Chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Đoàn và mối quan hệ

Một phần của tài liệu Tư duy biện chứng của Đảng Cộng sản Việt Nam về công tác thanh niên (Trang 86)

Đảng với Đoàn

Nói đến CTTN không thể không bàn đến Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, tổ chức thanh niên cộng sản ưu tú nhất, được Đảng ta luôn tin cậy và giao phó trọng trách lớn lao đó là chuyên trách giúp Đảng thực hiện CTTN một cách hiệu quả nhất. Quá trình nhận thức của Đảng về chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Đoàn và mối quan hệ giữa Đảng với Đoàn thể hiện tư duy biện chứng sâu sắc.

* Năm 1925 được sự huấn luyện, đào tạo của Bác Hồ và tổ chức “Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội”, tám đoàn viên đầu tiên đã được kết nạp, đánh dấu mốc cho sự ra đời và phát triển của một thế hệ đoàn viên cộng sản kế tục lớp đảng viên cộng sản cha anh, cũng từ đó các chi bộ đoàn (nay là chi đoàn) nở rộ khắp cả nước. Khi mới ra đời, các đoàn viên sinh hoạt cùng với đảng viên, các chi bộ đoàn sinh hoạt trong và dưới sự chỉ đạo kèm cặp của các chi bộ đảng. Tuy nhiên thời kì này tồn tại nhận thức sai lầm trong không ít cán bộ đảng viên đúng như Án Nghị quyết về cộng sản thanh niên vận động ban hành tháng 10-1930 của Đảng sau này nêu rằng:“việc tổ chức ra cộng sản thanh niên đoàntừ trước đến nay, đảng bộ các nơi không chú ý đến mấy. Có chỗ thì không tổ chức ra, có chỗ tuy có tổ chức nhưng không phát triển, không có hình tích và sanh hoạt gì hết. Kết quả cũng như không” [60, tr.168]. Nghị quyết vạch rõ nhiệm vụ cách mạng lúc này cho Đảng là “ Từ nầy sắp tới phải hết sức bài trừ ý kiến sai lầm trong đồng chí cho rằng việc thanh niên cộng sản đoàn chưa có quan trọng mấy, mà phải làm cho hết thảy đảng viên hiểu rằng công việc thanh niên cộng sản đoàn là một việc cần kíp- quan trọng như là việc Đảng vậy” [60, tr.168].

Quan điểm trên nhằm nhấn mạnh, tạo sự chuyển biến quyết liệt trong nhận thức cán bộ đảng viên bởi nó xuất phát từ yêu cầu khách quan của cách

mạng: “ Đảng cộng sản tức là đội lãnh đạo của giai cấp công nhân, rất cần phải có một đám dự bị để lấy sức lực mới mẻ đem vào đội ngũ của mình; Đảng cộng sản cần có một cái trường học dự bị, đào tạo những bọn con em của lao động cho Đảng cộng sản và sau hết là phải cần có một cái tổ chức để chuyên trách lãnh đạo cho quần chúng thanh niên lao động tranh đấu để thực hiện chủ nghĩa cộng sản Cộng sản thanh niên đoàn là một cái khí cụ rất tốt để ảnh hưởng mạnh đến quảng đại quần chúng thanh niên công nông và lãnh đạo cho họ trong cuộc giai cấp tranh đấu…”[60, tr. 167, 169].

Với vai trò quan trọng đó của Đoàn, Đảng nêu cụ thể: “Cộng sản thanh niên đoàn là đại biểu độc nhứt của đám thanh niên công nông, của tất cả đám thanh niên thành phố và nhà quê. Đoàn đại biểu quyền lợi cho thanh niên lao động và tranh đấu để binh vực những quyền lợi ấy…là đội tiền phong làm đội lãnh tụ cho thanh niên lao động…chỉ huy công việc cộng sản huấn luyện thanh niên và tham gia vào mỗi cuộc tranh đấu ...để huấn luyện thanh niên và đánh đổ sự bóc lột họ,...[60, tr. 168-170]. Đây là những quan điểm khởi đầu xác lập vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ tổng quát của tổ chức Đoàn sau này.

Tại Nghị quyết Hội nghị Ban chỉ huy ở ngoài của Đảng cộng sản Đông Dương và đại diện các tổ chức Đảng ở trong nước từ 16 đến 21/6/1934, lần đầu tiên khái niệm “hậu bị” xuất hiện khi Đảng khẳng định vị trí của Đoàn: “Đảng đã nhiều lần lưu ý các đảng bộ công tác tổ chức Đoàn Thanh niên cộng sản, làm cho Đoàn trở thành một tổ chức của thanh niên lao động, là lực lượng hậu bị của Đảng” [62, tr. 169]. Trong “Chủ trương tổ chức mới của Đảng” xuất bản ngày 26/3/1937, vấn đề này được hoàn thiện thêm một bước:

“Thanh niên cộng sản đoàn là đội tiền phong của các lớp thanh niên bị áp bức, là đội quân hậu bị của Đảng, nhưng đồng thời Thanh niên Cộng sản đoàn là một đoàn thể quần chúng” [64, tr.235]. Như vậy vị trí của Đoàn là đội

hậu bị của Đảng – tức là lực lượng dự trữ ở phía sau cho Đảng, tính chất của Đoàn là tính tiền phong đi đầu và tính quần chúng thu hút mọi tầng lớp TN.

* Sau khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng, trong Quyết Nghị về việc đổi tên Đoàn thành Đoàn thanh niên Lao động Việt Nam (19/10/1955), Đảng xác định Đoàn có tính chất, chức năng “là một tổ chức quần chúng tiền tiến của thanh niên Việt Nam, chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, là trường học chủ nghĩa Mác - Lênin của thanh niên, là nơi bồi dưỡng lực lượng dự trữ của Đảng, là cánh tay thực hiện mọi chính sách của Đảng. Đoàn bao gồm những phần tử giác ngộ tiên tiến trong thanh niên... tự nguyện phấn đấu cho lý tưởng cao quý của thanh niên và của nhân dân ta. Đoàn làm nòng cốt trong mặt trận thanh niên” [69, tr. 646]. Về quan hệ giữa Đoàn với Đảng, Quyết nghị nêu rõ: “Đoàn rất gần Đảng, nhưng Đoàn vẫn là tổ chức quần chúng chứ không phải tổ chức của Đảng” [69, tr.648]. Quan điểm này đã bước đầu phản ánh khá đầy đủ bản chất chính trị của tổ chức Đoàn. Điều lệ Đảng được thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (9/1960) đã ghi nhận thêm: “Đảng Lao động Việt Nam coi Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam là cánh tay đắc lực và đội hậu bị của Đảng” [71, tr.808].

* Trong thời kì kháng chiến chống Mỹ cứu nước cam go quyết liệt, CTTN và xây dựng tổ chức Đoàn trở thành một trong những nhân tố quyết định đảm bảo cho thắng lợi cuối cùng của dân tộc, Nghị quyết số 181-NQ/TW ngày 25/9/1968 về công tác vận động thanh niên của TW Đảng đã xác định Đoàn là tổ chức “gần Đảng nhất” với các chức năng cụ thể:

“Đoàn Thanh niên Lao động có chức năng:

- Là trường học cộng sản chủ nghĩa của thanh niên....

- Là đội quân xung kích cách mạng thực hiện mọi nhiệm vụ và đường lố,i chính sách của Đảng và Nhà nước.

- Là người đại diện cho lợi ích và quyền làm chủ tập thể của quần chúng thanh niên.

- Là đội hậu bị của Đảng, tham gia xây dựng, kiện toàn Đảng, đào tạo lực lượng hậu bị cho Đảng” [74, tr.454-456].

* Sau ngày đất nước thống nhất, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV ngày 20/12/1976 và Điều lệ Đảng cộng sản Việt Nam được thông qua lần thứ V năm 1982 đều nêu rõ “Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh là cánh tay đắc lực và đội hậu bị tin cậy của Đảng,...có trách nhiệm phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh [75, tr.1033-1034], [76, tr.392].

Đến Nghị quyết số 25-NQ/TW của BCH TW Đảng khóa VI ngày 9/2/1991 về đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với CTTN, chức năng của Đoàn được bổ sung thêm: Đảng phải làm cho “ làm cho Đoàn thực sự là đội dự bị tin cậy của Đảng... là hạt nhân chính trị của phong trào và các tổ chức thanh thiếu niên, người đại diện và bảo vệ lợi ích của tuổi trẻ” [78, tr.549]. Khái quát một cách toàn diện, sâu sắc, phù hợp với thời kì mới, Điều lệ Đảng được Đại hội Đảng toàn quốc khóa XI nhiệm kì 2011-2015 thông qua ngày 19/1/2011 nêu rõ vị trí, chức năng của tổ chức Đoàn như sau: Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là đội dự bị tin cậy của Đảng, thường xuyên bổ sung lực lượng trẻ cho Đảng, kế tục sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; là lực lượng nòng cốt trong phong trào thanh niên; là trường học XHCN của thanh niên, phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.

* Nếu như trước đây Đảng coi việc xây dựng Đoàn là cần kíp, quan trọng như xây dựng Đảng thì tại Nghị quyết số 25- NQ/TW của BCH TW Đảng lần thứ 7 khóa X ngày 25/7/2008 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với CTTN thời kì đẩy mạnh CNH, HĐH, Đảng đưa ra quan điểm chỉ đạo chiến lược, trở thành kim chỉ nam hành động đối với mọi cấp ủy Đảng trong

CTTN thời kì mới: “Xây dựng Đoàn vững mạnh là nội dung quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, là xây dựng Đảng trước một bước” [61, tr.118]. Như vậy, Đảng đã khẳng định tính cấp thiết của việc củng cố xây dựng Đoàn trong thời kì mới và vai trò đặc biệt quan trọng của Đoàn đối với Đảng. Điều này nói lên mối quan hệ biện chứng mang tính nguyên tắc giữa Đảng với Đoàn. Đoàn là đội dự bị tin cậy của Đảng, là người kế tục trung thành sự nghiệp, lý tưởng cách mạng của Đảng. Mục tiêu, lý tưởng của Đoàn chính là phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu lý tưởng của Đảng. Đoàn tham mưu, đề xuất cho Đảng những vấn đề liên quan đến thanh niên và công tác thanh thiếu nhi, tham gia xây dựng bảo vệ và tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng. Mặt khác, tổ chức Đoàn đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện và tuyệt đối của Đảng. Đảng định hướng chính trị cho mọi hoạt động, nguyên tắc tổ chức của Đoàn và phong trào thanh niên. Đảng có vững mạnh, kiên định mục tiêu, lý tưởng cách mạng thì Đoàn mới có điều kiện phát triển thuận lợi và ngược lại, tổ chức Đoàn vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức sẽ đem lại sức sống, bổ sung lực lượng trẻ cho Đảng. Công tác xây dựng, củng cố tổ chức Đoàn là bộ phận hữu cơ, tất yếu và đi trước một bước trong công tác xây dựng Đảng.

Có thể nói, từ năm 1930 đến nay là cả một quá trình Đảng nhận diện ra vị trí đội dự bị của mình đúng như bản chất tự thân vốn có của một tổ chức thanh niên cộng sản mà Đảng và Bác Hồ đã dày công sáng lập, rèn luyện. Với những nhận thức mới về Đoàn: từ đội quân trung kiên “rất gần Đảng” đến

“gần Đảng nhất”; từ “cánh tay của Đảng” đến “cánh tay đắc lực của Đảng”, từ đội “hậu bị” đến “dự bị tin cậy”; từ tổ chức tiên tiến đến xung kích, tiên phong đi đầu trong sự nghiệp cách mạng … vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Đoàn đã được hoàn thiện, bổ sung, không ngừng được nâng tầm đáp ứng yêu cầu tồn tại và sự kế tục phát triển của Đảng cũng như

của nhiệm vụ cách mạng. Trong tư duy của mình, Đảng ta đã nhận diện ngày một sâu sắc về đội quân kế cận sát sao nhất, trung thành nhất của mình. Đó là những quan điểm lí luận mang tính nguyên tắc, chiến lược, là kết quả của quá trình tổng kết thực tiễn lâu dài, là cuộc đấu tranh tư tưởng kiên trì gần một thế kỉ. Và chắc chắn cuộc đấu tranh ấy sẽ không dừng lại ở đó, sự vận động, phát triển của tư duy sẽ còn tiếp tục diễn ra, đặc biệt là trước những bước ngoặt của hoàn cảnh lịch sử và nhiệm vụ của cách mạng.

Một phần của tài liệu Tư duy biện chứng của Đảng Cộng sản Việt Nam về công tác thanh niên (Trang 86)