6. Bố cục khoá luận
3.3 Giọng điệu trần thuật
Cái làm cho nhà văn này khác với nhà văn khác chính là giọng điệu, và đến lượt mình, mỗi một nhà văn trong từng tác phẩm khác nhau lại sử dụng những giọng điệu khác nhau. Trong tác phẩm văn học, giọng điệu thường được biểu hiện qua vấn đề nội dung, sự biểu đạt chủ quan (chẳng hạn cách diễn đtạ, niềm tin và xác tín, các mối quan tâm, giá trị, khuynh hướng chính trị và tư tưởng đối với đời sống và dấu hiệu ngữ dụng), nó thể hiện một cách rõ nét cái nhìn của chủ thể vì giọng điệu mang thái độ tình cảm và đánh giá chung của tác giả về đối tượng được nói đến.
Văn học thời kì đổi mới chứng kiến sự đa dạng và phong phú của các giọng điệu nghệ thuật, hệ quả tất yếu của tinh thần dân chủ và sự giải phóng cá tính sáng tạo của nhà văn. Tiểu thuyết có yếu tố tự thuật , do xuất phát từ những trải nghiệm cá nhân nhà văn nên giọng điệu trần thuật mang dấu ấn cá nhân, cá tính của chủ thể sáng tạo có phần nổi bật hơn các tiểu thuyết khác.
Thông thường mỗi tác phẩm tự thuật đều được chuyển tải bằng một gam ngữ điệu chủ yếu, nhưng có những trường hơp, chẳng hạn như Thượng đế thì cười, tính đa thanh khá nổi bật. Như vậy, việc thiết tạo nhiều giọng điệu hay nhiều sắc thái giọng điệu trong tác phẩm là đòi hỏi hết sức quan trọng đối với bất cứ tiểu thuyết gia nào, kể cả các nhà văn viết tiểu thuyết tự thuật. Ma Văn Kháng là một trong những nhà văn có nhiều đóng góp cho nền văn học Việt Nam thời kì đổi mới. Với sự chuyển hướng từ cái nhìn sử thi sang cái nhìn hiện thực đa diện, đa chiều, phức tạp, nhà văn đã cảm nhận cuộc sống trong nhiều cung bậc tốt-xấu, trắng-đen, thiện-ác. Chính từ cái nhìn đa dạng, đa chiều như thế, tiểu thuyết của ông đã đem đến nhiều sắc thái giọng điệu và yếu tố thẩm mỹ này đã góp phần quan trọng vào thành công của mỗi tác phẩm, trong đó có tiểu thuyết Đám cưới không có giấy giá thú, Ngược dòng nước lũ, Một mình một ngựa với các giọng điệu chủ yếu mà chúng tôi sẽ phân tích dưới đây.