữ tình ngợi ca khi miêu tả vẻ đẹp của người con gái xứ Hòn. Cùng một nguồn cảm hứng như vậy, Ma Văn Kháng đã đi từ cảm hứng thế sự đời tư đến cảm hứng sử thi để miêu tả vẻ đẹp trong tư thế kiêu hùng của Bí thư tỉnh ủy Quyết Định: “Một mình một ngựa xông lên”. Hay đứng trước vẻ đẹp nhân cách, lòng yêu nghề dạy học tha thiết của nhân vật Toàn, Ma Văn Kháng đã thể hiện thật xúc động nỗi niềm của anh: “Anh phải chia tay với tất cả những gì gắn bó máu thịt, tâm cảm anh trong hơn chục năm qua, kể từ bầu không khí anh đang hít thở tới ảnh hình, âm thanh anh từng lưu giữ. Chia tay với mái trường, với phấn trắng, bảng đen, với tiếng trống trường rung vang một nhịp điệu cổ điển quen thân. Chia tay với các bài giảng. Các buổi lên lớp vừa trang trọng như đứng giữa thánh đường, vừa sôi nổi thân mật trong cảm giác hài hoà, hoá thân. Chia tay với các bạn bè đồng nghiệp. Với các gương mặt học trò tin yêu và nghịch ngợm. Chia tay với cuộc sống một ông giáo. Một cuộc sống được kiến tạo trong điều hoà, thầm lặng và yên bình” [31; 10]. Người đọc thật sự thấy xúc động trước tình cảm chân thành, lòng tâm huyết với nghề của anh. Hơn hết là sự đồng cảm, sẻ chia với nỗi đau buồn của anh khi anh phải rời xa những gì thân thuộc nhất để đến với một môi trường mới với biết bao “ái ngại, nghi ngờ và hệ quả”.

Giọng điệu trữ tình còn thể hiện đậm đặc trong những đoạn trữ tình ngoại đề của tác phẩm. Những lúc đó, cảm xúc của tác giả được bộc lộ sâu xa, ý đồ tư tưởng nghệ thuật đạt đến độ lắng cần thiết. Chính tác giả cũng rất ý thức và thích thú những đoạn trữ tình ngoại đề này. Nhà văn bộc bạch: “Tôi thì thích nó, không phải là để bổ sung cho sự non kém của hình tượng mà là

cảm giác hạnh phúc tràn đầy khi ý tưởng của mình được biểu hiện càng sâu xa hơn, một kiểu chơi văn chương ở đó có những câu văn được chạm khắc gây ấn tượng và đẹp”. Nhà văn thích thú đến mức, nó đã thành một nhu cầu cần thiết khi tác phẩm ra đời: “Không tìm được cơ hội thể hiện những đoạn văn kiểu đó thì câu chuyện hình như là không thể ra đời được”. Hãy lắng nghe đoạn trữ tình tiếp tục bộc lộ tâm trạng đau khổ, uất hận của Toàn khi bị hai người sĩ quan canh cửa coi thường: “Thế đó, đói khổ chịu được, chứ nhục nhã thì không! Nghĩ đi nghĩ lại càng thấy rằng, với một ông thầy có tư cách như thế là bị coi thường, lăng mạ rồi. Ôi! nghề thầy! Cái công việc dạy dỗ đào tạo con người. Cái nghệ thuật lớn nhất cuộc đời! Sao Toàn lại bỗng dưng bị xa cách nó. Đúng là bị xa cách nó! Xa cách nó để đóng vai một kẻ giúp việc, một tên tiểu đồng cắp tráp theo hầu, như cách nói hơi phũ miệng của ông Đồng, trong cỗ máy quyền lực” [31; 251]. Hay vui cùng với niềm vui của ông Quyết Định khi đứng trước cánh đồng đậu tương được mùa: “Đậu tương! Đậu tương! Chao ôi, thứ quả hiền lành dân dã vậy mà với ông lúc này chức phận nó đảm nhiệm sao lớn lao đến thế! Đậu tương! Đậu tương!(...) Đậu tương! Nỗi lao tâm khổ tứ bao năm nay của ông! Niềm mơ ước vàng! Nỗi khát vọng vàng của ông! (...) Và như vậy thì chỉ ít lâu nữa thôi, toàn bộ đất đai trên rẻo cao hoang hoá suốt mùa đông giá của tỉnh sẽ bước vào một cuộc hoá thân vĩ đại, sẽ diễn ra một hoạt cảnh tưng bừng của lễ hội mùa màng”[31; 84-85]. Và xúc động hơn cả là những trang viết về Pha Linh với cảm xúc ngỡ ngàng trước thiên nhiên hùng vĩ nhưng cũng đầy ám ảnh với cuộc sống đói nghèo tăm tối của con người nơi đây. Những câu văn như những tiếng nấc nghẹn của chính nhà văn trước cái khốn khó, lam lũ của đồng bào...Nó giống như một bài toán đặt ra mà những người làm lãnh đạo ở nơi đây phải tìm ra câu trả lời.

Giọng điệu trữ tình còn xuất phát từ tính tự thuật của các tác phẩm. Người đọc cảm nhận được hình ảnh tác giả đang kể chuyện của mình. Bằng giọng điệu tâm tình nhà văn dẫn người đọc vào dòng độc thoại của nhân vật, qua hình thức nhật kí, những trang ghi chép cá nhân hay những giấc mơ.

Bên cạnh việc đi vào dòng độc thoại của nhân vật, nhà văn còn sử dụng dạng thơ và truyện lồng trong truyện để tăng thêm tính trữ tình cho tác phẩm. Mỗi bài thơ xuất hiện không chỉ có tác dụng làm chậm lại nhịp kể chuyện, khiến cho trang văn lắng lại, mà nó còn thể hiện chất thơ, tính trữ tình của tiểu thuyết Ma Văn Kháng. Thơ, truyện ngắn lồng trong tiểu huyết không phải là một nét sáng tạo của riêng nhà văn. Song có thể thấy tần suất sử dụng thủ pháp này của Ma Văn Kháng khá đậm đặc. Nó cho thấy nhà văn chủ động sử dụng thủ pháp này như một cách bộc lộ tâm tình, một cách kể chuyện linh hoạt và ngọt ngào. Đó là những mãnh liệt của Hoan trong tình yêu:

“Dừng lại anh, ôi anh yêu, giông bão Sao anh mạnh mẽ thế, cơn gió lớn đời em

Cho em yêu những say đắm ngọt ngào” [29,175]. Sử dụng sắc thái giọng điệu này, Ma Văn Kháng đã tạo nên những trang văn dạt dào cảm xúc. Những trang văn đem đến sự rung động chân thành cho người đọc từ chính lòng nhân ái, tình yêu thương con người, yêu thương cuộc đời của tác giả. Những trang văn đi sâu vào dòng đời, lòng người hôm nay để người đọc cảm nhận rõ sự hồn hậu trong trẻo của nó mặc dù ở đó còn biết bao điều bất cập, bất ổn và đầy ám ảnh.

Một phần của tài liệu Yếu tố tự thuật trong tiểu thuyết của Ma Văn Kháng (Qua Đám cưới không có giấy giá thú Ngược dòng nước lũ Một mình một ngựa (Trang 94)