Phân biệt một số khái niệm

Một phần của tài liệu Yếu tố tự thuật trong tiểu thuyết của Ma Văn Kháng (Qua Đám cưới không có giấy giá thú Ngược dòng nước lũ Một mình một ngựa (Trang 26)

6. Bố cục khoá luận

1.3.2 Phân biệt một số khái niệm

Hồi kí, nhật kí và tự truyện

Trong bài Tự thuật và tiểu thuyết Pháp thế kỉ XX, khi nghiên cứu về mối quan hệ giữa tự thuật và tiểu thuyết, nhà nghiên cứu Đặng Thị Hạnh đã đi tới kết luận rằng: “Từ sự phát triển ngoạn mục của một thể loại nói về “cái tôi đáng ghét” tôi vẫn nghĩ sự thắng thế chưa hẳn thuộc về tự thuật. Dường như người được cuộc vẫn là tiểu thuyết, cái thể loại đã hun được mình lên hàng đầu thế kỉ XX này và có khả năng vô địch hút vào mình các thể loại khác” [18; 43]. Tại sao tự thuật lại cứ bị hút vào tiểu thuyết? Và tại sao nhiều công trình nghiên cứu về thể loại tự thuật thế kỉ XX, XXI các chuyên gia lại dành sự quan tâm đặc biệt đến tiểu thuyết tự thuật - khái niệm này có ý nghĩa như thế nào? Tìm lời giải đáp cho những câu hỏi trên và cũng là để làm rõ hơn cách hiểu về tự thuật chúng tôi sẽ phân tích khái niệm này trong thế đối sánh với các tiểu loại giáp ranh với nó là hồi kí và nhật kí.

Cơ sở phân biệt là dựa trên cách hiểu chung thế nào là hồi kí, nhật kí, sau đó đối chiếu xem so với hai thể loại trên thì tự thuật có điểm gì khác biệt.

Theo các tác giả Từ điển thuật ngữ văn học (1998), “Hồi kí là thiên trần thuật từ ngôi tác giả (“tôi” tác giả, không phải “tôi” hư cấu ở một số tiểu thuyết, truyện ngắn, kể về các sự kiện có thực trong quá khứ mà tác giả tham gia hoặc chứng kiến)” [54; 94]. Hồi kí tạo hiện thực dựa vào những ấn tượng và hồi ức của bản thân người kể nên nó mang đậm tính chủ quan. “Tính xác thực sự kiện của hồi kí không thể so đọ với các tư liệu gốc, các chứng tích thực nhưng sự thiếu hụt về sự kiện, sự phiến diện hầu như không thể tránh khỏi của thông tin trong hồi kí lại được bù đắp bằng sự diễn đạt sinh động các ấn tượng, cảm tưởng trực tiếp của cá nhân tác giả, điều này cũng có giá trị như một tư liệu đương thời” [54; 153]. Hồi kí rất đa dạng về kiểu loại, có những tác phẩm hồi kí gần với tiểu thuyết. Ở thế kỉ XIX, nhất là thế kỉ XX và đầu thế kỉ XXI phổ biến dạng hồi kí viết về các nhà văn, các nghệ sĩ, các nhà hoạt động xã hội gọi là chân dung văn học như Hồi kí Đặng Thai Mai, hồi kí

Cát bụi chân ai của Tô Hoài, hồi kí Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương của Ma Văn Kháng,...

Nếu hồi kí là thể loại tái hiện lại phần hiện thực đã trải qua của người kể thì nhật kí được nhà biên soạn từ điển Lại Nguyên Ân định nghĩa là “loại văn ghi chép của cá nhân trong đời sống hàng ngày. Nó thường rất chân thành trong phát ngôn (lời ghi), bao giờ nó cũng chỉ ghi lại những gì xảy ra, những gì đã nếm trải, thể nghiệm, nó không hồi cố như hồi kí mà được viết ra chủ yếu cho bản thân người ghi chứ không tính đến việc cho công chúng tiếp nhận. Chúng ta gọi đây là dạng nhật kí cá nhân” [3; 245]. Trong văn học, xét trong mối quan hệ với công chúng nhật kí có đặc điểm khác so với nhật kí cá nhân. Nó vẫn phản ánh các sự kiện của đời tư, đồng thời bày tỏ suy nghĩ về cuộc sống của bản thân người ghi. Nhật kí coi như một thể tài văn học “là hình thức trần thuật ngôi thứ nhất số ít, dưới dạng ghi chép hàng ngày có đánh số ngày tháng” [3; 245] (đây là một dạng thể của nhật kí mà chúng tôi muốn

xem xét có liên quan đến vấn đề đang đối sánh). Xét về mặt lịch sử, ở Tây Âu thể tài nhật kí phát triển trong văn học cuối thế kỉ XVIII khi văn học gia tăng chú ý đến thế giới nội tâm của con người, khi con người xuất hiện nhu cầu tự bộc bạch, tự quan sát nhiều hơn. Vì vậy bắt đầu từ thời gian này thể tài nhật kí được số đông các nhà văn sử dụng như các tác phẩm Nhân vật của thời đại chúng ta

(M.J.Lermontov) và nhiều nhật kí cuộc đời của các nhà văn, nhà thơ khác. Có thể nói hồi kí gần nhật kí ở hình thức giãi bày, ở chỗ không dùng các thủ pháp cốt truyện, ở cách kể theo thứ tự thời gian, ở việc chú ý đến các sự kiện mang tính chất tiểu sử. Trên các chi tiết hiện thực, các tác phẩm hồi kí, nhật kí ra đời giúp nhà văn ghi lại và tường thuật lại những sự kiện về cuộc đời đã qua của mình bằng phương pháp hồi cố lại (hồi kí) hoặc phương thức trần thuật dưới dạng ghi chép hàng ngày (nhật kí). Ở hai thể loại này, hiện thực và chất “chân thực tuyệt đối” của các sự kiện chính là chìa khoá then chốt đo độ giá trị cũng như sự phát triển logic tác phẩm. Các tác phẩm hồi kí, nhật kí đó được độc giả đón nhận như một hình thức khác để tiếp cận, tìm hiểu thêm về cuộc đời người viết. Mối quan hệ “cây cầu”: nhà văn - công chúng trở nên gần gũi hơn, có thể gọi đây là sự tiếp xúc trực tiếp thông qua đối tượng “tác phẩm” - tác phẩm trở thành những trang “giãi bày”, “tâm sự” của tác giả với độc giả về cuộc đời mình. Vì thế, tác phẩm văn học (hồi kí và nhật kí) sẽ vận động và phát triển tuân theo sự chặt chẽ của logic thời gian, sự kiện cũng như sự chi phối của những đặc điểm cơ bản của thể loại bản thân nó là hồi kí hay nhật kí.

Còn tự truyện được xác định là “câu chuyện cuộc đời của cá nhân do chính người đó kể lại”, “tiểu sử của một người do chính người đó chép lại”. Có thể hiểu một cách đơn giản tự truyện là một thể loại tự sự mà tác giả tự viết về mình.

Cho đến nay, nhiều nhà nghiên cứu đi sâu phân tích đặc trưng và biến thể của tự truyện như Roy Pascal, Paul John Eakin, Leigh Gilmore, James Olney,…đặc biệt là Philippe Lejeune với công trình Quy ước tự truyện

(1975). Theo ông, “tự truyện là một dạng văn xuôi tự sự do một người có thật ngược dòng thời gian kể lại đời mình, nhấn mạnh tới cuộc sống cá nhân, đặc biệt là lịch sử hình thành gần gũi như hồi kí, nhật kí, tiểu sử, truyện thơ, tiểu luận tự thuật và dựa vào những quy ước sau để xác định văn bản có phải tự truyện hay không:

1. Hình thức ngôn ngữ: câu chuyện được kể bằng văn xuôi

2. Chủ đề tác phẩm: cuộc đời của một cá nhân hay lịch sử phát triển nhân cách

3. Vị trí của tác giả đồng nhất với vị trí của người kể chuyện 4. Người kể chuyện đồng thời cũng là nhân vật chính”

Lejeune cho rằng trong tự truyện có sự thống nhất giữa tác giả, người kể chuyện và nhân vật, do đó tự truyện thường sử dụng ngôi thứ nhất nhưng nếu đại từ tôi bị xóa bỏ mà vẫn tồn tại sự thống nhất này thì hoàn toàn có thể chấp nhận được một cuốn tự truyện viết ở ngôi thứ ba. Ông cũng nhấn mạnh tính tham chiếu của thể loại, trong tự truyện luôn tồn tại một thỏa thuận ngầm giữa tác giả và người đọc với cam kết sẽ kể về sự thật, tạo cho độc giả niềm tin về một hình ảnh chân dung tác giả chính xác và trung thành với tác giả ngoài đời thực.

Về sau này, khi trở thành đối tượng quan tâm của văn học, tự truyện được xem là một thể loại văn học. Theo Từ điển văn học học Pháp thì tác phẩm văn học thuộc loại tự sự do tác giả viết về cuộc đời mình. Và khác với bản tự thuật về tiểu sử, lí lịch của nhà văn, tự truyện “là tác phẩm nghệ thuật làm cho quá khứ tái sinh”, “đời tư nhà văn chỉ là chất liệu hiện thực được tác giả sử dụng với nhiều mục đích khác nhau”. Đỗ Đức Hiểu trong Từ điển văn học

cũng đồng quan điểm này. Theo ông, tự truyện là “Một thể loại văn học trong đó tác giả kể chuyện về cuộc đời mình. Nhân vật chính của truyện, chính là tác giả”. Như vậy, điểm đáng lưu ý trong quan điểm của tác giả này là coi tự truyện như là một thể loại văn học trong đó tác giả tự kể về cuộc đời mình. Trong cách hiểu này, tự truyện được công nhận là một thể loại văn học,

nhưng thực tế, có những tự truyện không phải do nhà văn viết ra và đơn thuần là những câu chuyện cuộc đời của một cá nhân, chứ không hoàn toàn là tác phẩm văn học. Mặc dù thuật ngữ tự truyện mãi đến giữa thế kỉ XIX mới xuất hiện chính thức trong các từ điển Pháp nhưng thể loại này đã manh nha từ thời Hy Lạp cổ đại với tinh thần “hãy hiểu chính mình” (know myself). Nó cũng có nguồn gốc từ truyền thống xưng tội của đạo Thiên Chúa, mà mở đầu là “Tự thú” của Thánh Augustine được viết khoảng 397 – 401.)

Và tính chất và đặc điểm của mỗi thể loại có thể được hình dung một cách ngắn gọn qua bảng sau:

Thể loại Thời gian Đối tƣợng Tính chất

Tự truyện Thời gian quá

khứ/ Ngược chiều Cá nhân Tổng kết Hồi kí Thời gian quá

khứ/ Ngược chiều Cá nhân/ Thời đại Tổng kết Nhật kí Thời gian tuyến

tính/ Thuận chiều Cá nhân Dang dở

Sự phân biệt này cũng không hoàn toàn dễ dàng bởi đường biên thể loại không rõ ràng, rạch ròi, tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể mà xếp tác phẩm vào dạng này hay dạng kia. Sự phức tạp còn tăng lên khi phân biệt tự truyện với tiểu thuyết tự thuật, đấy mới là đầu mối của những tranh cãi chưa có hồi kết về ranh giới hay đặc trưng thể loại.

Tự truyện và Tự thuật

Các nhà nghiên cứu Việt Nam cùng sử dụng hai thuật ngữ tự thuật và tự truyện đồng thời khi chuyển nghĩa từ autobiographie (Pháp) và autobiography (Anh). Có quan điểm cho rằng tự truyện (danh từ, chỉ thể loại tự truyện) tương đương với autobiographie (autobiography), còn tự thuật thường xuyên được sử dụng với nghĩa là tự truyện – với tư cách thể loại. Cách sử dụng đó được Lộc Phương Thủy lý giải như sau: “Theo nghĩa hẹp, tự thuật được xác định trong thể đối lập với hồi kí (memmoire) và tiểu thuyết (roman).

Đó là cuộc đời của một cá nhân do chính anh ta kể lại, tác giả của nó có thể là một nhà văn hay những người làm nghề khác” [71,4]. “Theo nghĩa rộng, tự thuật bao gồm tất cả các văn bản trong đó người viết thể hiện những trải nghiệm của mình, bất kể anh ta có ý thức về điều đó hay không. Văn bản đó có thể là các sáng tác văn học, tiểu thuyết…từ autobographique gắn với những danh từ khác nhau (ví dụ: roman autobiographique – tiểu thuyết tự thuật)” [71, 5]. Theo chúng tôi, cách sử dụng thuật ngữ tự thuật như vậy bảo đảm an toàn hơn cho việc tìm hiểu tác phẩm mà không phải phân loại rạch ròi những văn bản mờ nhòe đường biên thể loại đang trở thành xu hướng phổ biến hiện nay, từ những cuốn tự thuật mẫu mực cho đến tiểu thuyết mang dấu ấn tự thuật như tiểu thuyết Đám cưới không có giấy giá thú, Ngược dòng nước lũ Một mình một ngựa của Ma Văn Kháng mà luận văn nghiên cứu.

Tự thuật, Tiểu thuyết và Tiểu thuyết tự thuật

Mỗi nhà văn khi cầm bút đều xuất phát từ nhu cầu giải phóng tư tưởng và bộc lộ tình cảm của mình, nói như Hegel, con người là một thực thể biết tư duy nhận thức nên luôn có khao khát thể hiện mình. Secnưsevki khi lí giải bản chất của quá trình sáng tạo cũng khẳng định: “Nhà văn dùng con mắt “tinh đời” để nhìn vào bản thân mình, hiểu được bản chất tính cách xã hội lịch sử của mình và dùng bản thân mình làm nguyên mẫu cho các nhân vật của mình”. Quả thật, tuy mỗi trang viết đều là những trải nghiệm của bản thân nhà văn, là hành trình đi tìm cái tôi của từng người, nhưng ở từng thời đại, từng khu vực văn hóa, và từng nền văn học, mỗi nhà văn lại có cách thức thể hiện riêng với những mục đích riêng.

Câu hỏi đặt ra là: Vì sao có những tác phẩm người đọc nhận ra bóng dáng đời tư nhà văn, cái tôi của nhà văn, trong khi những tác phẩm khác thì không? Nhà văn lấy những trải nghiệm cá nhân, lấy chính cuộc đời mình làm chất liệu trong sáng tác là chuyện quen thuộc, tuy nhiên tùy thuộc vào mức độ đậm nhạt, mục đích và cách thức thể hiện trong tác phẩm mà độc giả có đọc tác phẩm như là tự thuật của người viết hay không. Cũng có tác giả không

thích việc đưa yếu tố tự truyện vào tác phẩm với nhiều lí do khác nhau, đó là sự chọn lựa của họ, chằng hạn, theo TS.Eliot thì sự tiến bộ của nghệ sĩ là từ bỏ không ngừng bản thân mình, là sự giảm thiểu không ngừng yếu tố cá nhân. Còn tác giả Raymond Federman thì phủ nhận việc gọi tác phẩm của ông là tiểu thuyết tự thuật hay tự truyện “Đối với tôi, những biến cố (của đời tôi hay Lịch sử) một khi đã đi vào ngôn ngữ, chúng trở thành sản phẩm tiểu thuyết”. Mallarme đã nói rất rõ điều này rằng tất cả những gì ta viết ra đều là sản phẩm tiểu thuyết. Vậy nên câu trả lời của ông là: “tôi viết tiểu thuyết, ngay cả khi cái tiểu thuyết ấy có vẻ như kể lại cuộc đời tôi – có thật hay tưởng tượng” . Nhà văn Dương Thu Hương thì không chấp nhận sự nhập nhằng, bà phân biệt một cách rạch ròi: “Trong mỗi câu chuyện, tôi đặt vào những ý nghĩ của mình, những giấc mộng, những ảo mộng và phản ảo mộng. Nhưng không bao giờ là những lời tự thuật”, “tiểu thuyết là tiểu thuyết. Tự thuật là tự thuật. Tôi không muốn lẫn lộn cái này cái kia”. Những ý kiến của các nhà văn đều thể hiện quan điểm riêng của họ về mối quan hệ giữa tiểu thuyết và tự thuật, cho thấy ý hướng của họ trong việc sáng tạo nên tác phẩm.

Trước hết, mục đích của tự thuật là tìm hiểu một con người có thật với lịch sử hình thành nhân cách, còn tiểu thuyết, mặc dù cũng sử dụng nhân vật, cốt truyện đó nhưng được hư cấu hóa, hoặc được cấp cho một lớp vỏ hư cấu. Tự thuật vốn được coi là một thể loại phi hư cấu, có tính tham chiếu, tác giả đồng thời là người kể chuyện và là nhân vật chính chịu trách nhiệm trước độc giả về tính chân thật của sự kiện, còn tiểu thuyết, vì bản chất của nó nên cái thật ở đây chỉ là giống/tựa như thật (vraisemble). Nghĩa là, tự truyện không phải là một sáng tạo nghệ thuật của tác giả mà là tư liệu báo cáo về cuộc đời và cá nhân anh ta. Tuy vậy, là một thể loại tự sự đặc biệt, tự truyện luôn biến đổi trong quá trình phát triển. Nó có thể tương tác với nhiều thể loại khác, chẳng hạn kết hợp với hư cấu tưởng tượng để thành tiểu tuyết tự thuật hoặc tạo nên những biến thể khác như giả tự truyện (autofiction), bán tự truyện (semi - autofiction)… Từ những công trình nghiên cứu khá sớm về tự truyện,

Roy Pascal đã chỉ ra rằng: không có ranh giới rõ rệt để phân biệt tính xác thực của sự kiện và những hư cấu tưởng tượng. Ông đề cập đến những ưu thế của tiểu thuyết tự thuật so với tự truyện thông thường, ở đó nhà tiểu thuyết có thể kể về những sự kiện xảy ra bên ngoài những trải nghiệm trực tiếp của tác giả. Trong tiểu thuyết tự thuật, cũng như mọi tác phẩm nghệ thuật, tác giả là người ẩn danh để phát ngôn, anh ta không tồn tại trong những trang viết. Hơn nữa, tiểu thuyết là thể loại hướng tới hiện thực chưa hoàn kết, nó cũng “mưu toan” đổi mới bằng tự truyện. Bởi vậy rất khó tránh khỏi sự mờ nhòe ranh giới thể loại cũng như sự phân hóa trong chính bản thân mỗi thể loại.

Một phần của tài liệu Yếu tố tự thuật trong tiểu thuyết của Ma Văn Kháng (Qua Đám cưới không có giấy giá thú Ngược dòng nước lũ Một mình một ngựa (Trang 26)