chủ thể thực hiện công tác thanh niên
Quan điểm xuyên suốt của Đảng coi CTTN là một bộ phận quan trọng của công tác quần chúng. Tuỳ từng thời kì lịch sử, trên cơ sở nhiệm vụ cách mạng khác nhau mà Đảng ta có quan điểm về mục tiêu, nhiệm vụ của CTTN khác nhau, xây dựng mẫu hình người thanh niên khác nhau; đồng thời có sự phát triển nhận thức về vai trò của chủ thể thực hiện CTTN.
* Cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX, trước thực tế bế tắc của phong trào yêu nước và trình độ nhận thức còn hạn chế, mê muội của nhân dân An Nam dưới chính sách mị dân của thực dân Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã có ý tưởng mới mẻ mở ra con đường đấu tranh giải phóng dân tộc đó là phải “thức tỉnh” thanh niên, “thức tỉnh” tinh thần yêu nước của tuổi trẻ, và từ “thức tỉnh” lớp trẻ đi tới “thức tỉnh” cả dân tộc vùng dậy đấu tranh. Tiếp đó là chủ trương “Cách mạng hóa” thanh niên của Người, mở các lớp huấn luyện, đào tạo, giác ngộ tinh thần cách mạng, lí tưởng cộng sản cho thanh niên; chủ trương “vô sản hóa” đưa thanh niên thâm nhập vào thực tiễn đời sống của quần chúng nhân dân, vừa rèn luyện, giáo dục thanh niên, vừa để thanh niên tuyên truyền, giác ngộ tinh thần cách mạng, chủ nghĩa cộng sản cho quần chúng nhân dân.
Đó là những quan điểm nền móng khởi đầu trong mục tiêu tiến hành CTTN của Bác đã được Đảng ta tiếp thu, kế thừa. Thời kì đầu những năm 1930, mục tiêu xuyên suốt của Đảng tiến hành CTTN là bồi dưỡng, giác ngộ thanh niên để đưa thanh niên ra đấu tranh và từ trong đấu tranh để nâng cao giác ngộ lý tưởng cách mạng. Đấu tranh chống áp bức, bóc lột, đấu tranh đòi quyền sống cho thanh niên lao động, từ đó tiến lên đấu tranh chính trị vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng xã hội tốt đẹp cộng sản chủ nghĩa. Sau
này Đảng lập ra các tổ chức của thanh niên như Đoàn TNCS - bộ phận tiên phong, ưu tú nhất của thanh niên, Hội Liên hiệp Thanh niên,…cũng nhằm tập hợp đoàn kết thanh niên thành tổ chức để giác ngộ đi đến đấu tranh vì sự nghiệp cách mạng cao cả ấy.
Những năm đầu thế kỉ XX trước khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời ở Đông Dương đã xuất hiện nhiều “Đảng nọ phái kia... từ những đảng cách mạng... cho đến những phái quốc gia cải lương”. Điều đáng nói là “hết thảy những đảng phái ấy đều hiểu cái địa vị trọng yếu của thanh niên lao động nên đều hết sức ảnh hưởng đến quần chúng thanh niên công nông” [60, tr.167].
Trước tình hình đó, Đảng ta nhận thức ra rằng “Đảng cộng sản phải cần kíp công tác trong quần chúng thanh niên; phải lãnh đạo quần chúng thanh niên lao động thành phố, nhà quê đấu tranh hàng ngày và kéo họ ra khỏi ảnh hưởng quốc gia phong kiến, đế quốc” [60, tr.167]. “Cần kíp” nói lên mức độ cấp bách của vấn đề, không thể để thanh niên bị quân địch lợi dụng, khai thác, vì vậy nhiệm vụ của Đảng lúc này không phải chỉ lãnh đạo công nông làm cách mạng mà còn phải trực tiếp lãnh đạo một bộ phận lực lượng cách mạng vô cùng đông đảo và nhiều tiềm năng là thanh niên, để tạo sự ảnh hưởng, lôi kéo họ về phía mình, tức là trong lãnh đạo công tác quần chúng, Đảng chính thức phải là một chủ thể trực tiếp lãnh đạo CTTN.
Vì vậy, tháng 3 năm 1935, tại Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ I, Đảng ta đã đặt yêu cầu cho tất cả các cơ sở Đảng: “Phải dùng đủ phương pháp mà thâu phục quảng đại quần chúng thanh niên,...Dùng hết các hình thức công khai, bán công khai, bí mật mà kéo quần chúng thanh niên theo ảnh hưởng cộng sản” [63, tr. 80]. Lúc này việc lôi kéo lực lượng thanh niên về phía Đảng đã trở thành nhiệm vụ quyết làm cho được. Thực tế, trong thời kì cách mạng 1935-1939, Đảng ta đã tập hợp được hàng chục vạn thanh niên trong cuộc vận động đòi tự do, dân chủ, cải thiện đời sống. Tiếp đó, với
đường lối đúng đắn Đảng đã tạo ra một lực lượng chính trị to lớn xung quanh Đảng cùng tiến hành khởi nghĩa, đưa Cách mạng Tháng 8 năm 1945 đến thành công.
Đáng lưu ý là khi Nhà nước Cộng hoà Dân chủ đầu tiên được thành lập năm 1945, bên cạnh phương thức thực hiện công tác vận động thanh niên trực tiếp thông qua tổ chức Đoàn là chủ yếu, Đảng đã bước đầu đề cập đến vấn đề thể chế hóa các chủ trương chính sách về CTTN, yêu cầu Chính phủ lập ra cơ chế quản lý về mặt Nhà nước đối với CTTN là Bộ Thanh niên, sau đó là Nha Thanh niên.
Mặt khác, nhìn lại quá trình Đảng thay đổi tên gọi của Đoàn qua từng thời kì cũng phản ánh sự thay đổi mục tiêu, nội dung của CTTN cho phù hợp với thực tiễn cách mạng đặt ra. Từ khi ra đời đến nay, Đoàn thanh niên có bảy tên gọi khác nhau. Đảng thành lập ra tổ chức Đoàn năm 1931 lấy tên là Đoàn thanh niên Cộng sản Đông Dương. Đó là lớp thanh niên cộng sản tiên tiến đầu tiên được Đảng giác ngộ lý tưởng cách mạng, tiến hành cao trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh. Cao trào đã giành được những thành quả to lớn, nhưng sau đó lại bị thực dân Pháp đàn áp dã man, buộc Đảng và Đoàn phải lui vào hoạt động bí mật. Thời kì 1936-1939, trước nguy cơ của chiến tranh phát xít, Đảng vạch ra nhiệm vụ cách mạng hàng đầu lúc này là chống chủ nghĩa phát xít, Đoàn thanh niên cùng Đảng ra hoạt động công khai và bán công khai, nhiệm vụ CTTN cấp thiết là phải vận động thanh niên đấu tranh, bãi công biểu tình giành quyền dân chủ, dân sinh, hoà bình và bảo vệ Liên Xô. Để làm tốt nhiệm vụ đó, Đảng đã đổi tên Đoàn thành Đoàn thanh niên Dân chủ Đông Dương. Năm 1940 Pháp rơi vào tay phát xít Đức, Phát xít Nhật chiếm Đông Dương, Pháp đầu hàng Nhật, Việt Nam chịu cảnh “một cổ hai tròng”. Để phục vụ chiến tranh, Pháp thẳng tay đàn áp khủng bố cách mạng, các quyền tự do, dân chủ mà thanh niên và nhân dân giành được trước đây đều bị xoá bỏ. TW Đảng
họp và đề ra nhiệm vụ khẩn trương lúc này của cách mạng là đánh đổ đế quốc Pháp, chống tất cả ách ngoại xâm bất luận da trắng hay da vàng. Để vận động thanh niên làm tốt nhiệm vụ đó, thời kì 1939-1941 Đảng đổi tên Đoàn thành
Đoàn thanh niên Phản đế Đông Dương. Năm 1941, Bác Hồ sau ba mươi năm bôn ba tìm đường cứu nước đã trở về đặt chân lên mảnh đất quê hương. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Bác, TW Đảng đã họp và đề ra nhiệm vụ cách mạng tập trung lúc này là chĩa mũi nhọn vào bọn phát xít xâm lược Pháp - Nhật, thanh niên cùng nhân dân cả nước thực hiện nhiệm vụ cứu quốc là hàng đầu. Bởi vậy, Đảng đã đổi tên Đoàn thành Đoàn thanh niên Cứu quốc Việt Nam.
* Sang thời kì kháng chiến chống Pháp, mục tiêu, nội dung về CTTN có sự thay đổi. Kế hoạch đánh nhanh, thắng nhanh của địch đã bị thất bại, đồng thời với việc chuẩn bị mở những cuộc tấn công mới, thực dân Pháp chủ trương bình định những vùng đã chiếm để thực hiện âm mưu thâm độc “dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”. Đối với thanh niên, thực dân Pháp dùng thủ đoạn vừa mua chuộc, lôi kéo, vừa đàn áp, khủng bố. Chúng còn thành lập ra các tổ chức thanh niên phản động để lôi kéo, ru ngủ, chia rẽ thanh niên hòng làm cho họ lãng quên nhiệm vụ đối với dân tộc, đất nước...
Đảng triệu tập Hội nghị cán bộ TW (04/1947) đề ra mục tiêu CTTN thời kì này là kháng chiến, kiến quốc: “Nhiệm vụ thiết thực của thanh niên trong thời kỳ này là: tham gia bộ đội dân quân để tác chiến, tuyên truyền xung phong và tăng gia sản xuất xung phong, giúp đỡ việc di cư, tản cư, bình dân học vụ và tiểu học vụ, đoàn kết các hạng thanh niên, động viên thanh niên ra cứu nước” [66, tr.192, 193]. Chỉ thị Thanh vận của TW Đảng gửi các cấp Bộ ngày 1/9/1947 còn yêu cầu cụ thể: “Động viên thanh niên phải theo tính chất năng lực của từng giới như thanh niên lao động làm trong công binh xưởng: tăng gia sản xuất để kháng chiến; thanh niên trí thức học tập và sáng
tác để kháng chiến kiến quốc, thanh niên nông dân tham gia du kích dân quân, xung phong giết giặc cứu nước,...” [66, tr. 277, 278].
Trước thực trạng các cấp bộ của Hội chưa tích cực tiến hành công tác thanh vận, Chỉ thị Thanh vận tháng 9/1947 yêu cầu thành lập ngay Ban Thanh vận các cấp: “Ban thanh vận các cấp phải chịu quyền chỉ huy của cấp bộ tương đương...những đồng chí phụ trách tiểu ban thanh vận các cấp có thể là đảng đoàn của Hội trong các tổ chức thanh niên. Nhiệm vụ của đảng đoàn là phải lãnh đạo và thực hiện mọi chủ trương của Hội trọng các tổ chức mình phụ trách... báo cáo đầy đủ về tình hình các tổ chức ấy cho cấp bộ Hội rõ”
[66, tr.278]. Sự quan tâm sát sao này của Đảng đã khiến công tác thanh vận được đẩy lên.
* Miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, Đảng lãnh đạo nhân dân và tuổi trẻ miền Bắc tập trung vào xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của CNXH, làm hậu phương lớn cho đồng bào và tuổi trẻ miền Nam đấu tranh. Để cổ vũ thanh niên hưởng ứng và hiểu rõ nhiệm vụ trọng tâm của mình, Đảng đã đổi tên Đoàn thành Đoàn thanh niên Lao động Việt Nam vào năm 1955.
Năm 1965 Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, tuổi trẻ cùng nhân dân cả nước nêu cao quyết tâm thực hiện lời dạy của Bác “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Trước nhiệm vụ cấp bách, Chỉ thị số 105-CT/TW ngày 29/7/1965 về công tác vận động thanh niên trong tình hình mới nêu lên vấn đề khẩn thiết của CTTN thời kì này là: “ Cần tăng cường giáo dục cho thanh niên nhận rõ tình hình và nhiệm vụ mới, bản chất và âm mưu thâm độc của đế quốc Mỹ và tay sai... bồi dưỡng cho đoàn viên và thanh niên về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần quyết chiến quyết thắng đế quốc Mỹ..., kiên quyết vượt mọi khó khăn giành chiến công lớn nhất trong chiến đấu và giành những năng suất lao động cao nhất trong sản xuất” [73, tr 333, 334]. Đặc biệt vào giai đoạn kháng chiến quyết liệt nhất, Đảng kịp thời ra Nghị quyết số 181-NQ/TW
ngày 25/9/1968 về công tác thanh vận khẳng định một lần nữa: “... ra sức đào tạo, bồi dưỡng thế hệ thanh niên mới phát triển toàn diện để giữ vững vai trò là lực lượng xung kích cách mạng, đi đầu trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và xây dựng CNXH, đồng thời trở thành lớp người kế tục một cách trung thành và xuất sắc sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng...Thế hệ thanh niên mới đó vừa là kết tinh những truyền thống tốt đẹp nhất của dân tộc, vừa là con người mới hiện đại, có đầy đủ đạo đức, phẩm chất cách mạng của giai cấp công nhân, đồng thời có trình độ văn hoá, khoa học kĩ thuật cao để cải tạo xã hội cũ và xây dựng xã hội mới” [74, tr.456, 457].
Có thể nói mẫu hình người thanh niên chiến sĩ chống Mỹ, cứu nước mà Đảng xây dựng thể hiện sự phát triển lên tầm cao những phẩm chất truyền thống và trình độ mọi mặt so với người thanh niên chiến sĩ chống Pháp. Ở đó lòng yêu nước gắn liền với yêu CNXH, tinh thần quốc tế vô sản; ý thức trách nhiệm trước dân tộc gắn liền trách nhiệm với chính thế hệ mình; anh dũng, sáng tạo trong chiến đấu và trong lao động sản xuất; tự giác với vai trò của người chủ hiện tại và tương lai. Họ là thế hệ thanh niên kiên quyết chấp hành và có khả năng hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ cách mạng. Ở họ kết tinh yếu tố truyền thống dân tộc và yếu tố con người mới hiện đại của giai cấp công nhân lao động tự giác, có kỷ luật, có kĩ thuật, có đạo đức nếp sống văn minh, có trình độ văn hoá, khoa học kĩ thuật và say sưa sáng tạo để cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới.
Để đạt được những mục tiêu trên, phát huy hết mức tiềm lực cách mạng của thanh niên ủng hộ theo Đảng, Đảng nhận thấy: “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh vận và Đoàn Thanh niên Lao động là nhân tố quyết định nhất đối với sự phát triển của phong trào thanh niên và các mặt hoạt động của Đoàn thanh niên trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước và xây dựng CNXH” [74, tr.463, 464]; Tăng cường thể hiện ở những việc cụ thể như:
“ phân công các đồng chí cấp uỷ viên có năng lực trực tiếp làm Bí thư Đoàn và được chuyên lo công tác..., hàng năm các cấp uỷ Đảng cần tổ chức các hội nghị thanh vận,.. để Đoàn được tham giá ý kiến với Đảng và chính quyền về các mặt công tác,...” [74, tr.464].
Đặc biệt lần đầu tiên Đảng đã đề cập trách nhiệm của các ngành trong Nhà nước và các đoàn thể đối với CTTN: Các ngành giáo dục, văn hoá, kinh tế, y tế, Tổng Công đoàn, Ban Phụ vận và Hội Liên hiệp Phụ nữ cùng kết hợp chặt chẽ với Đoàn Thanh niên trong sự nghiệp đào tạo bồi dưỡng con người mới...Các ngành tuỳ theo nhiệm vụ công tác của ngành mình mà đặt chỉ tiêu, nội dung, chương trình, kế hoạch và biện pháp bồi dưỡng giáo dục cho thanh niên về mặt đó...Tổng công đoàn, Ban Phụ vận và Hội Liên hiệp phụ nữ cần kết hợp chặt chẽ với Đoàn Thanh niên trong sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng thanh niên công nhân và nữ thanh niên [74, tr.465, 466].
Cho đến nay, Nghị quyết 181 của Đảng vẫn là một trong những nghị quyết quan trọng hàng đầu thời kì chống Mỹ trong lịch sử lãnh đạo CTTN của Đảng, với nhiều luận điểm quan trọng thể hiện sự phát triển trong tư duy, có ý nghĩa lí luận và thực tiễn sâu sắc. Nghị quyết ra đời đã tạo ra bước ngoặt quan trọng trong nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhất là những người được Đảng giao trách nhiệm phụ trách CTTN từ Trung ương đến cơ sở.
Năm 1969 Chủ tịch Hồ Chí Minh mất, trước tổn thất lớn lao ấy, để tỏ lòng kính yêu và biết ơn vô hạn đối với Người, thể theo nguyện vọng của tuổi trẻ cả nước, TW Đảng đã đồng ý cho tổ chức Đoàn được vinh dự mang tên Bác là Đoàn TN Lao động Hồ Chí Minh. Với niềm vinh hạnh lớn lao đó, tuổi trẻ cả nước đã phất cao khí thế quật cường chống Mỹ cùng nhân dân cả nước làm nên đại thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Từ đây cả nước cùng vững bước tiến lên xây dựng CNXH theo lý tưởng mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn.
* Trong niềm vui hoà bình thống nhất, tuổi trẻ hai miền Nam - Bắc cùng phất cao khí thế tiến lên xây dựng xã hội mới, xã hội cộng sản chủ nghĩa. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV năm 1976 đã đổi tên Đoàn thành
Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Từ đó đến nay với tên gọi vinh quang ấy, thanh niên ta vẫn luôn thể hiện niềm tin yêu son sắt theo lý tưởng cộng sản của Đảng và tấm lòng kính yêu biết ơn vô hạn đối với Bác Hồ Chí Minh.
Trước những khó khăn chồng chất do hậu quả chiến tranh để lại, Đảng ta nhanh chóng đề ra nhiệm vụ cho thanh niên cả nước cùng toàn dân khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, thi đua xây dựng đời sống mới. Thời kì đầu của chế độ bao cấp, Đại hội Đảng khoá IV năm 1976, khoá V năm 1982 đều nhấn