Mối quan hệ giữa hồi kí với tiểu thuyết Đám cưới không có giấy giá

Một phần của tài liệu Yếu tố tự thuật trong tiểu thuyết của Ma Văn Kháng (Qua Đám cưới không có giấy giá thú Ngược dòng nước lũ Một mình một ngựa (Trang 42)

6. Bố cục khoá luận

2.1 Mối quan hệ giữa hồi kí với tiểu thuyết Đám cưới không có giấy giá

thú, Ngược dòng nước lũ, Một mình một ngựa của Ma Văn Kháng

Sau những tập tiểu thuyết, truyện ngắn như là những cột mốc ghi dấu lộ trình sáng tác, nhà văn Ma Văn Kháng đã cho ra mắt bạn đọc cuốn hồi kí về những năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương với giọng văn đặc sắc mà bạn đọc từng biết. Cuốn hồi kí kể lại những sự kiện chủ yếu trong cuộc đời của nhà văn, kể từ lúc là một chú bé thiếu niên có quê hương là làng Kim Liên, Quận Đống Đa, Hà Nội rồi tham gia kháng chiến chống Pháp, dần trưởng thành, trở thành một giáo viên, một cán bộ, một nhà báo, một nhà văn, trải qua những tháng ngày gian khó, những vất vả trong nghề nghiệp, trong cuộc sống và nghị lực vượt lên. Trung thực trong phản ánh, hồi kí cũng là những nét chấm phá có tính biên niên sử một thời kì đã qua gắn liền với số phận cá nhân tác giả, kể từ những năm 50 của thế kỉ trước đến đầu thế kỉ XXI. Đây đó trong hồi kí còn là những ghi chép, tâm sự về nghề nghiệp và phác thảo lịch trình hình thành tư tưởng nhân sinh của một người làm công việc sáng tác văn chương.

Ngay từ những trang hồi kí đầu tiên, dần dần mở ra trước mắt người đọc là nguồn gốc xuất thân, tính cách, phẩm chất tinh thần, nhân cách và bản lĩnh của nhà giáo, nhà báo, nhà văn Đinh Trọng Đoàn - Ma Văn Kháng. Con đường mà Đinh Trọng Đoàn từ một chàng trai đầy nhiệt huyết, nuôi dưỡng hoài bão lớn trong lập thân, lập nghiệp, qua cương vị nhà giáo trẻ tận tâm, tận lực với sự nghiệp “trồng người” và có đôi chút năng khiếu văn chương đến sự khẳng định tài năng của cây bút trẻ Ma Văn kháng vào những năm 60- 70.

Hồi kí - như tên gọi của nó Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương qua những tư liệu đời sống về gia đình và những người cùng thời đã

khắc hoạ một cách ám ảnh một thời kì của đời sống xã hội đang trên bờ vực thẳm, tất yếu phải đổi mới để tồn tại và phát triển.

Hơn năm trăm trang sách nhà văn đã kể lại đầy đủ sự nghiệp hơn năm mươi năm cầm bút của mình từ truyện ngắn đầu tay Phố cụt đăng năm 1961 cho đến cuốn tiểu thuyết Một mình một ngựa ông mới xuất bản (2009) và cả lí do vì sao ông viết cuốn hồi kí này. Đó là những trang viết đẹp, về những con người mà ông đã gặp, đã biết, đã yêu và đã giận. Dù cho có những lúc Ma Văn Kháng có trách cứ, có lên tiếng song ông lên tiếng theo cái cách của ông, ông vẽ chân dung những con người dưới góc nhìn của một nhà văn. Có vẻ như lúc nào ông cũng cố gắng đi tìm những gam màu sống bật lên trên cái nền tối xám, đi tìm cái thiện trong mỗi con người mà họ đang phải sống trong những ngày đất nước, xã hội hỗn tạp, chênh vênh bên bờ vực thẳm. Ông kể về quá trình xuất bản từng cuốn sách, viết về những cán bộ “hành là chính” khi gia đình ông làm thủ tục xin cấp nhà, phải có “phong bì” thì mới giải quyết. Ông còn phác thảo chân dung một lớp người, một lớp thế hệ cán bộ miền núi nơi ông đã từng làm thư kí cho Bí thư tỉnh uỷ nhưng ông không giễu nhại, không phủ định, không lí tưởng họ mà ông nhìn thấy những khía cạnh rất đẹp của những con người này, họ là một thế hệ cán bộ đi theo cách mạng, sống chết với cách mạng. Họ chính là những hình mẫu cho lớp nhân vật trong cuốn tiểu thuyết Một mình một ngựa của nhà văn.

Ngoài ra, một phần trong hồi kí ông viết về những bạn bè gắn bó thân thiết trên những bước đường đời và những bạn văn thuộc nhiều thế hệ được ông nêu tên trong cuốn sách có dễ đến hàng trăm người. Mỗi người một vẻ, một tạng tính cách, khẩu khí, cử chỉ khác nhau, con đường đời và số phận với những lối rẽ, kết cục không ai giống ai - nhưng từ những trang viết về họ, nhà văn đã chạm nổi họ trên trang sách, bởi họ đã kết tinh sự muôn hình muôn trạng về nhân tình thế thái của một thời chiến tranh khốc liệt kéo dài, tư duy một chiều có phần xơ cứng, tiếp đến là những năm đầu hậu chiến, khủng hơảng và bĩ cực.

Viết cuốn hồi kí, Ma Văn Kháng không chọn hình thức kiểu cách, cầu kì, ông viết như vừa tâm sự vừa kể chuyện, ông viết là để giãi bày chứ không phải để “câu khách” như một vài cuốn hồi kí khác. Ông viết mà như thể chỉ sắp xếp lại một cách có trật tự những cuốn sổ ghi chép ông đã lưu lại trong nhiểu năm qua, một thói quen của ông. “Ôn cố tri tân”- cuốn sách khép lại một giai đoạn đã qua của đời sống văn học đất nước mà ông và những bạn bè, đồng nghiệp đã can dự, đã làm việc hết lòng vì nó.

Như vậy, đọc cuốn hồi kí chúng tôi vừa có cơ hội đi sâu vào tìm hiểu quá trình hình thành mỗi tác phẩm của nhà văn, vừa biết được nhà văn Ma Văn Kháng thể hiện cái tôi cá nhân như thế nào trong mỗi cuốn tiểu thuyết. Hay nói cách khác là ở đây luận văn coi cuốn hồi kí là tấm gương phản chiếu trung thành nhất về con người và cuộc đời thực của nhà văn Ma Văn Kháng. Qua đó để có thể so sánh đối chiếu giữa sự thật và hư cấu trong các tiểu thuyết Đám cưới không có giấy giá thú, Ngược dòng nước lũ, Một mình một ngựa của ông. Sự đối chiếu tiểu sử tác giả và các nhân vật chỉ là một căn cứ để tìm hiểu thế giới nghệ thuật của nhà văn, trước hết là cái tôi cá nhân, bên cạnh những chi tiết nghệ thuật và cốt truyện. Điều mà nhà văn muốn hướng tới không chỉ là sự phản ánh chân thực mà là hình tượng nghệ thuật và tác phẩm văn học giàu ý nghĩa nhân sinh.

Một phần của tài liệu Yếu tố tự thuật trong tiểu thuyết của Ma Văn Kháng (Qua Đám cưới không có giấy giá thú Ngược dòng nước lũ Một mình một ngựa (Trang 42)