Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ lỗi lạc của dân tộc, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, người Bác kính yêu của thế hệ trẻ Việt Nam. Suốt đời Người luôn quan tâm, chăm lo giáo dục và rèn luyện thế hệ trẻ, đặc biệt là thanh niên. Tấm gương sáng ngời của Người là ngọn đuốc soi rọi cho thanh niên Việt Nam noi theo. Thanh niên Việt Nam cũng luôn hướng về Người mà không một sức mạnh nào ngăn cản nổi, bởi cuộc đời và phẩm chất cao đẹp của Người luôn lôi cuốn cổ vũ họ. Bác chăm lo giáo dục bồi dưỡng thế hệ trẻ, bồi dưỡng thanh niên vì công việc này gắn liền với cuộc đấu tranh cho lý tưởng cao quý của Người và sự trưởng thành của thế hệ trẻ là thành quả vĩ đại nhất của cách mạng, có ý nghĩa quyết định vận mệnh của Đảng, của dân tộc. Kế thừa tư tưởng của C.Mác, Ph.Ăngghen và V.I. Lênin, Hồ Chí Minh đã phát triển sáng tạo các luận điểm mácxit về thanh niên, CTTN. Tư tưởng này được thể hiện trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người, trong nhiều tác phẩm, bài viết, thư gửi và trong các buổi gặp gỡ, nói chuyện với thanh, thiếu nhi. Đó là di sản quý báu mà Bác đã để lại cho Đảng ta phát huy tiềm năng sức mạnh của thanh niên hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình qua từng thời kì cách mạng của dân tộc.
Tư tưởng của Hồ Chí Minh về thanh niên và CTTN rất sâu sắc và toàn diện. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau được coi là vấn đề chiến lược, xuyên suốt trong tư tưởng của Hồ Chí Minh thanh niên và CTTN. Khái quát những tư tưởng biện chứng của Người về thanh niên và CTTN ở một số điểm sau: * Hồ Chí Minh có quan điểm khách quan, toàn diện khi nhìn nhận, đánh giá về thanh niên, có niềm tin vững chắc vào thanh niên
Ngay từ cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỷ XX, nhiều nhà yêu nước có tâm huyết lớn với thanh niên (như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh...) phần nào cũng thấy được vai trò quyết định của thanh niên trong tiến trình lịch sử. Các cụ thường nhắc lại câu nói của người xưa: “Hậu sinh khả úy”. Song do những hạn chế về thế giới quan khoa học, các cụ mới gửi gắm tâm huyết của mình chứ chưa đi từ sự nhìn nhận vai trò của tuổi trẻ một cách đúng đắn, đầy đủ tới việc tổ chức, phát huy một cách có hiệu quả lực lượng thanh niên.
Bên cạnh đó có người quá đề cao thanh niên theo cảm giác mà không thấy hết mặt yếu, mặt hạn chế của thanh niên. Vào những năm 20 của thế kỷ XX, ở nước ta xuất hiện cái gọi là “Chủ nghĩa thanh niên” trong một số nhà yêu nước. Các ông coi thanh niên như là chủ thể toàn bích, mặt nào cũng tốt. Lại có tư tưởng gia trưởng, cho thanh niên là lớp “trẻ người non dạ” khó làm nên việc lớn; hay coi thường lớp trẻ, ép buộc họ vào trong khuôn mẫu của lớp cha anh, dẫn đến sự xa cách với thanh niên, không hiểu tâm lý, nguyện vọng, khát khao của lớp trẻ.
Hồ Chí Minh không tán thành những cách nhìn nhận phiến diện đó. Người đã nghiêm khắc phê phán những thái độ này, yêu cầu không được hẹp hòi, thành kiến với thanh niên, cho rằng “trứng khôn hơn vịt”. Người thấy rằng thanh niên nói chung và trong mỗi cá thể nói riêng đều có cả mặt mạnh và mặt yếu, đều đang tiềm ẩn những khả năng to lớn cũng như những mặt hạn chế: “ưu điểm của thanh niên là hăng hái, giàu tinh thần xung phong. Khuyết điểm là ham chuộng hình thức, thiếu thực tế, bệnh cá nhân, bệnh “anh hùng”,
[27, tr. 195], song thanh niên là “bộ phận quan trọng của dân tộc” [28, tr. 398], là lực lượng nòng cốt để xây dựng xã hội mới, phát huy mặt mạnh, hạn chế mặt yếu là con đường để thanh niên tự hoàn thiện nhân cách của mình.
Không những vậy, Người còn có quan điểm nhìn nhận, đánh giá đúng đắn, khoa học về vai trò lịch sử cả trong hiện tại và tương lai của thanh niên, khả năng làm cách mạng của thanh niên như sau:
Theo Hồ Chí Minh, thanh niên là một bộ phận quan trọng trong cộng đồng dân tộc. Người nói “Tính trung bình, thanh niên chiếm độ một phần ba tổng số nhân dân - tức là một lực lượng to lớn. Lực lượng to lớn thì phải có nhiệm vụ to lớn” [29, tr.94]. Họ là người chủ hiện tại của đất nước không chỉ vì họ chiếm khoảng một phần ba dân số, mà chủ yếu vì thanh niên là bộ phận trẻ, khỏe, dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo, giàu ý chí, nghị lực và ước mơ; vì thanh niên là những đội quân xung kích trên các mặt trận; thanh niên là người xung phong trong công cuộc phát triển kinh tế, văn hóa; thanh niên là lực lượng cơ bản trong bộ đội, công an và dân quân tự vệ. Và trong mọi công việc, thanh niên là lực lượng có khả năng thực hiện khẩu hiệu:
“Việc gì khó có thanh niên, ở đâu khó có thanh niên” [30, tr.310]. Người ca ngợi tuổi trẻ là độ tuổi đẹp nhất trong cuộc đời mỗi người: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội” [25, tr. 167]. Do vậy, thế hệ trẻ tiêu biểu cho sức sống, sức phát triển của một dân tộc, nếu được chăm sóc, giáo dục, rèn luyện, dìu dắt đúng thì họ có khả năng “dời non lấp bể” trong sự nghiệp bảo vệ nền độc lập và xây dựng đất nước.
Từ sự nhìn nhận toàn diện, niềm tin của Người đối với thế hệ trẻ, đối với thanh niên vô cùng lớn lao và vững chắc. Niềm tin ấy không phải là sự chủ quan ngộ nhận không có cơ sở mà nó xuất phát từ nhãn quan duy vật biện chứng của một nhà tư tưởng vĩ đại từng có quá trình hoạt động thực tiễn ở lứa tuổi thanh niên sôi nổi nhiệt huyết, đã tận mắt chứng kiến những thành quả cách mạng, những chiến công thực sự mà lớp lớp thanh niên đã lập nên trong suốt tiến trình cách mạng của dân tộc.
Thật vậy, ngược dòng lịch sử, ngay từ những năm 20 của thế kỉ XX, khi ở độ tuổi thanh niên, trong nhiều bài báo tố cáo tội ác của thực dân Pháp gây ra ở Đông Dương, ở nhiều nước thuộc địa và phụ thuộc Nguyễn Ái Quốc đã sớm nhận rõ vai trò quan trọng mang tính quyết định cải biến xã hội của quần chúng nhân dân, đặc biệt là thanh niên. Trong tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp”, phần phụ lục “Gửi thanh niên An Nam”, Người đã tha thiết kêu gọi: “Hỡi Đông Dương đáng thương hại! Người sẽ chết mất, nếu đám Thanh niên già cỗi của Người không sớm hồi sinh” [24, tr.133]. “Già” của thanh niên ở đây như Người viết trong thư là sự “biếng, nhác”, là “chưa ý thức được trách nhiệm của mình” trước cảnh nước mất nhà tan, họ lâm vào sự bế tắc tư tưởng, “không tìm thấy lối ra” sau những thất bại liên tiếp kéo dài của nhiều phong trào yêu nước; họ bơ vơ không có người lãnh đạo. Từ đó, Nguyễn Ái Quốc đã nhìn ra một chân lí về vai trò quyết định của thanh niên đối với vận mệnh dân tộc rằng muốn “hồi sinh” dân tộc trước hết phải “hồi sinh” thanh niên”. Việc thành lập tổ chức “Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội” (với hạt nhân là những thanh niên yêu nước do Người giáo dục, giác ngộ) để chuẩn bị cho việc thành lập Đảng Cộng sản ở Việt Nam và sáng lập tờ báo cách mạng mang tên “Thanh niên” chứng tỏ Hồ Chí Minh có một tầm nhìn chiến lược, khi Người biết rằng chỉ có thanh niên mới có thể nắm vai trò là những người châm ngòi lửa đầu tiên cho cách mạng nước ta.
Không những chỉ ra khả năng cách mạng to lớn của tuổi trẻ trong cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân (mặt hiện tại) mà Người còn chỉ ra tiềm năng to lớn của tuổi trẻ trong công cuộc kiến thiết, xây dựng nước nhà (mặt tương lai):
Cách mạng Tháng Tám thành công mở ra kỉ nguyên độc lập, tự do cho dân tộc, trong ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tháng 9 năm 1945, Người đã gửi gắm niềm tin vào thế hệ trẻ: “Non sông
Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em” [25, tr.33]. Tháng 8 năm 1947, Hồ Chí Minh khẳng định: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy, nước nhà thịnh hay suy, mạnh hay yếu, một phần lớn là do các thanh niên” [26, tr.185].
Khi miền Bắc bước và thời kì xây dựng chủ nghĩa xã hội, thấy được thanh niên là lớp người hăng hái xung phong trên mọi mặt trận công nghiệp, nông nghiệp, giáo dục, an ninh quốc phòng… Hồ Chí Minh đã biểu lộ niềm tin:
trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong, chờ đợi ở thanh niên rất nhiều. Chứng kiến sự cống hiến và trưởng thành của tuổi trẻ Việt Nam hơn 30 năm kể từ những ngày đầu vận động thành lập Đảng, tại lễ kỉ niệm 35 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam (tháng 3 năm 1966), Người nói: “Là người theo dõi tổ chức thanh niên từ bước đầu hiếm hoi chỉ có tám cháu, ngày nay trông thấy có hàng triệu đoàn viên thanh niên, hàng triệu cháu bé nhi đồng, phát triển mơn mởn như hoa nở mùa xuân. Với một thế hệ thanh niên hăng hái và kiên cường, chúng ta nhất định thàng công trong sự nghiệp bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Vì vậy, Bác rất tự hào, sung sướng và thấy như mình trẻ lại, thấy tương lai của dân tộc ta vô cùng vững chắc và vẻ vang” [33, tr. 66, 67]
Thực tiễn cho thấy quan điểm biện chứng trong việc nhìn nhận, đánh giá thanh niên của Hồ Chí Minh làm cho thanh niên tự tin hơn, đồng thời thanh niên cũng thấy rõ yêu cầu phải phấn đấu, rèn luyện.
* Hồ Chí Minh nhìn nhận vấn đề thanh niên trong sự phát triển có tính kế thừa bền vững giữa các thế hệ, tạo điều kiện cho thế hệ trẻ phát huy hơn thế hệ trước
Người coi “Thanh niên là người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già, đồng thời là người phụ trách, dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai tức là các cháu nhi đồng” [31, tr. 488], nghĩa là trong mọi hoàn cảnh và điều kiện phải thực hiện cho được việc biến quá trình kế tục tự nhiên “tre già măng mọc” thành quá trình kế tục cách mạng.
Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, của nhiều thế hệ nối tiếp nhau. Lịch sử là vô hạn song cuộc đời của mỗi con người là có hạn, mỗi thế hệ chỉ có thể đi hết một chặng trên con đường cách mạng lâu dài, gian khổ. Bác Hồ đã thấy rõ khả năng tối đa mà thế hệ đi trước có thể làm được cũng như giới hạn tự nhiên mà thế hệ đó không thể vượt qua. Từ đó, bàn giao thế hệ không chỉ là trao lại những gì đã có mà quan trọng hơn, khó khăn, gian khổ hơn nhiều là chuẩn bị cho lớp sau những gì cần thiết cho họ một cách vững chắc nhất, tốt đẹp nhất. Bác dạy: “Nếu thế hệ già khôn hơn thế hệ trẻ thì không tốt. Thế hệ già thua thế hệ trẻ mới là tốt” [22, tr.110]. Trong Di chúc của mình Người đưa ra tư tưởng:“Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là vấn đề rất quan trọng, và rất cần thiết” [33, tr. 510] . Đây chính là vấn đề cốt lõi mang ý nghĩa chiến lược trong tư tưởng Hồ Chí Minh về thanh niên và CTTN. Tư tưởng này hoàn toàn nhất quán với phương châm giáo dục quí báu mà Người đã để lại cho dân tộc, đó là:
“ Vì lợi ích mười năm, thì phải trồng cây,
Vì lợi ích trăm năm, thì phải trồng người” [30, tr. 222].
Thật vậy, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là “rất quan trọng” bởi vì cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, của nhiều thế hệ nối tiếp nhau, nó quyết định sự thành bại của cách mạng đang cam go trước mắt. Mặt khác, theo Người, “rất cần thiết” bởi nó là vấn đề có tính quy luật, không thể chối bỏ, né tránh. Sâu xa hơn là bởi nó quyết định sự tồn tại, phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc, tức là sự phát triển giống nòi, đó mới là vấn đề chiến lược lâu dài.
Trên đất nước ta, kể từ khi Đảng ta ra đời đảm đương sứ mệnh lãnh đạo giai cấp và dân tộc đấu tranh giành độc lập cho đến nay, đã có nhiều thế hệ thanh niên lớp trước, lớp sau từ thời kì xây dựng Đảng, xây dựng Đoàn đấu tranh giành chính quyền, đến kế tục kháng chiến cứu nước rồi xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Thực tiễn cho thấy Bác đã nhìn thấy ý nghĩa lớn lao của sự nghiệp bồi dưỡng thế hệ kế tục ngay từ khi thế hệ đấu tranh giành chính quyền làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thần kỳ hoàn thành sứ mệnh lập nên nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà mở ra kỷ nguyên độc lập tự do cho cả dân tộc. Nếu thế hệ kế tục chưa được chuẩn bị thì khó có thể đi vào cuộc kháng chiến trường kỳ và đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi. Chính tư tưởng này của Người đã giúp dân tộc ta có được những thế hệ anh hùng trẻ tuổi chống Pháp, chống Mỹ và sau đó là thế hệ hăng hái xây dựng CNXH khi hòa bình lập lại, thế hệ thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, đến nay là thế hệ vững vàng thực hiện công cuộc CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế. Ở đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nâng tầm nhìn, nâng quá trình chuẩn bị cho các thế hệ không phải chỉ là 10 năm, 20 năm mà còn lâu hơn thế nữa. Rõ ràng là sự tồn tại và phát triển của mỗi thế hệ đều có giới hạn nhất định nhưng sự nghiệp mà thế hệ đi trước đã tạo dựng nên sẽ được sống mãi và đời đời phát triển bằng sự kế tục cách mạng của các thế hệ đi sau với một điều kiện không thể thiếu được, đó là sự đầu tư bồi dưỡng, sự gia công bền bỉ của thế hệ đi trước.
* Hồ Chí Minh có quan điểm toàn diện trong giáo dục thanh niên, thế hệ trẻ để xây dựng thế hệ kế tục cách mạng
Người dạy: “Trong việc giáo dục và học tập, phải chú trọng đủ các mặt: đạo đức cách mạng, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, văn hoá, khoa học kỹ thuật, quân sự, lao động sản suất” [31, tr.190]. Đây là con đường hình thành nên lớp người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa "hồng, vừa "chuyên”. Trong đó Người coi đạo đức là cái gốc: “Thanh niên ta cần phải thấm nhuần
tinh thần làm chủ nước nhà và phải trau dồi đạo đức của người cách mạng”
[31, tr. 305]. Cốt lõi tư tưởng giáo dục của Người thể hiện trong Năm điều Bác dạy thanh niên:
- Phải luôn nâng cao chí khí cách mạng, “trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Không sợ gian khổ hi sinh, hăng hái thi đua tăng gia sản xuất và anh dũng chiến đấu, xung phong đi đầu trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước.
- Phải tin tưởng sâu sắc ở lực lượng và trí tuệ của tập thể, của nhân dân. Tăng cường đoàn kết và giúp đỡ nhau. Nâng cao ý thức tổ chức và kỷ luật. Kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tự do.
- Luôn luôn trau dồi đạo đức cách mạng, khiêm tốn và giản dị. Chống kiêu căng tự mãn. Chống lãng phí xa hoa. Thực hành tự phê bình và phê bình nghiêm chỉnh để giúp nhau cùng tiến bộ mãi.
- Ra sức học tập nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, khoa học kĩ thuật