Một số bài học kinh nghiệm

Một phần của tài liệu Tư duy biện chứng của Đảng Cộng sản Việt Nam về công tác thanh niên (Trang 105)

Từ quá trình thay đổi, phát triển nhận thức, tư duy trong lãnh đạo CTTN của Đảng có thể rút ra một số bài học trong lãnh đạo chỉ đạo CTTN ở các cấp uỷ Đảng như sau:

- Nhận thức đúng bản chất của đối tượng, từ đó thấy được khả năng, nội lực của đối tượng, đặt đúng vị trí, xác định đúng vai trò của đối tượng để có thể khai thác phát huy hết khả năng của đối tượng.

- Không ngừng tổng kết thực tiễn, từ đó nâng cao nhận thức, trình độ tư duy lí luận phù hợp với yêu cầu khách quan của lịch sử.

- CTTN là một bộ phận đặc biệt quan trọng trong công tác quần chúng. Thanh niên là một bộ phận của dân tộc, thanh niên có mặt ở mọi vùng miền trong mọi thành phần, lực lượng xã hội như công nhân, nông dân, tầng lớp trí thức, tôn giáo, các tầng lớp lao động khác...Thanh niên là lớp người đang lớn về thể chất, về tư tưởng, họ rất giàu tinh thần hăng hái xung phong, ham tiến bộ, thiết tha với lý tưởng, không ngại khó ngại khổ. Do những đức tính quí báu ấy họ sẵn sàng theo Đảng đến cùng. Song thanh niên cũng có những nhược điểm như: thiếu từng trải, kinh nghiệm sống ít, sự giác ngộ giai cấp chưa sâu sắc, dễ bị kích động. Do vậy, phải thường xuyên liên tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với CTTN, nếu Đảng coi nhẹ lơ là việc lãnh đạo CTTN, việc giáo dục thanh niên thì dễ bị kẻ thù lôi kéo, lợi dụng, đẩy thanh niên ra xa lực lượng của mình.

- Để lãnh đạo CTTN đúng hướng và hiệu quả, phải luôn kết hợp chặt chẽ với phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân, nông dân, phải nắm vững đường lối giai cấp trong việc vận động, tổ chức, giáo dục thanh niên, đồng thời phải chú ý đến đặc điểm riêng của thanh niên. Nếu trong công tác, chỉ thấy một chiều đặc điểm của thanh niên mà không thấy bản chất giai cấp thì sẽ mắc sai lầm về lập trường quan điểm, xa rời đường lối của Đảng, trái lại chỉ thấy cái chung mà không thấy đặc điểm của tuổi trẻ thì cũng không phát huy được tính tích cực sáng tạo của thanh niên, CTTN sẽ có nhiều thiếu sót.

- Trong CTTN, tuỳ từng thời điểm, tuỳ theo nhiệm vụ chính trị của đất nước mà đặt ra nội dung, mục tiêu giáo dục thanh niên phù hợp. Song ở bất kì hoàn cảnh điều kiện lịch sử nào, luôn luôn phải đề cao coi trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, lý tưởng cách mạng, truyền thống dân tộc, đạo đức lối sống cho thanh niên, coi đó là nội dung giáo dục hàng đầu, kể cả giáo dục

những đảng viên trẻ. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, khi truyền thống cách mạng, truyền thống dân tộc bị coi nhẹ, ảnh hưởng của giai cấp công nhân, của lý tưởng cộng sản trong thanh niên bị giảm sút, CNTB đánh lừa, dụ dỗ lôi kéo được thanh niên thì thanh niên từ vị trí là lực lượng dự trữ, xung kích của cách mạng sẽ biến thành lực lượng bị kích động phản cách mạng một cách nhanh chóng, gây nên những tổn thất nặng nề cho nhân dân, cho sự nghiệp cách mạng. Giai cấp công nhân với bản chất cách mạng, với sự già dặn của mình lại được một đảng tiên phong dìu dắt nên dễ nhận thức và kiên định được chân lý. Còn thanh niên tuy rất cách mạng, hăng hái nhưng do đặc điểm lứa tuổi, thiếu kinh nghiệm sống cũng dễ bấp bênh, mất phương hướng. Do đó, Đảng cộng sản phải hết sức thận trọng cảnh giác trước những biến động nhanh chóng của tình hình thanh niên. Phong trào cách mạng của thanh niên cũng dễ lên mà cũng dễ xuống, chỉ cần sơ suất, lơ là của người lãnh đạo, của các cấp uỷ Đảng trong một thời gian nào đó không nắm bắt đúng đắn, kịp thời tư tưởng của thanh niên tất yếu cách mạng sẽ gặp nhiều khó khăn.

- Quan tâm chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ làm CTTN, đặc biệt là cán bộ đoàn. Cán bộ làm CTTN là một bộ phận của đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị. Chất lượng hiệu quả của CTTN, sau khi có chủ trương đúng, sẽ phụ thuộc trực tiếp, quyết định vào chất lượng của đội ngũ cán bộ. Đội ngũ này góp phần quan trọng vào việc đề xuất, kiến nghị, tham mưu, tham gia xây dựng đường lối, chủ trương về CTTN và quyết định trong việc quán triệt, tổ chức thực hiện, biến đường lối, chủ trương đó thành hiện thực. Thực tiễn CTTN của Đảng hơn 80 năm qua đã khẳng định điều đó. Lúc nào, ở đâu Đảng chăm lo tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm CTTN chu đáo, có chất lượng và bố trí, sử dụng tốt thì lúc đó, ở đó phong trào cách mạng của quần chúng thanh niên được phát động, duy trì và phát triển đúng hướng, mối quan hệ giữa Đảng và thanh niên được củng cố. Đội ngũ cán bộ làm CTTN

phải thật sự hiểu thanh niên, tin thanh niên, vì thanh niên và thật sự gương mẫu, đồng cam cộng khổ, gắn bó với thanh niên. Xây dựng đội ngũ cán bộ làm CTTN, cán bộ đoàn phải gắn liền, đi đôi với việc xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức Đoàn thanh niên.

- Trong bất kì điều kiện, hoàn cảnh nào, phải quán triệt quan điểm mọi mặt hoạt động của Đoàn thanh niên đều phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, tranh thủ sự quan tâm của Nhà nước và sự phối hợp hoạt động của các đoàn thể, tổ chức, đơn vị trên qui mô toàn xã hội. Điều này có ý nghĩa quyết định đảm bảo sự phát triển của Đoàn và phong trào thanh niên. Đồng thời Đảng cũng phải luôn đề cao tính độc lập của Đoàn dưới sự lãnh đạo của Đảng, như thế mới phát huy được mọi sáng kiến, tinh thần tích cực trong mọi công tác. Tính độc lập của Đoàn ở đây tức là Đoàn căn cứ vào nhiệm vụ trọng tâm mà Đảng giao cho, tìm ra những phương pháp và hình thức vận động linh hoạt, tổ chức thực hiện có hiệu quả các hoạt động phù hợp với đặc điểm, nhu cầu, nguyện vọng của thanh niên, điều này không phải đi đến khuynh hướng đòi độc lập với Đảng.

- Đảng thành lập ra và trực tiếp lãnh đạo tổ chức Đoàn với chức năng chủ yếu nhất là giúp Đảng giáo dục cộng sản chủ nghĩa cho thế hệ trẻ, thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ là “đào tạo thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”, và đào tạo thanh niên “thành những người thừa kế xây dựng CNXH vừa “hồng”, vừa “chuyên”. Giáo dục cộng sản chủ nghĩa ở đây có nghĩa là Đoàn phải phát huy được tính tự giác rèn luyện cho đoàn viên thanh niên về lý tưởng cách mạng, về lập trường tư tưởng, đạo đức cách mạng, làm cho họ trưởng thành về mặt chính trị, tư tưởng, từ đó họ sẽ hăng hái học tập văn hoá, khoa học, kĩ thuật, công nghệ, và cống hiến cho đất nước. Để được như vậy, Đoàn có nhiều phương pháp để giáo dục thanh niên như tổ chức cho thanh niên học nghị quyết, thông qua

sinh hoạt chi Đoàn,... Song cơ bản và quan trọng nhất, Đoàn cần kiên trì phương trâm giáo dục thanh niên thông qua phong trào hành động cách mạng. Bản chất thanh niên luôn muốn khẳng định, thể hiện cái tôi bản thân ra ngoài hiện thực cuộc sống. Thông qua hoạt động thực tiễn, vai trò của thanh niên mới được khẳng định, nhân cách của thanh niên mới được hình thành. Hoạt động thực tiễn là yếu tố hiệu quả nhất giúp thanh niên biến quá trình giáo dục thành tự giáo dục.

- Đảng đã xác định sự nghiệp giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ không phải chỉ do Đoàn thanh niên tiến hành mà còn đề cao trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức kinh tế - xã hội, các tổ chức đoàn thể, gia đình, nhà trường, và toàn thể lực lượng trong xã hội. Song Đoàn thanh niên vẫn là lực lượng chủ chốt giúp Đảng giáo dục TN, phát huy thanh niên. Vị trí, vai trò của Đoàn đối với Đảng là “cánh tay đắc lực”, và “đội dự bị tin cậy của Đảng”, vì vậy các cấp uỷ Đảng phải xác định bên cạnh việc sử dụng, khai thác tổ chức Đoàn, lực lượng thanh niên với vai trò là “cánh tay đắc lực”, phải luôn luôn chú trọng, quan tâm đến việc bồi dưỡng, giáo dục, đào tạo thanh niên, xây dựng củng cố tổ chức Đoàn, có như vậy tổ chức Đoàn mới vững mạnh, lực lượng thanh niên mới trưởng thành xứng đáng là “đội dự bị tin cậy của Đảng”. Đảng phải đấu tranh với chính mình, kiên trì chống lại mọi quan điểm phiến diện, nặng về khai thác, sử dụng thanh niên mà lơ là, coi nhẹ việc bồi dưỡng, giáo dục, đào tạo thanh niên. Thực tế quan điểm phiến diện này cho đến nay vẫn tồn tại trong không ít các cấp uỷ Đảng cũng như cán bộ, đảng viên. Bồi dưỡng và phát huy có mối quan hệ biện chứng, phải là quan điểm chiến lược, là mục tiêu xuyên suốt trong hệ thống quan điểm của Đảng về CTTN.

- Qua các thời kì thực trạng các cấp ủy Đảng còn coi nhẹ CTTN ở những mức độ khác nhau, sự gương mẫu, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên ở

nhiều nơi còn thấp, “đáng nói là tỉ lệ thanh niên hiện nay thực sự tin tưởng đối với cấp uỷ Đảng tại địa phương không cao” [46, tr. 66]. Đề bồi dưỡng, giáo dục và phát huy thanh niên có hiệu quả, đóng góp tích cực cho đất nước, hơn ai hết Đảng phải là người anh thật sự mẫu mực về nhân cách và phẩm chất đạo đức cách mạng để thanh niên soi vào, từ đó dìu dắt định hướng đúng đắn cho thanh niên. Đồng thời, phải luôn coi trọng CTTN. Đảng phải có cái nhìn thật sự chân thành, tôn trọng, tin yêu thanh niên, không thành kiến, không phỉ báng, không áp đặt, sẵn sàng lắng nghe, đối thoại với thanh niên, nắm bắt trúng và đáp ứng kịp thời những nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của thanh niên. Đặc biệt Đảng phải có thái độ công bằng đối với thanh niên. Thực hiện công bằng nhất là trong việc nhìn nhận, đánh giá công sức đóng góp của thanh niên, công bằng trong thực hiện và đảm bảo quyền lợi của thanh niên cũng là một biện pháp giáo dục tốt nhằm gây dựng lòng tin của thanh niên đối với Đảng, với chế độ, đây là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể và toàn xã hội.

Một phần của tài liệu Tư duy biện chứng của Đảng Cộng sản Việt Nam về công tác thanh niên (Trang 105)